Đầu năm 1965, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, chiến lược “Chiến tranh Đặc biệt” phá sản, Hoa Kỳ liền đẩy mạnh các hoạt động không quân nhằm yểm trợ các cuộc hành quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa, bắn phá miền Bắc, đánh phá tuyến đường ở Lào để ngăn chặn sự tiếp viện từ miền Bắc vào miền Nam, với hy vọng cứu vãn tình thế. Đặc biệt, đầu tháng 2-1965, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson quyết định “hợp lực” với chính quyền Nam Việt Nam thực hiện một chương trình hoạt động không quân nhằm vào những mục tiêu quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía nam vĩ tuyến 19, gọi là “Chiến dịch Sấm Rền” (Rolling Thunder).
Nhân viên kỹ thuật Hoa Kỳ thi công đường băng Chu Lai tháng 5-1965. |
Do lấy không quân làm chỗ dựa để thực thi các chiến lược mới, nên mối quan tâm nhất của Hoa Kỳ là sự an toàn của các sân bay, đặc biệt là căn cứ không quân ở Đà Nẵng, vốn rất quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phá hoại miền Bắc và các hoạt động yểm trợ quân sự tại Vùng I chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa. Vì thế, ngày 9-2-1965, Chính phủ Hoa Kỳ không vận một tiểu đoàn tên lửa đất đối không tầm thấp (Homing All the Way Killer, viết tắt là HAWK) của Thủy quân lục chiến từ Okinawa (Nhật Bản) đến Đà Nẵng để tổ chức phòng thủ trên không cho sân bay; và đến ngày 8-3-1965, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn viễn chinh 9 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng cả bằng đường biển và đường hàng không để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh sân bay trên mặt đất (1).
Với cường độ máy bay hoạt động ngày càng gia tăng ở sân bay Đà Nẵng, để giảm tải và tránh việc tắc nghẽn đường hàng không, Hoa Kỳ triển khai củng cố sân bay Phú Bài ở Huế cho máy bay có thêm bãi đáp. Còn tại phía nam Đà Nẵng, do phải chịu áp lực thường xuyên bởi các cuộc tấn công của Quân giải phóng miền Nam ở Quân khu 5 và khu vực Tây Nguyên, nên Hoa Kỳ chủ trương xây dựng thêm một sân bay có đường bay ngắn để thực hiện chương trình “Hỗ trợ chiến thuật” (The Short Airfield for Tactical Support, viết tắt là SATS) cho quân đội Nam Việt Nam và Hoa Kỳ khi thực hiện các nhiệm vụ quân sự, bảo vệ tốt hơn cho sân bay Đà Nẵng. Ngày 25-4-1965, Tổng thống Johnson đã thông qua kế hoạch đổ bộ lực lượng Thủy quân lục chiến ở Chu Lai để xây dựng sân bay Hỗ trợ chiến thuật tại đó (2).
8 giờ sáng ngày 7-5-1965, tàu chiến của lực lượng đặc nhiệm đã đến khu vực Chu Lai tiến hành đổ bộ các đại đội của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn 4 Thủy quân lục chiến lên địa phận xã Kỳ Liên, sát cảng Kỳ Hà. Hai đại đội khác bay vào Chu Lai từ tàu sân bay USS Princeton. Đến trưa ngày 12-5-1965, các hoạt động đổ bộ chính thức chấm dứt. Trong ngày này, các đơn vị của Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn 3 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ từ Okinawa cũng đổ bộ đến. Hơn 10.925 tấn thiết bị, vật tư đã được dỡ xuống và di chuyển trên bãi biển đến vị trí tập kết.
Việc hoàn thành đổ bộ vào Chu Lai của các Lữ đoàn thuộc Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến được hỗ trợ bởi Lữ đoàn Pháo binh 12 Thủy quân lục chiến, đơn vị pháo binh của các bộ phận, và một phần lớn Lực lượng đổ bộ đường không số 1. Đến đây, Lữ đoàn viễn chinh 9 Thủy quân lục chiến ngừng hoạt động, và được thay thế bằng tổ chức mới là Lực lượng Thủy quân lục chiến số 3.
Để xây dựng sân bay, Lữ đoàn 4 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã cưỡng chế di dời nhà cửa của khoảng 400 thường dân Việt Nam sống trong khu vực thuộc hai xã Kỳ Liên và Kỳ Hà (nay là hai xã Tam Quang và Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành) đi tái định cư tại một nơi mới dưới sự kiểm soát của quân đội và chính quyền địa phương.
Theo kế hoạch ban đầu, sân bay Chu Lai sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động ngày 28-5-1965, tức ba tuần sau cuộc đổ bộ. Nền sân bay được lót đất đỏ và nhựa đường, trên trải thảm nhôm. Ngày 16-5-1965, các đoạn đầu tiên của thảm đường băng bắt đầu được đặt phía bắc sân bay.
Song, do trời nắng và nhiệt độ rất cao, cộng với xe cộ, máy móc thường xuyên hỏng hóc do bị cát bắn vào; nên dù đội xây dựng của lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ làm việc hai ca, mỗi ca 12 giờ, liên tục 24 giờ/ngày, sân bay vẫn không được hoàn thành đúng tiến độ. Đến 31-5-1965, các nhân viên kỹ thuật Hoa Kỳ mới hoàn thành công việc với gần 4.000 feet đường băng (1.219,2 mét) và khoảng 1.000 feet đường dẫn (304,8 mét), cho phép máy bay chiến thuật có thể hạ cánh (3). Kể từ đó, sân bay Chu Lai có tên trên bản đồ hàng không Việt Nam.
Ngày 1-6-1965, 4 máy bay cường kích ném bom A-4 Skyhawks đầu tiên từ tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ đáp xuống đường băng sân bay Chu Lai, đánh dấu một nỗ lực mới của Hoa Kỳ trong tham vọng mở rộng và nâng cấp cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
(1) Jack Shulimson and Major Charles M. Johnson, US Marines in Vietnam the landing and the buildup 1965, Washington D.C., Library of Congress Card No. 78-600120, 1978, p. 4, 11, 13.
(2) Jack Shulimson and Major Charles M. Johnson, op.cit, p. 30-31.
(3) Jack Shulimson and Major Charles M. Johnson, op.cit, p. 40-41.