“Buộc đối phương đánh theo cách chúng ta muốn”
Đường mòn Hồ Chí Minh là một mạng lưới đường sá, điện thoại và ống dẫn dầu dài hàng ngàn cây số, xuyên qua rừng núi, nhiều khi vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, sang Lào và Campuchia trước khi trở lại Việt Nam; thông qua tuyến đường này, Hà Nội đã lưu chuyển người, trang thiết bị chi viện cho chiến trường miền Nam.
Giai đoạn đầu cuộc xung đột, trước khi người Mỹ tham chiến, sự tồn tại của Đường mòn được giữ bí mật rất tốt.
Nhưng sau một thời gian, khi người và hàng hóa tiếp tục chảy vào miền Nam – mà không được vận chuyển bằng con đường Bắc – Nam dọc bờ biển rất dễ đi – chính quyền Sài Gòn bắt đầu nhận ra rằng Hà Nội rõ ràng đang sử dụng một lộ trình khác. Nhận biết lộ trình chính xác của Đường mòn là một trò chơi “trốn tìm” rất khó, không chỉ đối với quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) mà cả với người Mỹ. Hà Nội đã thành công lớn trong công tác giữ bí mật con đường này suốt thời chiến tranh.
Sau khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4/1975, thành tựu của Hà Nội trong việc bảo vệ bí mật về Đường mòn đã được biết đến rộng rãi. Vị tư lệnh Đường mòn, tướng Đồng Sĩ Nguyên, khi trông thấy một bản đồ về hệ thống đường này tại tổng hành dinh quân đội Sài Gòn đã cười một cách hài lòng. Dù chính phủ Mỹ và VNCH đã biết đến sự tồn tại của Đường mòn hơn một thập niên trước ngày Sài Gòn sụp đổ, tấm bản đồ trên cho tướng Nguyên thấy rằng đối thủ không hề biết tới bộ phận lớn mạng lưới đường bộ này.
Khi phát hiện ra một số phần của Đường mòn Hồ Chí Minh, người Mỹ chợt nhận thấy họ đang bị kéo vào một cuộc đua ý chí với Hà Nội. Đây là cuộc đọ sức giữa một bên là quyết tâm của Hà Nội trong việc duy trì Đường mòn với bên kia là nỗ lực của Washington về phá hủy hoặc giảm lượng lưu thông trên hệ thống đường này.
Đường Trường Sơn giai đoạn ban đầu |
Để đạt được mục đích, Mỹ đã quyết định triển khai chiến dịch ném bom lớn nhất trong lịch sử - một chiến dịch được thiết kế để phá hủy Đường mòn, để ngăn chặn lưu thông và đánh tan nhuệ khí đối phương. Tuy nhiên, dù không biết bao nhiêu bom đạn đã được ném xuống đây thì rất nhiều phần của con đường vẫn không hề hấn gì – tương tự như ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng của Hà Nội.
Lập Đường mòn Hồ Chí Minh không phải là một ý tưởng mới. Gần hai thế kỷ trước, vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã hình dung về một con đường như thế trong cuộc chiến chống quân Thanh. Hệ thống đường này là một phương tiện hữu hiệu để đối phó với kẻ thù mạnh hơn vốn đang chiếm cứ các vùng đất dễ đi lại của Việt Nam, chẳng hạn miền duyên hải. Trước đó chừng bốn trăm năm, danh nhân Nguyễn Trãi đã đúc kết: “Để có thể lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, phải buộc đối phương đánh theo cách mà chúng ta muốn”.
Đoàn tiền trạm
Để xây dựng lộ trình ban đầu cho tuyến đường, một quân nhân xuất sắc trong chiến tranh chống Pháp đã được chọn, Đại tá Võ Bẩm. Ông Bẩm được chọn vì quá thông thuộc khu vực này, từng không biết bao nhiêu lần đi lại ở đây khi tham gia chiến đấu.
Đại tá Bẩm chỉ huy Đoàn 559 – đơn vị lấy tên theo tháng và năm thành lập: tháng 5/1959. Đoàn 559 trở thành đội quân tiên phong mở Đường mòn, được giao nhiệm vụ lên kế hoạch, xây dựng và tổ chức vận hành tuyến đường này.
