Sứ mệnh đặc biệt của 'tiền Trường Sơn'

(PLVN) - Trong lịch sử tiền tệ Việt Nam, “tiền Trường Sơn” là một giai đoạn không thể nào quên. 

Trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam những tờ “tiền Trường Sơn”, “Phiếu bách hóa Trường Sơn” cùng các kỷ vật gắn với những năm tháng gian khổ trên chiến trường năm xưa, ánh mắt lấp lánh cảm xúc, bà Lê Thị Vọng Hương, cô y tá Trường Sơn năm nào bồi hồi kể lại những kỷ niệm khó quên.

Tiền đặc biệt, sứ mệnh đặc biệt  

Năm 1959, Trung ương Đảng quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam. Đến cuối cuộc chiến, đường Trường Sơn có tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000 km, gồm nhiều trục dọc, trục ngang ở cả Đông và Tây Trường Sơn. 

Bộ đội vào Nam chiến đấu vẫn được hưởng các chế độ lương và sinh hoạt phí như các đơn vị ở miền Bắc, nhưng không thể đưa tiền mặt vào Nam. Việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho cán bộ và chiến sĩ, việc thanh quyết toán với cấp trên, tránh trùng lĩnh trùng phát là rất khó khăn.

Nhận thấy những bất cập trong việc lĩnh các chế độ của cán bộ chiến sỹ đi B, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, Cục Tài vụ (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức in và đưa vào lưu thông trong lực lượng bộ đội Trường Sơn “tiền Trường Sơn”.

Tiền Trường Sơn có 4 mệnh giá: 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng và 10 đồng; giá trị tương ứng với mệnh giá tiền của NHNN lúc ấy. Sau này NHNN phát hành thêm Phiếu bách hóa Trường Sơn với  4 mệnh giá: số 1, số 2, số 5 và số 10 tương đương mệnh giá tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặt trước in hoa văn dễ nhìn, phía trên có chữ Trường Sơn, bên dưới là chữ Phiếu bách hóa, dưới cùng là số mệnh giá, mặt sau để trống.

Tiền Trường Sơn tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
 Tiền Trường Sơn tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nâng niu những tờ “tiền Trường Sơn” còn giữ được, bà Hương kể, việc đưa tiền Trường Sơn vào lưu thông đã tạo rất nhiều tiện lợi, giúp các đơn vị tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa các thủ tục chứng từ, tem phiếu, sổ theo dõi của cả hai bên xuất và nhập hàng. Đặc biệt, các đơn vị, bộ phận hậu cần đã tiết kiệm được nguồn nhân lực đáng kể, giảm chi phí kho lán ở từng đơn vị, do đó hạn chế thương vong cho cán bộ, chiến sĩ trên đường đi phân phối nhu yếu phẩm.

Khi cán bộ, chiến sỹ từ Trường Sơn ra Bắc, sẽ mang tiền Trường Sơn đổi lấy tiền thật ở hai điểm là Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) và số 3 Lý Nam Đế, Hà Nội. Sau khi thu hồi tiền Trường Sơn, hai cơ sở này đóng gói, chuyển ngược tiền vào Trường Sơn để tiếp tục sử dụng.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn khẳng định: “Tiền Trường Sơn đưa vào sử dụng không chỉ rất thuận lợi trong chi tiêu, mà còn giảm được việc gùi thồ mang vác hàng hóa, vật dụng cá nhân cồng kềnh.

Bộ đội trên đường Hồ Chí Minh.
Bộ đội trên đường Hồ Chí Minh.

Khi có tiền Trường Sơn là có thể mua các mặt hàng nhu yếu phẩm như thuốc lào, kẹo bánh ở các cửa hàng bách hóa tại các binh trạm dọc đường. Đó là dấu ấn khó phai, gắn liền trong một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn trên dãy Trường Sơn”.  Sau chiến tranh, tiền Trường Sơn hoàn thành sứ mệnh và bị tiêu hủy, ít người giữ lại.  

Sáng tạo mới “Giấy nhận nợ”

Theo ông Lê Thành Hiểu, nguyên GĐ Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa: “Qua năm tháng, quân số của Đoàn 559 ngày càng tăng, có lúc lên tới 12 vạn người, lượng Phiếu Bách hóa không đủ để chi trả. Nhận thấy hạn chế này, Phòng Tài vụ Đoàn 559 đã nghiên cứu và xin ý kiến cấp trên để phát hành thêm một loại phiếu thanh toán mới gọi là Giấy nhận nợ. Giấy nhận nợ như tờ séc hoặc Ủy nhiệm chi ở miền Bắc lúc bấy giờ.

Giấy nhận nợ không xác định mệnh giá. Khi sử dụng Giấy nhận nợ phải ghi đầy đủ họ, tên, đơn vị, quê quán, nhận dạng, số tiền và phải đóng hai con dấu. Một con dấu của Đoàn 559 và một con dấu của đơn vị hưởng séc. Sở dĩ phải ghi như vậy vì khi đi B (Bộ đội, cán bộ miền Bắc vào Nam chiến đấu, công tác…) không được phép đem theo chứng minh thư.

