Sự chuyển biến trong tiến trình tìm giải pháp kiểm soát thuốc lá mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vấn đề kiểm soát thuốc lá mới không chỉ được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo các Bộ liên quan nhanh chóng phối hợp đề xuất phương án kiểm soát chặt chẽ, mà đến nay nhiều cơ quan, ban, ngành và các chuyên gia cũng đã vào cuộc để sớm tìm ra giải pháp cho thực trạng hiện nay.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối diện với vấn đề nan giải trong việc ứng xử với thuốc lá mới. Trước Việt Nam đã có nhiều nước phản đối quyết liệt đối với các sản phẩm này, tuy nhiên bằng chứng khoa học và những dữ liệu đời thực là câu trả lời thiết thực nhất. Kết quả là nhiều quyết định cấp tiến đã được ban hành trên toàn cầu.

Nhiều cấp độ quản lý khác nhau

Không như thuốc lá điếu truyền thống từ lâu đã được cung cấp hợp pháp đi kèm với siết chặt quy định kiểm soát và giám sát, việc ứng xử đối với thuốc lá mới, như thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN), hiện nay mang nhiều cấp độ khác nhau.

Theo thống kê năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 79 quốc gia cho phép lưu hành TLĐT. Tuy nhiên, điều kiện thương mại khá đa dạng, tùy thuộc vào luật pháp và bối cảnh của nước sở tại. Theo đó, có quốc gia kiểm soát chặt TLĐT như dược phẩm, ví dụ như Úc, Nhật Bản, nhưng cũng có quốc gia ủng hộ tuyệt đối, thậm chí cung cấp miễn phí TLĐT cho những người đang hút thuốc nhằm khuyến khích chuyển đổi, như Anh quốc.

Trong khi đó, đã có 184 quốc gia thành viên của WHO thương mại hóa TLLN, hầu hết là áp dụng theo luật hiện hành đối với thuốc lá điếu theo khuyến nghị của WHO, hoặc bổ sung quy định mới với điều kiện nới lỏng hơn so với thuốc lá truyền thống.

Có thể thấy, số lượng quốc gia hợp pháp hóa và ủng hộ thuốc lá mới ngày càng tăng. Thế nhưng, trên thực tế các quốc gia này cũng trải qua quá trình đấu tranh nội bộ trong giai đoạn đầu. Minh chứng cho điều này, ông Tommaso Di Giovanni, Phó Tổng Giám đốc Truyền thông Quốc tế của Philip Morris International (PMI) chia sẻ về câu chuyện của New Zealand, hiện đang được toàn cầu biết đến là quốc gia đầu tiên triển khai chính sách “cấm thuốc lá trọn đời” đối với những người sinh năm từ ngày 1/1/2019 trở về sau. Tuy nhiên, điều đặc biệt là đạo luật này chỉ áp dụng đối với thuốc lá điếu, mà không bao gồm các sản phẩm thuốc lá không khói.

Đạo luật kiểm soát thuốc lá mới của Chính phủ New Zealand.

Đạo luật kiểm soát thuốc lá mới của Chính phủ New Zealand.

Ông Tommaso cho biết, trong khoảng năm 2017 - 2018 khi giới thiệu các sản phẩm thuốc lá mới gồm TLLN và TLĐT tại thị trường này, công ty đã bị kiện vì cho rằng đã vi phạm lệnh cấm thuốc lá mới theo đạo luật cũ từ thập niên 80 (trên thực tế chỉ áp dụng đối với thuốc lá ngậm snus). Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến từ các chuyên gia y tế, tòa án New Zealand đã quyết định cho phép hợp pháp hóa các sản phẩm này, đồng thời yêu cầu Chính phủ New Zealand nên đánh giá lại luật kiểm soát thuốc lá hiện hành. Hiện nay, trên website của Bộ Y tế nước này còn công bố khuyến khích người hút thuốc chuyển đổi sang thuốc lá mới, cùng với sự ủng hộ từ nhiều cơ quan y tế và tổ chức phi chính phủ.

Đến nay, ngoài New Zealand, ngày càng nhiều các quốc gia khác công khai khuyến khích người dân chuyển sang các sản phẩm thuốc lá mới như Ý, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản...

Đối thoại để tìm tiếng nói chung

Sự đa dạng và phát triển của các sản phẩm thuốc lá mới đang được các nhà khoa học, nhà làm chính sách trên toàn cầu đánh giá là phát triển nhanh hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành. Do vậy, không chỉ tại Việt Nam, các nhà làm luật tại nhiều quốc gia cũng phản ứng chậm, hoặc bối rối đối với các sản phẩm hiện có.

Tại Hội thảo “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” tại Hà Nội vào tháng 10 vừa qua, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nay vẫn tồn tại mâu thuẫn trong việc định danh thuốc lá mới. Theo ông, hiện nay nhiều bên, thậm chí là cơ quan quản lý, vẫn còn nhầm lẫn về sự khác nhau giữa hai sản phẩm thuốc lá mới là TLLN và TLĐT. Điều này khiến cho việc quyết định phương án kiểm soát phù hợp của các cơ quan chức năng và các bên tham mưu cho Chính phủ trở nên khó khăn hơn, trong khi về bản chất đây là hai sản phẩm khác biệt hoàn toàn. WHO cũng có những hướng dẫn hoàn toàn khác biệt trong cách quản lý đối với hai sản phẩm này.

Ông Tommaso Di Giovanni.

Ông Tommaso Di Giovanni.

Sự nhầm lẫn này không chỉ xảy ra đối với vấn đề pháp lý mà ở phạm vi khác, theo ông Tommaso, nhiều bên cũng đã hiểu không chính xác về Điều 5.3 trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO. Theo ông, Điều 5.3 không cho rằng giữa các bên hữu quan và ngành hàng thuốc lá không thể đối thoại với nhau, mà chỉ yêu cầu mọi cuộc đối thoại đều phải công khai, minh bạch và không nhằm bảo vệ các lợi ích của ngành hàng thuốc lá. Do đó, ông cho rằng, cần phải công khai, minh bạch trong đối thoại giữa chính phủ và doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ những hoài nghi, vướng mắc và áp đặt trách nhiệm cho các bên liên quan.

Trong Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” tại Hà Nội hồi tháng 7/2023, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đề cao tính trách nhiệm của doanh nghiệp khi kinh doanh thuốc lá mới. Ông Nhân khẳng định, nếu việc kinh doanh thuốc lá mới được thông qua, toàn bộ nguồn thu sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định, dưới sự giám sát của Chính phủ. Do đó, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam mong mỏi, cần sớm có hướng quản lý sản phẩm để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà không chỉ xã hội mà cả ngành hàng cũng đang gặp phải.

Đọc thêm