Hai thẩm phán trong phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất đã bỏ phiếu “chống” lại lời buộc tội của VKS. Liệu trong lần xử thứ 2, TAND TP Hà Nội có thuận theo cáo trạng với những chứng cứ buộc tội là lời khai không đối chứng?.
Tội phạm tố Công an
Sau khi phá vụ án ma túy tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Cao Thị Lan cầm đầu, năm 2005, Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục triệt phá đường dây “bán lẻ” ma túy tại “chợ” ma túy Thanh Nhàn, bắt giam đối tượng Trần Thị Thuận và vợ chồng Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan.
Đặc biệt, qua lời khai của các tội phạm ma túy trong vụ án này, CQĐT đã khởi tố và bắt giam một số cán bộ của Công an TP Hà Nội vì đã có vi phạm pháp luật trong công tác. Một loạt cán bộ công an bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” là Phạm Nho Việt, Lê Văn Minh, Đinh Quế Hoan, Võ Xuân Long cùng bị xét xử chung với các bị cáo trong vụ án này.
Tháng 6/2006, CQĐT khởi tố thêm ông Phạm Đình Tiếng, cán bộ công an Hà Nội.
Theo các tài liệu liên quan, đặc biệt là kết luận điều tra và cáo trạng thì ông Phạm Đình Tiếng bị vợ chồng bị can Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan tố cáo là nhận 8.000 USD của cặp vợ chồng này từ năm 2001 để “chạy tội” cho Nguyễn Viết Mạnh khi đối tượng này bị bắt vì hành vi tàng trữ, mua bán ma túy và năm 2004 nhận 5.000 USD để chạy tội cho Trần Thị Lành với hành vi tương tự.
Thậm chí, Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan còn tố ông Phạm Đình Tiếng đã cầm 12.000 USD để bỏ qua tội trạng của cặp vợ chồng này.
|
Bị cáo Phạm Đình Tiếng |
Với các lời khai trên, ông Phạm Đình Tiếng bị bắt giam và khởi tố về tội là “Nhận hối lộ”. Riêng việc “nhận tiền” của Bùi Trọng Bảy để “chạy tội” cho Trần Thị Lành, CQĐT cho rằng, ông Tiếng không có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án mà Lành là nghi can và cũng không gặp gỡ người có trách nhiệm để “chạy chọt” nên việc cầm tiền trên là phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình điều tra kéo dài nhiều năm, tuy nhiên cho đến khi xét xử, ông Phạm Đình Tiếng một mực kêu oan và khẳng định không có chuyện ông cầm tiền của những đối tượng mua bán ma túy đang bị bắt giữ để điều tra về hành vi phạm tội với mức hình phạt lên tới tử hình.
Quan tòa bỏ phiếu “chống” vì sự thật mong manh
Đối với lời khai của Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan về việc ông Tiếng nhận 12.000 USD để “tha” cho 2 đối tượng này, chính VKSND tối cao cũng cho rằng không có cơ sở nên không truy cứu đối với ông Tiếng. Vì vậy, việc kêu oan của ông Phạm Đình Tiếng không phải không có căn cứ. Khi bị cáo buộc là cầm số tiền 8000 USD để tha bổng cho Nguyễn Viết Mạnh, bị bắt tháng 5/2001, ông Phạm Đình Tiếng khẳng định, việc Nguyễn Việt Mạnh được tha không phải là do CQĐT tha mà do VKS không phê chuẩn lệnh bắt.
Theo một văn bản mà CQĐT gửi TAND TP Hà Nội năm 2009 thì ngày 24/5/2001, chính ông Phạm Đình Tiếng, lúc đó là điều tra viên, đã có văn bản đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Viết Mạnh và trình VKS. Tuy nhiên, VKS Hà Nội đã không phê chuẩn lệnh bắt do CQĐT Công an Hà Nội trình. Do đó, lời buộc tội ông Tiếng “nhận tiền” để tha cho Nguyễn Viết Mạnh rõ ràng thiếu thuyết phục.
Đối với hai khoản tiền mà Bùi Trọng Bảy khai nhận đã đưa cho ông Tiếng để chạy tội cho Nguyễn Viết Mạnh và Trần Thị Lành, Bảy đều khai là gọi điện trước cho ông Tiếng trước khi giao tiền. Để có cơ sở buộc tội, TAND TP Hà Nội đã yêu cầu CQĐT xác minh làm rõ việc gọi điện thoại giữa Bảy và ông Tiếng.
CQĐT đã đề nghị Công ty viễn thông Vinaphone cung cấp các cuộc gọi đi vào gọi đến của số máy do Bùi Trọng Bảy sử dụng. Thế nhưng, kết quả là không tìm được các số máy liên lạc giữa Bảy và ông Tiếng. Việc không làm rõ được chứng cứ quan trọng này đã khiến cho chứng cứ buộc tội cựu cán bộ công an TP Hà Nội chỉ còn lại là lời tố cáo thiếu căn cứ kiểm chứng của Bùi Trọng Bảy.
Vì lý do trên, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 18/9/2009, hai thẩm phán của TAND TP Hà Nội, trong đó có chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân đã không đồng ý với cáo trạng buộc tội Phạm Đình Tiếng “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo các thẩm phán, hành vi của Phạm Đình Tiếng chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do việc ông Tiếng không đấu tranh kiên quyết với Nguyễn Viết Mạnh để khai thác đối tượng này, góp phần ngăn chặn đường dây bán lẻ ma túy tại quận Hai Bà Trưng vào thời điểm đó. Những cáo buộc ông Tiếng nhận tiền để tha tội cho Nguyễn Viết Mạnh, Trần Thị Lành, Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan là không có cơ sở.
Tuy nhiên, 3 hội thẩm nhân dân lại “bỏ phiếu thuận” đối với bản cáo trạng và đề nghị xử ông Tiếng 17 năm tù cho cả hai tội danh trên.
Ngày 5/4/2010, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã xét xử vụ án và hủy bỏ phần bản án buộc tội đối với ông Phạm Đình Tiếng. Sau khi điều tra lại, vụ án được chuyển trả cho Tòa án nhưng không thể đưa ra xét xử mà liên tục bị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Từ đó đến nay, việc điều tra làm rõ những chứng cứ buộc tội đối với ông Tiếng vẫn liên tục được làm đi làm lại nhưng sự thật vẫn rất mong manh và không thể làm rõ với lời khai đầy mâu thuẫn của các tội phạm đã bị kết án.
Trong văn bản gửi Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã kiến nghị phải xem xét lại vụ án vì việc các cơ quan tố tụng chỉ căn cứ vào lời khai đầy mâu thuẫn của hai bị cáo Bảy và Lan mà không xem xét lời trình bày của bị cáo Phạm Đình Tiếng là vi phạm nguyên tắc đánh giá chứng cứ theo Điều 66 Bộ luật TTHS.
Vụ án kéo dài 7 năm, bị can bị giam giữ một thời gian “kỷ lục” khiến cho việc giải quyết vụ án rơi vào tình thế “đâm lao phải theo lao”. Liệu trong phiên tòa ngày 25/4 tới đây, các thẩm phán có tiếp tục bỏ phiếu chống hay phải ghép cho ông Tiếng tội danh nào đó cho phù hợp với thời hạn tạm giam?.
Bình Minh