Người bán là một phụ nữ Nga nghèo khó, nhập cư tới đất Israel; người mua là một doanh nhân Đức giàu có mắc bệnh thận. Sự xô đẩy của số phận đã khiến hai con người từ hai thế giới khác biệt đến với nhau, đồng thời cuộc đời của hai con người này đã hé lộ ánh sáng về một đường dây buôn bán tạng người bẩn thỉu "sống khỏe" trên sự tuyệt vọng của những người khác.
Trong thế giới “ngầm”, thận vẫn là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất |
Cuộc giao dịch nhơ nhớp
Đó là một ngày cuối năm 2008, khi doanh nhân 74 tuổi người bang North Rhine-Westphalia ở Tây Đức, quyết định phá bỏ các rào cản về luật pháp và đạo đức để tự cứu mạng sống bản thân. Walter đã bị chứng huyết áp cao từ khi 50 tuổi, đã phải uống thuốc liều lượng cao trong 20 năm qua để kiềm chế căn bệnh quái ác, nhưng hậu quả là những quả thận, vốn có nhiệm vụ lọc độc chất trong cơ thể, đã bị hỏng. Khi các bác sĩ trong bệnh viện lắc đầu nói rằng Walter chỉ còn sống được vài tháng nữa, ông biết rằng mình đã ở quá sâu trong danh sách chờ nhận thận hiến tặng. Sẽ phải mất vài năm trước khi tên ông lên đầu bảng. Gia đình Walter trở nên tuyệt vọng.
Dù cả nhà đã xem một đoạn phim tài liệu về vấn nạn buôn bán nội tạng bất hợp pháp, có nội dung chỉ trích gay gắt những kẻ buôn bán tạng người và các hoạt động mờ ám của chúng. Nhưng trong tình cảnh sức khỏe Walter đang suy giảm mỗi ngày, gia đình lại thấy những kẻ xấu trong phim như vị các cứu tinh duy nhất.
Sau khi bàn bạc, con trai cả của Walter đã gọi tới đài truyền hình để gặp người phóng viên và xin số điện thoại của tay buôn bán tạng trái phép đã được đề cập tới trong câu chuyện. Tháng 7/2008, Walter lên máy bay tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông gặp tay trung gian mà gia đình đã liên hệ nhờ số điện thoại phóng viên cung cấp. Từ đây, ông tiếp tục lên máy bay tới Kosovo.
Vera Shevdko, 50 tuổi, một người làm nghề phục vụ khách sạn tại Israel cũng có mặt trên cùng chuyến bay đó. Bà mới tới Tel Aviv trước đó vài tháng, để lại đứa con gái 10 tuổi cho chồng cũ nuôi. Shevdko đã hy vọng tìm kiếm cuộc sống mới ở Israel, nhưng giờ bà lâm vào cảnh nợ ngập đầu. Cuộc sống tại Tel Aviv vô cùng đắt đỏ. Ở quê nhà, đứa con gái nhỏ quay quắt nhớ mẹ và luôn khóc rất nhiều mỗi khi bà gọi điện về.
Là một người hầu, Shevdko không kiếm đủ tiền để đi lại bằng máy bay và hiển nhiên bà không thể đưa con tới Tel Aviv sống cùng mình. Mùa xuân năm đó, khi đứng đợi xe buýt ở Tel Aviv, bà đã thấy một đoạn quảng cáo tìm người hiến thận đăng trên một tờ báo miễn phí. Trong lúc tuyệt vọng nhất, bà bốc điện thoại gọi cho số máy đăng trên báo. Người đàn ông Israel nghe máy hứa trả cho bà 10 ngàn USD (khoảng 8,1 ngàn Euro). Shevdko nhắm mắt gật đầu đồng ý.
Vera Shevdko đã bán thận chỉ để lấy 8,1 ngàn Euro |
Mạng lưới ngầm đen tối
Câu chuyện của Walter và Shevdko đã cho thấy phần nào hoạt động của mạng lưới tội phạm quốc tế chuyên mua bán nội tạng con người. Thị trường bất hợp pháp này trị giá hàng tỉ đô la và nó vẫn sống dựa trên sự tuyệt vọng của hàng chục ngàn người ốm như Walter ở trên khắp thế giới.
Thế giới buôn bán nội tạng bất hợp pháp hoạt động xung quanh một hệ thống đơn giản, gồm các nước xuất khẩu và nhập khẩu nội tạng. Israel, Arab Saudi, Mỹ và Canada là các nước nhập khẩu tạng, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Ai Cập và Moldova là các nước xuất khẩu tạng. Có thể thấy, dòng chảy nội tạng trái phép đang từ nước nghèo đổ sang nước giàu.
Theo số liệu thống kê của LHQ, mỗi năm có khoảng 10 ngàn quả thận được cấy ghép trái phép, dù một số chuyên gia tin rằng con số này có thể cao gấp đôi. Với việc quy mô dân số liên tục mở rộng và già đi, nhu cầu nội tạng sẽ tiếp tục tăng lên.
Riêng tại châu Âu, 40 ngàn bệnh nhân ốm nặng hiện vẫn đang chờ ghép thận mới. Con số bao gồm 8 ngàn người ở Đức và trong số đó chỉ có chưa đầy 3 ngàn người được ghép thận thông qua kênh chính thức. Mỗi ngày có 3 người Đức nằm trong danh sách chờ nhận tạng qua đời, chủ yếu do biến chứng liên quan tới tim hoặc phổi.
