Những con số biết nói
Trên thế giới, Nhật Bản trước đây vốn nổi tiếng là thị trường gửi khách mà ít chú trọng tới việc thu hút khách du lịch quốc tế đến do những nguyên nhân như: sự ưu tiên của Chính phủ cho phát triển các ngành công nghiệp - điện tử, giá cả các sản phẩm dịch vụ du lịch rất cao làm hạn chế lượng khách quốc tế đến Nhật Bản…
Hiện nay, Nhật Bản chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng khách đi du lịch nước ngoài ở châu Á. Qua số liệu thống kê của ngành du lịch Nhật Bản từ năm 2000 trở lại đây, số lượng khách Nhật Bản đi du lịch nước ngoài thường dao động ở con số 14 triệu đến hơn 18 triệu khách/năm.
|
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhật Bản nổi lên là thị trường đón khách quốc tế có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc vì trước đó, Nhật Bản chưa bao giờ được xếp là cường quốc du lịch ở châu Á và thế giới xét ở góc độ đón khách quốc tế. Nhưng giờ đây, cả châu Á và thế giới sẽ phải có cách nhìn nhận khác về du lịch Nhật Bản.
Số lượng khách quốc tế đến Nhật Bản luôn tăng mạnh qua các năm gần đây. Năm 2011, khi thảm họa xảy ra, số lượng khách quốc tế tới Nhật Bản chỉ khoảng 6,21 triệu khách; nhưng đến năm 2015 đã đạt ngưỡng 19,73 triệu khách, và tăng gần bốn lần so với 5,21 triệu khách đã đến thăm Nhật Bản vào năm 2003 khi Nhật Bản phát động chiến dịch “Visit Japan” (Đến thăm Nhật Bản).
Chi tiêu của du khách nước ngoài cũng đạt con số kỷ lục là 3,48 nghìn tỷ yên, tăng 71,5% so với năm 2014. Điều này cũng có nghĩa riêng ngành du lịch đón khách quốc tế của Nhật Bản hiện nay đã tương đương với công nghiệp xuất khẩu ô tô của nước này. Năm 2015, cũng là năm đầu tiên trong vòng 45 năm trở lại đây, số lượng khách quốc tế đến Nhật Bản vượt qua con số khách Nhật Bản đi du lịch nước ngoài.
Nếu xét mốc thời gian 5 năm, từ năm 2011 đến năm 2015 thì số khách tới Nhật Bản tăng hơn 300%, một con số thể hiện tốc độ tăng trưởng thần kỳ trong việc đón khách quốc tế đến của ngành Du lịch Nhật Bản. Vậy nguyên nhân nào cho sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản?
|
Nguyên nhân của sự tăng trưởng
Khi lý giải về nguyên nhân của sự tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản, các chuyên gia du lịch và kinh tế nhìn chung đều có chung nhận định, Nhật Bản luôn là một trong những điểm đến lý tưởng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, trước thảm họa tháng 3/2011, du lịch chưa bao giờ được đánh giá đầy đủ là một ngành kinh tế tiềm năng, có ảnh hưởng lớn tới cán cân thương mại và kinh tế của Nhật Bản. Chỉ sau khi thảm họa xảy ra, Nhật Bản muốn xây dựng lại hình ảnh đất nước mình trong mắt bạn bè và du khách quốc tế, khi đó Chính phủ và chính quyền các địa phương (đặc biệt là ở các khu vực bị thảm họa) cũng như các doanh nghiệp du lịch của Nhật Bản mới xúc tiến và đẩy mạnh hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản thông qua các chương trình du lịch trọn gói, giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt.
Ngay sau khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản (lần thứ hai) vào cuối năm 2012, ông Abe đã áp dụng một loạt các chiến lược tăng trưởng kinh tế (mà sau này được gọi là chính sách “Abenomics” - chính sách kinh tế của Abe) nhằm giúp vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau thảm họa tháng 3/2011, với việc làm cho các thủ tục tài chính được dễ dàng, thuận lợi, cũng như làm suy yếu đồng yên Nhật để thuận lợi cho hoạt động giao thương - xuất khẩu hàng hóa Nhật Bản ra nước ngoài.