Giấy nhận nợ in đơn giản nhưng có mật mã riêng đề phòng việc làm giả mạo. Ở phần ghi chú nhỏ ở phía dưới cùng của giấy có ghi dòng chữ “giữ gìn cẩn thận” trong đó có một chữ “n” được in ngược thành chữ “u”. Dấu hiệu này rất quan trọng để phân biệt giấy thật, giấy giả mạo. Chỉ có vài người có trách nhiệm mới được phổ biến mật mã này.

Đường Hồ Chí Minh là huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.
 Đường Hồ Chí Minh là huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.

Giấy nhận nợ chỉ có giá trị sử dụng trong nội bộ Đoàn 559. Khi cấp giấy nhận nợ, Phòng Tài vụ Đoàn 559 ghi vào sổ lưu để đối chiếu trong khi thanh quyết toán và đề phòng trường hợp có cháy hoặc người sử dụng giấy hi sinh thì dựa trên địa chỉ đã đăng ký để sau này chuyển tiền trả về gia đình người đó.

Tương tự như Phiếu Bách hóa, cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong khi lui về hậu phương, mang Giấy nhận nợ đến Cự Nẫm hoặc T63 để đổi tiền Ngân hàng. Khác với Phiếu Bách hóa, Giấy nhận nợ khi thu hồi là cho kiểm kê và tiêu hủy ngay.

Mười năm sau khi quyết toán tài chính, đặc biệt là thời điểm sử dụng Phiếu Bách hóa, Giấy nhận nợ không phát hiện ra bất kỳ sự giả mạo nào, cũng không xảy ra việc trùng phát hay trùng lĩnh. Mọi cân đối tài chính đều rành mạch, thông suốt”.

Theo ông Hiểu: “Tiền Trường Sơn là một sáng tạo độc đáo, góp phần phản ánh thời kỳ gian khổ của bộ đội ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất nước nhà. Đồng thời đã góp phần nuôi dưỡng sức quân, tạo nên chiến thắng vang dội trên chiến trường và đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình vào ngày 30/4/1975 lịch sử.

Một điều đáng tiếc là sau chiến tranh không ai còn lưu giữ tờ Giấy nhận nợ (Séc không mệnh giá). Đồng tiền Trường Sơn (Phiếu Bách hóa) hiện nay được lưu giữ ở một số nơi như: Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, Bảo tàng TP HCM, Phòng truyền thống Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa và Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa…”.

Đeo khăn đỏ đi khám tuyển quân

Đường đến Trường Sơn của người phụ nữ mới đây trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam những tờ “tiền Trường Sơn”, “Phiếu bách hóa Trường Sơn”, nữ y tá Trường Sơn Lê Thị Vọng Hương, cũng là câu chuyện cảm động.

Theo bà Hương, ước mơ nhập ngũ đã nhen nhóm trong lòng cô bé 14 tuổi khi những lá thư từ những nơi các anh trai đóng quân gửi về, kể về sự khốc liệt của chiến trường, sự tàn ác của giặc Mỹ, những tấm gương dũng cảm hi sinh khi mở đường thông xe ở tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình… . 

Nữ y tá Vọng Hương tại chiến trường B năm 1971.
 Nữ y tá Vọng Hương tại chiến trường B năm 1971.

Cuối tháng 11/1966, đơn vị Cục kiến thiết Cơ bản có đợt tuyển quân ưu tiên lấy toàn con em của cán bộ chiến sĩ trong Cục để đi học nghề. Được người anh họ báo tin, thiếu nữ khấp khởi mừng thầm và về năn nỉ xin mẹ cho đi.

“Đến ngày khám sức khỏe, tôi được anh họ đến trường đón đưa về nơi tuyển quân nên trên cổ vẫn đeo nguyên khăn quàng đỏ. Mọi người ở nơi tuyển quân nghĩ tôi đến tìm người nhà nên hỏi tìm ai. Khi thấy tôi trả lời “đi khám bộ đội”, tất cả ồ lên cười, một chú bộ đội khuyên: “Thôi cháu về đi học tiếp đi, đừng đi chơi lâu mà mẹ mong””.  

“Đến chiều, khi mọi người đến khám đã vãn, tôi liền hỏi xem tại sao mình mãi không thấy gọi tên thì các chú nói là không đủ tuổi và còn nhỏ nên không tuyển. Nếu vẫn tha thiết đi thì hôm sau đến và phải có người nhà đăng ký bảo lãnh.

Hôm sau tôi nhờ anh tôi cùng đi đến nơi khám tuyển, được yêu cầu phải viết đơn tình nguyện xin đi. Rồi tôi đã có giấy báo một tuần sau nhập ngũ”, bà Hương nhớ lại. Cô bé đeo khăn quảng đỏ trở thành nữ y tá sau thời gian học tập tại một đơn vị thuộc Viện Quân y 103.

Đọc thêm