Đoàn 559 ban đầu chỉ có một tiểu đoàn. Đơn vị này được thành lập từ khoảng 500 người tình nguyện. Họ là những người không chỉ thông thuộc khu vực Đường mòn sẽ đi qua mà còn quen biết dân làng và các cơ sở kháng chiến trong vùng. Trước khi cuộc chiến chống Mỹ kết thúc, quân số của Đoàn 559 có lúc lên tới hơn 100.000 người.
Một xe đạp thồ có thể chở tới 420kg hàng hóa |
Bước đầu tiên của ông Bẩm trong việc thiết lập Đường mòn là kết nối một loạt lối đi và đường nhỏ được hình thành theo bước chân của thú rừng, dân địa phương, người đi buôn. Trên thực tế, những đường mòn này chỉ là một số “điểm và vạch” trên bản đồ mà ông Bẩm kết nối lại với nhau. Ông muốn tận dụng địa hình đặc thù xung quanh để bảo mật tuyến đường đồng thời giảm thời gian di chuyển. Nếu không thể đạt được cả hai yêu cầu trên, ông sẽ chọn ưu tiên cái trước.
Mùa xuân năm 1959, một nhóm khảo sát khởi hành tại rừng Khe Hó dưới chân dãy Trường Sơn, ngay phía Bắc vĩ tuyến 17. Dẫn đường cho họ là một thanh niên Vân Kiều mang theo rựa và nỏ tre có tên tẩm thuốc độc.
Sáu người chia thành hai nhóm nhỏ, băng rừng hướng về phía Nam. Vào chập tối, họ dừng chân bên một nương ngô. Một cụ già Vân Kiều xuất hiện giữa nương ngô, dẫn họ đi về căn chòi nhỏ của mình.
Sáng sớm hôm sau, người dẫn đường ở bờ Bắc sông Bến Hải (con sông ngăn chia miền Bắc và miền Nam ở vĩ tuyến 17) trở về, còn cụ già mới gặp hôm trước dẫn mọi người tiến về phía Nam.
Ngày này qua ngày khác, đoàn người tiếp tục cuộc hành trình với sự dẫn đường của những người Vân Kiều, có khi là một người đàn ông trung niên lầm lì, có khi là một chàng trai hoạt bát khoác áo vải thô, lúc khác lại là một cụ già phì phèo tẩu thuốc lá với chiếc nỏ trên vai và bó tên sau lưng. Đôi khi người dẫn đường là một cô gái quần áo rực rỡ…
Những người Vân Kiều ấy – đã sống từ ngàn xưa trên rừng Trường Sơn; họ luôn biết cách liên lạc với nhau ở cả hai bờ sông Bến Hải bất chấp gần đây chính quyền Sài Gòn đã tăng cường hoạt động chia cắt. Từ năm 1954 đến 1958, họ làm giao liên chuyển tin tức về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam ra miền Bắc và chuyển những lời cổ vũ động viên của đồng bào miền Bắc vào Nam.
Chuyến hàng đầu tiên
Đoàn tiền trạm lập một cơ sở bí mật ở miền Tây Thừa Thiên. Sau khi nghỉ một đêm, họ hối hả quay trở lại, lần này không có người dẫn đường nên họ sử dụng bản đồ, đuốc và trí nhớ để tự tìm đường đi.
Khi họ về đến Khe Hó, một đoàn người thồ gánh đã tập trung ở đấy, sẵn sàng lên đường.
Xe tải QGP vượt một trọng điểm bị đánh phá |
Đội thồ hàng xuất phát vào một buổi sáng tháng 5/1959.
Đoàn người cẩn trọng đi xuyên qua vùng rừng ở sườn Đông dãy Trường Sơn, tiến xa về phương Nam. Sau mỗi đoạn đường, người ta thường tách một nhóm nhỏ ra để lập chốt. Phương pháp này là để tạo ra những kíp người chịu trách nhiệm một khu vực nhất định. Các chốt tiếp vận nằm dưới tán cây rừng, thường bao gồm không quá ba chòi nhỏ, tương tự loại chòi mà bà con dựng lên để canh nương rẫy. Ban đêm, trong mỗi căn chòi, một số người ngủ trên sàn, một số người khác ngủ trên võng, số còn lại nằm dưới đất.
Ngày này qua ngày khác, trên các tuyến đường, những đoàn người miệt mài đi, mang theo trên lưng đạn dược, súng ống và hàng hóa được gói trong những tấm vải không thấm nước… Thông thường, mỗi người cõng chừng 50 cân. Có người cõng tới 80 cân trèo đèo vượt suối trên một chặng đường dài.