Chính sách này ngay lập tức đã giúp cho giá cả hàng hóa và dịch vụ du lịch ở Nhật Bản rẻ hơn, qua đó thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế tới thăm Nhật Bản, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Đông Nam Á.
|
Đi kèm với chính sách giảm giá đồng yên giúp cho hàng hóa dịch vụ du lịch rẻ hơn thì chính quyền của Abe thực hiện một loạt các chính sách phụ trợ nhằm tăng lượng khách quốc tế đến và tăng sự tiêu dùng của du khách như: cho thiết lập mạng lưới rộng lớn các của hàng miễn thuế (chỉ riêng năm 2015, số lượng cửa hàng miễn thuế tăng lên 3 lần, đạt con số 29.047 cửa hàng), hay như chính sách mở rộng và đa dạng các tuyến đường bay (chỉ tính riêng với thị trường Việt Nam, trước đây các chuyến bay nối Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với Tokyo chỉ có thể thông qua sân bay Narita nằm ở ngoại vi Tokyo thì hiện nay ngoài sân bay Narita, du khách Việt Nam tới Tokyo còn có thể đến trực tiếp sân bay Haneda ở trong nội đô Tokyo…), thêm vào đó là chính sách giảm giá vé máy bay.
Khi du lịch được nhìn nhận là một trong những lĩnh vực có thể giúp cho Nhật Bản phục hồi lại hình ảnh đất nước thì Chính phủ Nhật Bản cũng ngay lập tức nới lỏng chính sách nhập cảnh. Trong năm 2013, Nhật Bản đã thực hiện việc miễn thị thực 15 ngày cho các quốc gia ở Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia (trước đó thì công dân Indonesia, Brunei, Singapore đã được miễn thị thực nhập cảnh Nhật Bản).
Cho đến tháng 12/2014, Nhật Bản miễn thị thực nhập cảnh cho 67 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp lượng khách quốc tế đến Nhật Bản tăng trưởng nhanh, đặc biệt từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Đài Loan và các nước ASEAN.
Hội đồng Bộ trưởng về Xúc tiến Nhật Bản như một Quốc gia Định hướng Phát triển Du lịch (Tourism - Oriented Country) được thành lập tháng 3/2013 để thống nhất các nỗ lực của Chính phủ thông qua một cách tiếp cận toàn Chính phủ về du lịch. Cơ quan Du lịch Nhật Bản đóng vai trò điều phối các vấn đề du lịch với các Bộ có liên quan.
Hội đồng Bộ trưởng được Chính phủ của thủ tướng Abe giao cho chuẩn bị một Chương trình Hành động hướng tới chấn hưng Nhật Bản như là một Quốc gia Định hướng Phát triển Du lịch vào năm 2015 với các chính sách du lịch có liên quan đến mục tiêu của Chính phủ là sẽ đón được 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020.
Chương trình Hành động năm 2015 nhằm mục đích để tăng sự chi tiêu của du lịch inbound lên con số 4 nghìn tỷ yên và tạo thêm 400.000 việc làm mới vào năm Nhật Bản đón được 20 triệu lượt khách quốc tế.
|
Chính phủ Nhật cũng dành một nguồn ngân sách lớn cho hoạt động du lịch. Ví dụ ngân sách của Cơ quan Du lịch Nhật Bản năm 2015 là 10,39 tỷ yên, chia ra như sau: 8,45 tỷ yên cho các chính sách để thúc đẩy du lịch inbound; 0,63 tỷ yên để hỗ trợ sự phát triển của ngành Du lịch ở các khu vực; 0,06 tỷ yên để hỗ trợ ngành công nghiệp du lịch; 0,46 tỷ yên để phát triển hệ thống thống kê du lịch; và 0,48 tỷ yên để giúp tái tạo khu vực bị động đất ở Tohoku.
