Soóng cọ Bình Liêu

Bình Liêu là huyện vùng cao miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh, nằm cách trung tâm TP Hạ Long hơn 100 km về phía đông bắc. Nơi đây còn lưu giữ được nguyên vẹn những giá trị văn hóa dân gian độc đáo về Lễ hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ. Theo lời người xưa kể, người Sán Chỉ hát Soóng cọ quanh năm, mọi nơi, mọi lúc, mỗi khi có dịp.

Bình Liêu là huyện vùng cao miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh, nằm cách trung tâm TP Hạ Long hơn 100 km về phía đông bắc. Nơi đây còn lưu giữ được nguyên vẹn những giá trị văn hóa dân gian độc đáo về Lễ hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ. Theo lời người xưa kể, người Sán Chỉ hát Soóng cọ quanh năm, mọi nơi, mọi lúc, mỗi khi có dịp.

Ðã lâu rồi chúng tôi mới có dịp trở lại huyện vùng cao Bình Liêu để được hòa mình vào lễ hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ. Hát Soóng cọ hay còn gọi là Hội tháng ba của người Sán Chỉ ra đời cách đây 300 năm. Xưa kia, cứ vào tháng ba âm lịch, mỗi phiên chợ ở huyện vùng cao Bình Liêu lại trở thành hội hát Soóng cọ. Người Sán Chỉ gọi là "Slằn nhịp hội" tức là Hội tháng ba hay còn gọi là Hội Opò. Hát Soóng cọ là cách hát đối gồm một bên nam, một bên nữ đối diện và có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Chợ phiên chính là nơi gặp gỡ, giao lưu của các tộc người sống trong cộng đồng và cũng là nơi diễn ra hoạt động trao đổi những vật phẩm do chính họ làm ra với mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Chợ phiên còn là nơi hẹn hò của thanh niên nam, nữ giao duyên với nhau qua lời ca, tiếng hát. Ở đây họ được xem, mua hàng, gặp gỡ bạn bè, qua cử chỉ, ánh mắt, lời nói mà nảy sinh tình cảm và mong muốn được làm quen qua lời ca, điệu hát để chào nhau, thăm hỏi, kết bạn và tỏ tình cùng nhau. Nhiều cặp hát Soóng cọ trong phiên chợ tháng ba đã nên vợ chồng và sống với nhau đến đầu bạc răng long.

song co
Tục hát Soóng cọ có một quy định chặt chẽ là không hát với người cùng huyết thống, dòng tộc, họ hàng. Người già dạy người trẻ, người biết dạy cho người không biết để có thể đứng đối với người bạn khác. Những câu hát, lời ca hợp ý nhau, hình thành cặp hát trò chuyện tâm tình với nhau, thường kéo dài cả ngày. Nội dung bài hát phong phú, đa dạng, uyển chuyển, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa. Chị Chìu Thị Sằn ở thôn khe vằn, xã Húc Ðộng, Bình Liêu phấn khởi nói: "Vui lắm, năm nào huyện và xã cũng mở hội hát Soóng cọ vào dịp chợ phiên nên mọi người vui lắm, trai gái trong bản được gặp gỡ, giao duyên, cùng nhau uống rượu và hát Soóng cọ suốt đêm. Vui quá không muốn về". Ở đây, mỗi câu hát được cất lên là tâm tình, trải tấm lòng mình với người bạn hát đối cùng, có thể là người bạn mới gặp trong ngày hội nhưng cũng có thể là những người bạn từ thời thanh niên, thầm yêu trộm nhớ, họ gặp lại nhau trong ngày hội và những câu hát với làn điệu du dương, êm ái, khoan thai, nhẹ nhàng đã làm lắng đọng và tạo nên sự gần gũi để động viên nhau, truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong  cuộc sống, những dự định, ước mơ và gửi gắm trong đó những tình cảm thầm kín. Cứ như vậy, lời hát thánh thót kéo dài suốt đêm hội... Lời bài hát thật sâu lắng, tình cảm: "Chàng đến muộn, em mong đợi chàng, Con ngựa chân ngắn chàng đến muộn, Bao nhiêu hoa đẹp người hái tất, Chàng đến muộn hoa đẹp không còn, Phượng hoàng bay qua đỉnh đầu rừng, Trăng lặn phía tây sao mọc lại, Có phúc mới gặp người đồng hương, Khác nào gặp tiên nữ ra ca hát...". Qua đêm hội, đến ngày hôm sau, trên những con đường về thôn, bản, những đôi trai gái vẫn còn lưu luyến, bịn rịn chưa muốn rời xa.

Trong ngày Hội tháng ba, hát Soóng cọ được coi là tâm điểm và bên cạnh đó còn có làn điệu hát then cùng cây đàn tính của người Tày, hát giao duyên, hát đối của người Dao Thanh Phán và các làn điệu dân ca của các dân  tộc trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, Hội tháng ba cũng là dịp giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, vừa mang tính đồng tộc, vừa mang tính cộng đồng sâu sắc. Những trang phục rực rỡ của người Dao, mầu chàm tím của người Sán Chỉ, chiếc áo dài chất liệu gấm đen và cây đàn tính của người Tày... cùng với lời ca, điệu múa và phiên chợ..., tất cả tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc, rực rỡ sắc mầu, một không khí tưng bừng mang sắc thái của di sản văn hóa truyền thống vùng Ðông Bắc của Tổ quốc.

Một trong những nội dung không thể thiếu trong ngày Hội tháng ba là cuộc thi làm nghề truyền thống giữa các thôn, bản, như: đan quang gánh mạ theo truyền thống dân tộc; các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh gụ, tung còn..., đã thu hút đông đảo thanh niên các dân tộc tham gia, tạo được một sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc trong ngày hội.

Lễ hội hát Soóng cọ là một di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của tộc người Sán Chỉ ở Quảng Ninh, có một sức sống mãnh liệt qua thời gian. Với nội dung phong phú, ca ngợi quê hương, đất nước, khát vọng về tình yêu đôi lứa, khuyên nhủ con người phải lao động hăng say, ca ngợi những đức tính tốt, chê bai những kẻ lười biếng; là món ăn tinh thần của người lao động, thể hiện ước mơ, lý tưởng vươn tới trong cuộc sống của con người.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Trịnh Văn Duyệt, cho biết: "Tới đây, Hội tháng ba Bình Liêu sẽ được tổ chức theo từng cụm và giao cho từng xã tổ chức, với yêu cầu phải thể hiện được sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên và phản ánh đầy đủ cảnh sinh hoạt, cuộc sống của bà con với những phong tục tập quán từ ngàn đời. Về lâu dài, UBND huyện Bình Liêu sẽ sớm xây dựng và hình thành các tua du lịch sinh thái, du lịch văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực nhằm giới thiệu và quảng bá các nét văn hóa dân gian đặc trưng của các dân tộc vùng Ðông Bắc.Và đây cũng là di sản văn hóa tinh thần cần được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hôm nay".

Tạm biệt huyện vùng cao Bình Liêu, tạm biệt những làn điệu Soóng cọ mượt mà như đang muốn níu chân khách ở lại, chúng tôi cảm nhận được những nét văn hóa rất riêng có, rất độc đáo về một Lễ hội của người dân tộc Sán Chỉ ở Quảng Ninh đang cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay và  mai sau.

Nguồn: Báo Nhân dân

Đọc thêm