Sốt vó tìm chỗ bán hoa Tết

Trước thời điểm bán hoa Tết, nhiều hộ trồng hoa đứng ngồi không yên vì lo không nhanh chân “xí” được chỗ bán, hoặc bốc thăm trúng chỗ không thuận tiện. Để không phải vất vả tìm lô, vài hộ kêu “mối” bán sỉ với giá chỉ bằng 70% so với giá bán lẻ.          

Trước thời điểm bán hoa Tết, nhiều hộ trồng hoa đứng ngồi không yên vì lo không nhanh chân “xí” được chỗ bán, hoặc bốc thăm trúng chỗ không thuận tiện. Để không phải vất vả tìm lô, vài hộ kêu “mối” bán sỉ với giá chỉ bằng 70% so với giá bán lẻ.      

Vào dịp Tết, những người trồng hoa mong tìm được một chỗ bán hoa hợp lý. 

Mua lô với giá gấp đôi giá chính thức

Từ trước Tết hơn một tháng, cả nhà ông Phan Văn Hòa, hộ trồng hoa ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) đã vào ra nghe ngóng thời điểm Ban quản lý (BQL) các chợ quận Liên Chiểu phát hành phiếu đăng ký lô bán hoa ở khu vực chợ Hòa Khánh (mặt tiền đường Âu Cơ). Với trên 1.500 chậu cúc và ly ly, ông Hòa cho hay phải có từ 3-4 lô (mỗi lô có thể trưng được 100 chậu hoa - PV) mới đủ để bán. Tuy nhiên, kinh nghiệm của ông và nhiều hộ trồng hoa ở vùng này từ các năm trước cho thấy, rất nhiều hộ bốc thăm, đấu thầu trúng lô “ngon” thường không phải là dân trồng hoa hoặc có nhu cầu bán hoa thật sự, mà là những người “mua đi bán lại” kiếm lời. Thành ra năm ngoái, để sở hữu được 2 lô, ông Hòa phải trả cho người buôn tới 2,4 triệu đồng, trong khi giá chính thức chưa bằng phân nửa. Tương tự, ông Nguyễn Trung ở thôn Vân Dương 1 cũng đang rất lo vì năm ngoái, ông phải mua thêm nhiều lô từ người buôn mới đủ chỗ bán cúc.

Không sợ tìm không ra lô, nhưng các hộ trồng hoa ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) lại thấp thỏm lo bốc thăm trúng lô không đẹp ở khu vực Đài Tưởng niệm (Quảng trường 29-3). Ông Nguyễn Văn Toàn, tổ 60 phường này cho hay, nhiều năm nay, ông chưa bao giờ bốc trúng lô đắc địa ở ngay khu trung tâm.

Từ thực tế trên, nhiều hộ dân đã nghi ngờ có sự không rõ ràng trong chuyện đấu thầu, bốc lô. Ông Nguyễn Văn Ban, tổ 64 Hòa Cường Bắc dẫn chứng: “Cùng trồng hoa, nhưng có người năm nào cũng bán cùng một địa điểm. Nếu người này cũng bốc thăm như bọn tôi, thì không thể có sự trùng hợp như vậy được”. Hội Nông dân TP. Đà Nẵng cũng nhận được nhiều phản ánh tương tự của nông dân từ các quận, huyện. Ông Nguyễn Quang Nga, Chủ tịch Hội đề nghị, năm nay và các năm tiếp theo, việc sắp xếp lô bán hoa phải được tổ chức lại dưới sự giám sát của các đoàn thể, để đạt được sự minh bạch, rõ ràng và bảo đảm quyền lợi cho những nông dân lam lũ trồng hoa.

Nông dân lo “ứ” hoa vì tìm không ra chỗ bán

Tiếp xúc với chúng tôi, BQL các chợ quận Liên Chiểu và Công ty Công viên Đà  Nẵng (đơn vị tổ chức, quản lý khu bán hoa Quảng trường 29-3) khẳng định, tất cả các quy trình đăng ký phiếu, bốc thăm, đấu thầu đều được thực hiện công khai, dưới sự chứng kiến của những người trực tiếp tham gia bốc thăm. “Bốc thăm là để nhắm đến sự công bằng, dứt khoát không thể có chuyện ưu tiên cho người này, người kia. Trước khi bốc, chúng tôi đều cử đại diện cho những người bốc thăm lên kiểm tra, xếp và xóc phiếu, thì không thể có kẽ hở được”, ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Giám đốc Công ty Công viên Đà Nẵng nói.

Năm nay, Công ty Công viên Đà Nẵng phân chia trên 600 lô bán hoa Tết ở Quảng trường 29-3 (đường 2 tháng 9) với diện tích mỗi lô là 2mx20m. Việc bốc thăm được thực hiện vào 7 giờ ngày 1-2-2010 (tức 18 tháng Chạp). Như vậy, chợ hoa sẽ bắt đầu từ 5-2 (nhằm ngày 22 tháng Chạp) đến 13-2 (nhằm ngày 30 tháng Chạp). Giá thuê mặt bằng ở khu A là 1,8 triệu đồng/lô, khu B là 1,2 triệu đồng/lô, khu C là 500 nghìn đồng/lô.

Và theo ông Đặng Quang Hưng, Phó Trưởng BQL các chợ quận Liên Chiểu, năm nay, để bảo đảm công khai và loại trừ những người vụ lợi “mua đi bán lại”, BQL tổ chức đấu giá tất cả các lô, với giá sàn từ khoảng 250 nghìn đồng/lô. “Như vậy, những tay sang nhượng sẽ không dám đấu giá cao để giành lô, vì nếu đấu quá cao, nhà vườn không mua nổi, họ sẽ lỗ”, ông Hưng giải thích. Thời gian đấu giá lô cũng được thực hiện sớm (trước Tết nửa tháng), để bà con nếu không có lô, có thể chủ động tìm chỗ khác.

“Trông trời, trông đất, trông mây” để trồng hoa nở kịp Tết vốn đã cực, nay người nông dân chỉ trông chờ vào tính minh bạch của các đơn vị tổ chức địa điểm bán hoa, để họ có thể gặt hái được thành quả lao động cả năm. Ông Phan Văn Hòa cho rằng, lượng hoa mà bà con trồng rất nhiều, nhưng không thấm vào đâu so với nhu cầu chơi hoa ngày Tết của người dân Đà Nẵng. “Giá cả không thành vấn đề, có thể tùy tình hình mà điều chỉnh, chỉ cần có chỗ bán cho đàng hoàng, thì bao nhiêu bọn tui cũng có thể bán được”, ông Hòa nói. Năm ngoái, ông còn “ối” lại khoảng 400 cây vì không đủ chỗ trưng hoa. Ông cũng dự định bán phân nửa số hoa trong vườn cho các nhà buôn các nơi với mức giá bằng 70% giá bán lẻ, để khỏi nhọc công chạy tìm chỗ bán. 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

Đọc thêm