Để đảm bảo bí mật, họ phải thường xuyên thực hiện các biện pháp cảnh giác, không lưu lại bất cứ dấu vết nào… Mỗi khi thoáng thấy người đốn củi, họ sẽ đi đường vòng để tránh chạm mặt.
Con đường này có một điểm về sau được gọi là “nơi thử thách thần kinh”. Đó là điểm giao với phòng tuyến Đường 9 chạy từ Khe Sanh xuống Hạ Lào. Con đường chiến lược này len lỏi qua các căn cứ địch và thường xuyên được bảo vệ nghiêm ngặt. Các đoàn xe tải thường băng qua Đường 9 vào lúc chạng vạng hoặc sau nửa đêm đến trước khi trời sáng.
Dẫn đường cho xe là những giao liên thông thuộc địa hình với sự hỗ trợ của đường dây điện thoại bí mật. Điểm giao nhau này nằm giữa hai căn cứ địch, gần đến mức có thể nghe được tiếng nói cười của binh lính ở đấy.
Nhằm tránh để lại dấu vết trên đường nhựa, tài xế xe tải sử dụng một suối nước rộng nằm bên xa lộ, xuất phát từ đầu nguồn sông Thạch Hãn. Thuyền tam bản nấp sẵn dưới suối sẽ chở hàng sang bờ Nam để trạm tiếp vận gần đấy tiếp sức đưa hàng ra mặt trận.
Tháng 8/1959, trong một cánh rừng già ở dãy Trường Sơn nằm phía Tây Thừa Thiên, đại diện Mặt trận Cách mạng miền Nam đã nhận lô vũ khí đầu tiên từ miền Bắc chuyển vào. Khối lượng không lớn, chỉ 280 kg, nhưng các chiến sĩ miền Nam vô cùng xúc động khi cầm trên tay những vũ khí đã được vận chuyển trong điều kiện hết sức gian khó và nguy hiểm”.
Trong giai đoạn đầu tiên, người ta đã hoàn tất việc nối các tuyến ở miền Bắc Việt Nam với tỉnh Quảng Ngãi ở phía Nam – quê hương Đại tá Bẩm. Sau đó, đoàn 559 xẻ một con đường xuyên qua Quảng Ngãi, đồng thời thiết lập thêm nhiều chốt công tác dọc đường, biến lối đi bộ ban đầu thành đường có thể cho xe chạy. Khi hoàn tất vào năm 1964, với những chuyến xe đầu tiên, con đường này giúp tăng đáng kể lượng tiếp vận cho miền Nam.
Một bức không ảnh máy bay Mỹ chụp các phương tiện QGP di chuyển |
Chỉ trong ba tháng cuối năm 1959, đoàn 559 đã chứng minh được giá trị chiến lược của Đường mòn với việc vận chuyển hơn 21.000 vũ khí loại nhỏ từ Hà Nội vào Quảng Ngãi.
Bí mật bị khám phá
Hàng chục ngàn người đã lưu thông qua Đường mòn Hồ Chí Minh ở giai đoạn đầu nhưng sự tồn tại của con đường này vẫn nằm trong vòng bí mật. Chính quyền VNCH nghi ngờ có một con đường bí mật nào đó bởi có hai hiện tượng rõ ràng: du kích miền Nam được trang bị súng ống và đồ quân dụng rất tốt; những loại vũ khí và đồ quân dụng này không được chuyển theo tuyến đường Nam – Bắc dọc bờ biển. Quân Mỹ và VNCH tăng cường chiến dịch truy tìm Đường mòn trong các vùng rừng rậm và núi cao.
Ngay cả khi quân Mỹ và VNCH biết đến sự tồn tại của Đường mòn, phần lớn hoạt động tại đây vẫn nằm trong bí ẩn. Tuyến đường được tổ chức như thế nào? Hoạt động vận tải được thực hiện ra làm sao? Các đoàn xe nhập vào và rời khỏi Đường mòn tại đâu? Lượng lưu thông cho phép của con đường là bao nhiêu… Ngay cả các thiết bị chụp không ảnh tinh vi của Mỹ cũng không tìm thấy câu trả lời.
