Khi “Fan cuồng” không thể cuồng phòng vé
Trước khi ra rạp, “Fan cuồng” - bộ phim mới của đạo diễn “doanh thu triệu đô” Charlie Nguyễn với sự thủ vai chính của Thái Hòa - “ông hoàng phòng vé” được kì vọng sẽ là một phim “bom tấn” của Việt Nam. Theo thông tin từ trước khi phim ra mắt, “Fan cuồng” đã được đặt kín vé cho những ngày đầu công chiếu, đồng thời có khả năng sẽ soán ngôi “Em là bà nội của anh”, thống lĩnh doanh thu phòng vé. Tuy nhiên, chỉ sau 4 ngày công chiếu, tình thế đã hoàn toàn ngược lại. Ngay cả sự hấp dẫn của thể loại xuyên không (du hành thời gian), tái hiện một Sài Gòn xưa, chủ đề về nhạc rock và cả trọng tâm là diễn viên Thái Hòa, chưa từng thất bại về doanh thu trong 5 phim liền trước đó cũng không cứu vãn nổi bộ phim.
Sau ba ngày công chiếu, doanh thu của bộ phim được tiết lộ chỉ có 9 triệu đồng, nếu tính tỉ lệ so với mức đầu tư trước đó của “Để Mai tính 1, 2”; “Long Ruồi”, “Tèo Em”… và doanh thu 3 ngày đầu, có thể thấy rõ ràng mối lo lỗ vốn của ê kíp sản xuất là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Để cứu vãn tình thế, Thái Hòa đã thực hiện một clip xin lỗi fan, trong đó anh vạch rõ những lý do khiến “Fan cuồng”… mất fan, trong đó chủ yếu là khán giả kì vọng đến rạp để xem Thái Hòa tiếp tục tung hứng, gây cười nghiêng ngả như những phim trước, thì lại gặp một Thái Hòa tiết chế hơn, lãng mạn và ít tiếng cười hơn. Anh cũng thể hiện nỗi lo lắng phim khó thu hồi vốn, đồng thời chia sẻ, số tiền bán vé của bộ phim này sẽ được sử dụng cho những dự án phim tiếp theo, hay ho và tử tế.
Hành động này của Thái Hòa được coi là một động thái hợp lòng fan, có chút ít tác dụng thúc đẩy doanh thu của bộ phim, nhưng ở khía cạnh khác, lại bị nhiều khán giả và giới chuyên môn đánh giá “thiếu sòng phẳng”. Khi một bộ phim không được khán giả đón nhận là do bộ phim không thuyết phục được người xem và việc năn nỉ, hứa hẹn khán giả coi phim vì điều này, điều khác là một việc làm không được “fair play” trong điện ảnh.
Một số ý kiến cho rằng, đáng tiếc cho “Fan cuồng” bởi đây là bộ phim đầu tiên Thái Hòa chuyển hướng từ hài nhảm sang hài nhẹ nhàng, hướng đến chiều sâu, và phim được làm khá tử tế nhưng kết quả không như ý, đây sẽ là cú “ngã ngựa” với những người muốn định hướng lại dòng phim hài nhảm.
Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, lý do chính khiến “Fan cuồng” không thành công, đó là sự lập lờ, chưa tới nơi. Khán giả thích tiếng cười đến rạp không nhận được tiếng cười như ý, còn nói về chiều sâu thì phim cũng chưa đạt đến chiều sâu rung động lòng người. Phim nói về rock, nhưng fan của rock sẽ không hài lòng, vì chưa toát lên tinh thần rock thật sự, còn người không quan tâm đến rock thì lại ít có lý do để mua vé xem phim…
Tóm lại, “Fan cuồng” rơi vào khuyết điểm thường thấy của phim Việt, đó là kịch bản còn vụng, thiếu thuyết phục, chưa tới. Và sự thất bại của bộ phim cũng là một nốt nhạc trầm cho bản nhạc phim Việt nửa đầu năm 2016. Kì vọng có một bộ phim vực dậy sự ảm đạm của các phòng vé gần như đã tiêu tan.
Sự cẩu thả làm nên thất bại?
Cùng một số phận “lỗi” như “Fan cuồng”, đó là “Bao giờ có yêu nhau” của Dustin Nguyễn. Từ lúc tung trailer đến và ngày đầu ra mắt, phim nóng hổi bởi lối xây dựng khá lạ từ nội dung đến cách thức thể hiện, ê kíp làm phim từ Holywood... phim đã lấy được cảm tình của khán giả với không ít lời khen. Tuy nhiên, sau thời gian “choáng ngợp” lúc đầu, bộ phim nhanh chóng mất đi sự thu hút bởi khán giả nhìn nhận sự rời rạc của kịch bản, sự thiếu chiều sâu trong xây dựng nhân vật cũng như yếu tố kĩ xảo quá đà, lấn lướt diễn xuất… Phim rơi vào quên lãng và không đạt doanh thu như mong muốn.
Nếu “Fan cuồng” không đạt doanh thu mơ ước vì lỗi kịch bản và sự chuyển hướng quả đột ngột nhưng không tới nơi tới chốn của Thái Hòa thì trước đó hàng loạt phim Việt khác thất bại liên tục vì cẩu thả, mặc dù trước khi ra mắt được PR mạnh, hy vọng tràn trề. Đó là “Truy sát” do Trương Ngọc Ánh thủ vai chính, ăn theo thành công của “Hương Ga”, nhưng rốt cục chỉ đọng lại trong lòng khán giả những màn đánh đấm bạo lực; phim “Gái già lắm chiêu”, “Yêu là phải xài chiêu” nhạt nhẽo, không thuyết phục; phim “Nữ đại gia” chỉ gây ấn tượng bởi suýt bị ngưng công chiếu vì cảnh nóng; “Vòng eo 56” không có lý do nào kéo khán giả đến rạp ngoài… ngắm Ngọc Trinh. Đó là còn chưa kể đến một loạt phim Tết và sau Tết đi theo phong cách hài nhảm và… rất nhảm như “Phát lộc”, “Tía tui là cao thủ”…
Cẩu thả, chưa chạm đến trái tim người xem, thiếu đầu tư chiều sâu… đó là một trong rất nhiều lý do đã khiến phim Việt nửa đầu năm thất bát nặng nề, mặc dù đầu tư cho mỗi phim là không ít, quảng bá rầm rộ. Không phim nào chạm đến tầm và doanh thu như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”… Điều này đã tạo nên nỗi thất vọng cho giới làm phim và khán giả Việt.
Nửa sau của năm 2016 vẫn còn một số dự án phim đáng chú ý, mà gần nhất phải kế đến “Tik Tak anh yêu em”, “Tấm Cám”, “Găng tay đỏ”… Hy vọng rằng, các dự án mới sẽ hạn chế các khuyết điểm lớn của những phim đã ra mắt, chinh phục khán giả bằng cách làm phim nghiêm túc, đem lại chút thành tựu, khiến bức tranh điện ảnh Việt 2016 có đôi chút sáng sủa hơn.