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan của Nhật Bản thì cũng kể đến một số nguyên nhân khách quan như: Sau thảm họa tháng 3/2011, cả thế giới đã dành cho đất nước và con người Nhật Bản sự quan tâm, cảm thông và ngưỡng mộ vì ý chí và tinh thần vươn lên trong khó khăn.
Rất nhiều khách du lịch đến với Nhật Bản để tận mắt được nhìn thấy sự phục hồi của nước Nhật sau thảm họa. Nhân cơ hội này, Nhật Bản đã tích cực thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào đầu trao đổi sản phẩm du lịch.
Cùng với đó, phải kể đến sự tiếp cận của các hãng hàng không giá rẻ tới thị trường Nhật Bản như Jetstar, Air Asia. Trước đây chỉ có các hãng hàng không cung cấp các dịch vụ đầy đủ và trọn gói khai thác các tuyến bay tới Nhật Bản, các hãng hàng không giá rẻ gần như vắng bóng vì không được khai thác tuyến và sử dụng sân bay, dẫn đến giá vé máy bay tới Nhật Bản thường rất cao, gây khó khăn cho thị trường khách du lịch đại chúng.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trên cơ sở phân tích và nhận định về thành quả cũng như nguyên nhân của sự phát triển du lịch Nhật Bản cho thấy, để du lịch phát triển tốt và bền vững, Nhật Bản đã tập trung và hướng vào giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề.
Theo đó, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong những năm gần đây đã rất chú trọng đến phát triển du lịch, coi phát triển du lịch là định hướng chiến lược và là quốc sách hàng đầu để chấn hứng nền kinh tế quốc gia (đặc biệt từ sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011) nên đã dành sự ưu tiên cho phát triển du lịch cả về cơ chế, chính sách, ngân sách đầu tư phát triển du lịch và sự phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
|
Trên cơ sở coi du lịch là định hướng chiến lược, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan có sự liên thông và phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch để tổ chức và quản lý các hoạt động du lịch; tạo ra những chiến lược và sản phẩm du lịch tốt, có chất lượng cao; khai thác hiệu quả, đồng bộ tài nguyên du lịch, đem lại nguồn thu cho đất nước, tạo một vị thế nhất định với nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản chú trọng việc giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan tới nhập cảnh (giảm thiểu thời gian nhập cảnh, miễn thị thực) cho khách du lịch cũng như hỗ trợ và khai thác tối đa khả năng chi tiêu của du khách (bằng việc xây dựng và mở rộng danh mục hàng hóa miễn thuế, cửa hàng miễn thuế) và tăng cường chất lượng phục vụ du khách tại các sân bay (không chỉ sân bay quốc tế), bến tàu.
Ngành Du lịch Nhật Bản đã xây dựng được chiến lược phát triển sản phẩm du lịch và các chiến dịch phát triển du lịch đặc thù và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh nước mình, ví dụ như chương trình “Thăm Nhật Bản - Visit Japan”.
Cùng với đó, ngành Du lịch Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch phát triển ưu tiên cho phát triển du lịch có trọng điểm, với những mốc thời gian - giai đoạn cụ thể; đồng thời, rất coi trọng và đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, mạnh dạn đầu tư cho công tác phát triển thị trường của ngành Du lịch ra nước ngoài nói chung và ở một số thị trường trọng điểm…
Trên cơ sở các bài học kể trên, thiết nghĩ, Việt Nam cần coi trọng công tác thúc đẩy phát triển du lịch trên cơ sở các chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch đã có; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du khách quốc tế về mặt thủ tục, chất lượng dịch vụ du lịch, hàng rào thuế quan; tạo ra những sản phẩm độc đáo, đa dạng, hấp dẫn, riêng biệt để lôi cuốn sự chú ý của du khách; tăng cường tuyên truyền, quảng bá về du lịch; chú trọng xây dựng và chấn hưng hình ảnh đất nước thông qua du lịch, biến những bất lợi thành cơ hội để phát triển du lịch.