Tới năm 1965, Mỹ đã biết được sự tồn tại của Đường mòn và đưa máy bay gia tăng ném bom ở một vài tuyến. Nhưng bom đạn Mỹ không giết được quyết tâm của Quân Giải phóng. Đường mòn vẫn tiếp tục vươn xa – nếu một phần bị bom phá hủy thì người ta sẽ làm một con đường khác thay thế ngay trong đêm.
Người ta thể hình dung rằng sự phát triển của con đường này không khác gì dòng nước chảy từ trên đồi cao xuống: nếu gặp vật cản trước mặt, dòng nước sẽ bị gián đoạn trong chốc lát – nhưng không bao giờ ngừng chảy – rồi tiếp tục vượt qua chướng ngại vật để chảy xuống.
Năm 1964, thông thường mỗi người lính đã mất năm tháng để đi bộ hết Đường mòn trong một chuyến công tác. Bên cạnh thách thức về thể chất là những vấn đề về tinh thần. Máy bay ném bom thường xuyên là một thử thách lớn cho thần kinh con người. Một thách thức khác là khi đi dọc Đường mòn, binh sĩ phải tự mang theo thức ăn vì thực phẩm luôn khan hiếm.
Tất cả vì tiền tuyến |
Các binh trạm không thường xuyên có thực phẩm để cung cấp nên phần lớn người đi dọc Đường mòn phải tự dự trữ thức ăn cho mình. Mỗi người lính được khuyên phải mang theo ít nhất mười cân gạo. Khi đến binh trạm, người nào không còn đủ mười cân gạo sẽ được nhận thêm – nhưng chỉ trong trường hợp ở đấy có gạo để bổ sung. Thường thì mọi người phải chuẩn bị tâm lý không được tiếp tế trong một thời gian dài.
Trong những ngày đầu của cuộc chiến, bộ đội thường di chuyển theo từng đoàn lớn. Năm 1964, một đội hành quân có thể có tới ba trăm người. Đoàn được tách ra thành ba nhóm nhỏ, mỗi nhóm một trăm người. Các nhóm đi cách nhau vài cây số.
Khi máy bay gia tăng ném bom dọc Đường mòn, gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng, các nhóm hành quân thường được chia nhỏ hơn nữa – có khi chỉ gồm ba người. Khái niệm “càng đông càng an toàn” không tồn tại dọc Đường mòn – bởi vì đông người có thể khiến máy bay dễ phát hiện – tức là dễ dẫn tới chết chóc.
Người lập kỷ lục cõng 55 tấn hàng đi 41 ngàn km
Trong suốt những năm đầu của cuộc chiến chống Mỹ, ngay cả sau khi Đường mòn được mở rộng để xe chạy được thì bộ đội vẫn ít khi được đi bằng xe tải. Số lượng xe tải hạn chế được ưu tiên vào việc chuyển các mặt hàng và phương tiện tối cần cho chiến trường ở phía Nam. Vì thế bộ đội phải đi bộ. Xe tải là phương tiện vô giá để duy trì nguồn tiếp tế dồi dào cho chiến trường; trong khi binh sĩ, cũng là một nhân tố cực kỳ quan trọng cho cuộc chiến, được ưu tiên thứ nhì.
Người ta đã sử dụng nhiều phương tiện vận chuyển khá độc đáo trong suốt lịch sử mười sáu năm của Đường mòn: Từ sức người trong giai đoạn đầu, tới voi, rồi tới xe đạp được biến cải để có thể chở hàng trăm kí lô, rồi xe tải lớn của Trung Quốc và Liên Xô.
Ban đầu, xe Liên Xô là những chiếc GAZ được sử dụng từ thời chiến dịch Điện Biên Phủ; nhưng sau đó số xe này được thay thế bằng các loại xe hiện đại hơn – phần lớn là loại Zil có trọng tải năm tới sáu tấn, giúp vận chuyển nhiều hàng hóa hơn trong hành trình xuyên đất nước. Hệ thống vận tải dọc Đường mòn thực sự là một tiến trình cách mạng – bởi vì mỗi lần vận chuyển, người ta phải tìm kiếm phương cách mới để nhiều hàng hóa được chuyển đi một cách nhanh chóng hơn.
