Sử dụng, tuyển dụng giáo viên: Luẩn quẩn thừa, thiếu

Nhiều giáo sinh ra trường nhiều năm không kiếm được việc phải đi làm trái ngành hoặc có người chấp nhận làm không hưởng lương nhiều năm chỉ để “chờ lốt” vào biên chế…

Nhiều giáo sinh ra trường nhiều năm không kiếm được việc phải đi làm trái ngành hoặc có người chấp nhận làm không hưởng lương nhiều năm chỉ để “chờ lốt” vào biên chế…

Làm không lương để… chờ đến lượt
Cuộc giám sát do Ban Pháp chế, Ban Văn hóa-xã hội HĐND thành phố tiến hành tại quận Lê Chân cho thấy: Hiện quận có 170 giáo viên hợp đồng thỉnh giảng tại các trường THCS và tiểu học, chiếm khoảng 20% tổng số giáo viên trong biên chế toàn quận, trong đó bậc học mầm non có 149 người. Đây là con em cán bộ nhân dân trên địa bàn quận, tốt nghiệp các trường sư phạm, tự nguyện xin vào thỉnh giảng để rèn luyện, nâng cao trình độ, làm nguồn kế cận cho đội ngũ giáo viên chuẩn bị nghỉ hưu.

Cô giáo Trường Mầm Non Hoa Cúc (quận Lê Chân) chăm sóc các cháu trong bữa ăn.


Tuy nhiên, có giáo viên thỉnh giảng cần mẫn làm việc tại trường 5-7 năm, chỉ được hưởng mức hỗ trợ ít ỏi 300-500 nghìn đồng/tháng mà chưa được xem xét ký hợp đồng, hưởng lương từ ngân sách. Nguyên nhân của tình trạng phải hợp đồng với nhiều giáo viên thỉnh giảng là do đội ngũ giáo viên bậc THCS và tiểu học gần đủ số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Một số giáo viên tuổi cao, trình độ hạn chế, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Một số trường thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, nhưng thừa giáo viên dạy tiếng Pháp, Nga… Do đó, các trường phải ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng phù hợp chương trình học hiện nay. Ngành học mầm non có nhiều bất cập như biên chế ngày càng giảm (mỗi năm quận có khoảng 20 giáo viên mầm non diện biên chế về nghỉ) nên số giáo viên hợp đồng ngày càng tăng, đời sống khó khăn.
Vấn đề sử dụng, tuyển dụng giáo viên bậc học mầm non, tiểu học chưa có cách tháo gỡ không chỉ diễn ra ở quận Lê Chân mà qua giám sát tại quận Hồng Bàng, huyện Thủy Nguyên, huyện Tiên Lãng, tình hình cũng  tương tự như vậy.

Cần cơ chế phù hợp
Những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục ngày càng bộc lộ rõ nhưng lại thiếu chính sách điều tiết.
Công tác tuyển dụng có quá nhiều bất cập và kẽ hở. Một số ý kiến cho rằng, thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng trên thực tế, lãnh đạo các trường THCS và tiểu học không tự quyết định khâu tuyển dụng cán bộ. Việc bố trí, sắp xếp, định biên cho các trường do Phòng Nội vụ của các quận, huyện quyết định. Khi trường có nhu cầu tuyển dụng giáo viên, về nguyên tắc căn cứ yêu cầu của trường cấp trên điều người về. Nhưng thực tế lại khác. Vì thế có tình trạng, trường thiếu giáo viên dạy sử, lại được bổ sung giáo viên dạy văn hoặc ngược lại. Lãnh đạo nhà trường không biết trình độ, năng lực của giáo viên đó như thế nào.
Theo tổng hợp, ngân sách thành phố mỗi năm dành gần 100 tỷ đồng chi trả lương cho đội ngũ giáo viên “dôi dư” (hơn 1000 người), trong khi nhiều giáo viên được đào tạo bài bản vẫn “xếp hàng chờ việc”.
Hơn nữa, đội ngũ giáo viên lớn tuổi, trình độ năng lực hạn chế muốn về nghỉ theo chế độ nhưng quy định nhà nước quá “ngặt nghèo” như yêu cầu giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ do trình độ năng lực chuyên môn yếu hoặc sức khỏe không bảo đảm mới được nghỉ công tác. Vì danh dự, nhiều người đành từ bỏ ý định, chờ đến tuổi về hưu.
Những vướng mắc đã rõ. Vấn đề là thành phố nên rà soát tổng thể, trên cơ sở nhu cầu thực tế của các trường để phân bổ cho phù hợp hoặc giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường từ tuyển dụng đến quản lý các nguồn thu. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm, tránh tình trạng nể nang, đùn đẩy trách nhiệm hoặc xử lý chiếu lệ.
Thường trực HĐND thành phố cần xem xét tổng thể về nhu cầu nhân lực của thành phố để đánh giá sát thực tế, tránh tình trạng tiết kiệm biên chế nhưng ngân sách vẫn phình ra.

Khánh Hồng

Đọc thêm