Những tay mafia buôn tạng làm ăn tốt bởi các bệnh nhân lo ngại họ không còn nhiều thời gian. Khi đối mặt với cái chết, người ta sẽ bất chấp đạo đức hoặc luật pháp và dễ lạm dụng người khác để kéo dài cuộc sống của mình. Ngoài ra một số người chọn phương thức phi pháp vì họ thích có nội tạng từ một người sống hơn là từ một người mới chết.
Những tay môi giới thường chào bán cho khách hàng giàu có "gói ghép thận hoàn chỉnh" với giá 160 ngàn Euro. Điều này có nghĩa mọi thủ tục hối lộ, chi phí đi lại và điều trị đều đã được lo hết. Tuy nhiên những người bán thận thường chỉ nhận được một phần nhỏ từ số tiền. Tại Ấn Độ và Bangladesh, các băng buôn bán nội tạng thường chỉ trả có 750 Euro cho người bán thận, một mức giá thực không khác nào ăn cướp. Và một khi người bán đã đồng ý, họ sẽ không thể nào thay đổi quyết định.
Các tay môi giới cũng thường hứa hẹn với nạn nhân rằng cắt bỏ một quả thận hay một lá gan sẽ chẳng mang lại tác động nào ghê gớm và người ta vẫn có thể sống tới 80 tuổi. Thực tế, việc cắt bỏ nội tạng là vô cùng nguy hiểm. Người bán tạng thường không tới gặp bác sĩ sau khi trở về nhà. Họ có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc chảy máu sau phẫu thuật, tăng huyết áp và hở vết thương.
Các bác sĩ Mỹ đã theo dấu nhiều người bán tạng và thấy hầu hết đều suy giảm đáng kể sức khỏe sau phẫu thuật. Sau khi tỉnh dậy khỏi cuộc phẫu thuật, Shevdko cảm thấy vô cùng đau đớn.
Nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật
Piristina, Kosovo, nơi Shevdko tìm tới bán thận, hiện chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống đường dây buôn bán nội tạng người bất hợp pháp với quy mô quốc tế. Tại Ai Cập, Liên minh Giải pháp cho người suy tạng (COFS) từng phỏng vấn một băng buôn tạng người Sudan gồm 57 thành viên cách đây hơn một năm và nghe họ kể cách thức đưa đàn ông, đàn bà, trẻ em bản địa sang Ai Cập ra sao, trước khi các nạn nhân bị cắt đi một quả thân.
Đôi khi thực tế vẫn xảy ra rất nhiều sự kiện giống với chuyện kinh dị. Trong buổi sáng sớm ngày 4/11/2008, Yilman Altun, một công dân Thổ Nhĩ Kỳ 23 tuổi, đã ngã ngục tại sân bay Pristina. Máu ứa ra bên ngoài chiếc áo sơ mi của anh. Anh đã được đưa tới trạm y tế của sân bay và các bác sĩ nói rằng có kẻ nào đó đã lấy mất thận của Altun, sau khi anh tới Trung tâm y tế Medicus.
Cuộc điều tra diễn ra sau đó đã vạch mặt đường dây buôn bán nội tạng chấn động ở Kosovo với tâm điểm là Medicus. Bốn bác sĩ và một cựu quan chức ngoại giao Kosovo có mối quan hệ với Medicus đã phải ra tòa từ tháng 10/2011. Các cáo buộc chống lại họ gồm có buôn bán nội tạng người, tham gia tội phạm có tổ chức và hành nghề y không giấy phép.
Thế nhưng viên bác sĩ phẫu thuật chính ở Medicus là Yusuf Sonmez, một người Thổ Nhĩ Kỳ được đặt biệt danh "bác sĩ Frankenstein" hay "bác sĩ chim ăn xác thối" đã tẩu thoát về nước. Sonmez từng "nổ" rằng ông ta đã cắt ghép thành công 2,2 ngàn quả thận. Trong số những người nằm dưới tay dao của ông ta có Shevdko. Viên bác sĩ này hiện đang bị cảnh sát quốc tế truy nã, nhưng sau khi bị bắt hồi tháng 1 năm ngoái, ông ta lại được trả tự do. Cho tới tận giờ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối dẫn độ ông ta sang Kosovo để chịu tội. Điều tương tự cũng diễn ra với Moshe Harel, công dân Israel đã dàn xếp các thương vụ mua bán tạng ở Medicus. Dù bị Interpol truy nã, người đàn ông 62 tuổi này vẫn ung dung sống tại thị trấn Ramla của Israel, cách nhà Shevdko có 20km.
Với Shevdko, dù nửa thập kỷ đã trôi qua từ khi bán thận, các cơn đau vẫn liên tiếp hành hạ bà. Những kẻ môi giới hứa hẹn với Shevdko rằng bà sẽ không phải đi viện để chăm sóc hậu phẫu. Quả thực bà đã không đi viện, nhưng chỉ vì viện phí quá đắt. Khoản tiền bồi dưỡng trị giá 8,1 ngàn Euro mà Shevdko nhận được đã tan biến từ lâu. Bà dùng tiền để đưa con gái sang Israel, để trả bớt nợ nần, mua chút quần áo rẻ tiền. Chiếc phong bì dày cộp đã trống rỗng chỉ trong vỏn vẹn có 3 tháng.
T.N (Theo báo nước ngoài)