Trước khi xe cơ giới có thể lưu thông trên Đường mòn, gùi hàng là cách thức vận tải chính yếu. Những binh sĩ vận chuyển nhiều hành nhất được tuyên dương. Ông Nguyễn Viết Sinh – có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45 – 50 kí lô. Trong vòng bốn năm với 1.089 ngày làm việc, ông đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng đi qua chặng đường có tổng chiều dài 41.025 cây số. – tương đương với đi một vòng quanh trái đất theo đường xích đạo và mang theo một lượng hàng bằng trọng lượng cơ thể. Với thành tích ấy, ông Sinh được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Dù có những nỗ lực vượt bậc như trường hợp ông Sinh thì người ta vẫn nhận thấy rằng cần phải tăng cường vận chuyển hơn nữa. Và voi đã được sử dụng; có điều cách thức này dù tăng lượng hàng hóa nhưng tốc độ vẫn rất chậm. Vì thế, người ta dùng xe đạp, đặc biệt là loại xe được thiết kế riêng cho vận tải trên Đường mòn.
Người tải hàng bằng xe đạp, tương tự như những người cõng hàng trước đây, luôn thi đua để phá các kỷ lục. Một trong số họ, ông Nguyễn Điều, đã thồ hàng trung bình mỗi chuyến từ 100 đến 150 cân, và lập kỷ lục 420 cân vào năm 1964. Một nhật ký lịch sử đã viết: “Dưới đôi bàn tay của chiến sĩ vận tải, những chiếc xe đạp đã làm nên điều kỳ diệu”.
Loại xe này được thiết kế để có thể tận dụng mọi không gian vào việc thồ hàng. Hàng được chất trên tay lái, trên khung và yên. Việc điều khiển được thực hiện thông qua hai thanh gỗ được khéo léo lắp vào xe. Một thanh làm phần nối dài của tay lái, do tay lái của xe đã bị hàng che khuất; thanh này nằm cùng phía với người điều khiển. Cách thức ấy cho phép người ta điều khiển xe khá dễ. Thanh thứ hai được lắp cùng phía với thanh thứ nhất nhưng lại nằm phía đuôi xe, ngay sau yên. Cách bố trí này giúp người ta có thể điều chỉnh lô hàng và có thể kéo xe dễ dàng.
Rất dễ thấy là săm lốp xe trong điều kiện như thế sẽ chẳng chịu đựng được lâu. Khi săm bị hư, người ta lấy giẻ rách buộc vào xung quanh vành xe.
(Còn tiếp)
Những “kẻ thù” khác trong rừng rậm
Quân Mỹ và VNCH không phải là mối nguy hiểm và khó chịu duy nhất. Những người chiến đấu trên Đường mòn còn đối mặt với “tất cả các sinh vật lớn nhỏ” – kiến, đỉa, rắn độc, thú hoang... Tất cả đều phải luôn cảnh giác, không bao giờ đặt chân tới những nơi không nên tới. Hầu hết những người hành quân chỉ mang dép nên chẳng thể bảo vệ bàn chân trước các mối nguy hiểm này.
Trong lúc hành quân, người ta chỉ tập trung vào việc hoàn tất hành trình mỗi ngày nên đôi khi chẳng quan tâm tới các cơn đau hoặc điều bực mình. Có người kể chuyện lúc đang nghỉ ngơi sau một ngày đi bộ vất vả, lấy khăn tay xịt mũi thì phát hiện máu phun ra. Sau một hồi kiểm tra, ông thấy có cái gì đó nằm trong mũi. Thì ra là một con bét đã chui vào hốc mũi và bám riết trong đó. Khi ông xịt mũi, áp lực lớn đã khiến cơ thể con bét bay ra nhưng đầu của nó vẫn cắm vào trong thành mũi. Phải mất nhiều ngày ông mới lấy được đầu của nó ra. Kể từ đó, ông luôn kiểm tra cơ thể cẩn thận để tìm xem có “kẻ quá giang” ngoài ý muốn nào không.
Nhiều đoạn của Đường mòn tưởng chừng như không thể vượt qua được. Bệnh tật đã lấy đi tính mạng một số người đi bộ dọc Đường mòn, những người đã cõng hàng tấn vũ khí, đạn dược và hàng hóa vào Nam. Nhiều người quyết tâm hoàn tất hành trình nhanh chóng đã mải miết đi cho tới khi gục xuống vì đuối sức. Về sau, các chiến sĩ đã biết cách phân phối sức lực cho chặng đường dài.