Trong khi lo lắng hơi thái quá về bọ xít hút máu, nhiều người chưa chú ý đến một loại bệnh dễ mắc và không kém phần nguy hiểm.
Ấu trùng mò và vết đốt của nó. |
Có thể biến chứng, gây tử vong
Khoảng hai tuần trước, chị Kim Ch. (SN 1989, ở Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hòa) lên cơn sốt. Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh chẩn đoán chị bị sốt xuất huyết. Chiều 25-10, chị được chuyển lên Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa (KTN) trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, phù nề hai chân…
Căn cứ triệu chứng và phát hiện vết loét ở bẹn chị Ch., KTN chẩn đoán chị bị bệnh sốt mò. Chiều 26, do bị suy hô hấp nặng, chị Ch. được chuyển đến Khoa Hồi sức.
Cùng chị Ch., có hai bệnh nhân sốt mò khác đang được điều trị tại KTN. Trong đó, cụ Trương Thị T. ở thôn Thanh Minh (Diên Lạc, Diên Khánh) bị rối loạn tri giác, viêm phổi, được gia đình đưa vào viện ngày 20-10 do cho rằng cụ bị bọ xít hút máu đốt…
Theo bác sĩ Phan Thế Long ở KTN, tháng nào khoa cũng điều trị hàng chục bệnh nhân sốt mò. Đại tá, Bác sĩ CK2, Phó Giám đốc Bệnh viện 87 (BV87) Nguyễn Bá Hành cho biết, từ năm 2008 đến nay BV87 đã điều trị trên 120 ca sốt mò.
Sốt mò còn được gọi là sốt bụi rậm, sốt ban nhiệt đới, sốt triền sông Nhật Bản (Tsutsugamushi) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn ký sinh Rickettsia Orientalis (Rickettsia Tsutsugamushi) gây nên.
Trung gian truyền bệnh cho người là ấu trùng mò Leptotrombidium, kích thước khoảng 0,15 - 0,3 mm, thường có màu đỏ da cam. Ấu trùng mò mang Rickettsia Orientalis ẩn náu trong cỏ, lùm cây thấp, đám lá mục…, rồi bám chặt vào da của các loài động vật đi qua chỗ của chúng. Chúng thường đốt vào chỗ da mềm, ẩm, kín của người như bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bẹn, cổ, rốn...
Vài ngày sau khi bị mò đốt, bệnh nhân thường sốt, rét run, đau đầu, nổi hạch ở gần nơi bị đốt, da niêm mạc xung huyết... Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường có biến chứng ở nội tạng (suy thận, gan, tim, viêm phổi, viêm não) và những tổn thương ở mắt..., tỉ lệ tử vong khá cao (Nhật Bản 20 - 60%, Malaysia 15 - 20%, Indonesia và Đài Loan 5 - 20%).
Chẩn đoán đúng sẽ dễ điều trị
Thầy thuốc ít kinh nghiệm dễ nhầm bệnh sốt mò với một số bệnh khác như sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, sốt Dengue, sốt phát ban chấy rận…, Đại tá - bác sĩ Nguyễn Bá Hành cho biết.
Nếu chẩn đoán sai, để bệnh biến chứng, việc điều trị sẽ rất khó khăn, như trường hợp anh Trần Văn K. ở thôn Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang), chị Nguyễn Thị Th. ở đường Hương Điền (phường Phước Hải, Nha Trang).
Họ vào BV87 khi đã suy hô hấp nặng, trụy tim mạch, tổn thương đa phủ tạng. Sau gần ba tuần được điều trị tích cực bằng thở máy, mở khí quản, Dopamin và dùng thuốc đặc hiệu Chlorocide, họ mới hồi phục… Nhưng nếu sớm được chẩn đoán đúng, bệnh nhân sốt mò sẽ hồi phục sức khỏe chỉ sau 3 - 5 ngày điều trị.
Đại tá - bác sĩ Nguyễn Bá Hành và cộng sự ở BV87 đang cùng Viện Vệ sinh Phòng dịch Quân đội thực hiện đề tài cấp Bộ Quốc phòng: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị sốt mò. Nhiều cơ quan cũng đang quan tâm nghiên cứu bệnh sốt mò, như Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Chi nhánh phía Nam…
Ba dấu hiệu điển hình của bệnh sốt mò - Nốt loét: Vị trí vết loét thường ở chỗ da mềm, ẩm, kín như bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bẹn, rốn, cổ. Khi vết loét khỏi, da xung quanh cứng, đóng vảy màu nâu đen. Khoảng 80% bệnh nhân sốt mò có vết loét, nhưng không ngứa, không đau rát. - Sưng hạch bạch huyết: Khoảng 91% bệnh nhân có hạch nổi bằng hạt táo, hạt mận, di động, hơi đau ở khu vực gần vết loét. - Ban dát sẩn: Khoảng 82% bệnh nhân có ban mọc ở toàn thân vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau khi bị mò đốt, đường kính bằng hạt kê đến 1 cm, màu mận chín, sờ hơi cứng, lặn sau 4 - 5 ngày... Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng, bệnh sốt mò còn được xác định bằng kỹ thuật huyết thanh xác định kháng thể (test nhanh- SD bioline tsutsugamushi, có độ nhạy 99% và độ đặc hiệu 96%). Điều trị bệnh có hiệu quả với kháng sinh thông thường loại Doxycycline (hoặc Tetraxyclin) và Chloramphenicol. |
Nguồn: Tiền phong