Sự trỗi dậy của Hip-hop

Sau nhiều thăng trầm, hai năm trở lại đây trào lưu nhảy hip-hop đang được “hâm nóng” bởi giới trẻ. Đã có tới hơn 100 nhóm nhảy đang hoạt động sôi nổi, tạo sân chơi bổ ích cho đông đảo bạn trẻ, mở rộng cơ hội giao lưu quốc tế.
 
Sau nhiều thăng trầm, hai năm trở lại đây trào lưu nhảy hip-hop đang được “hâm nóng” bởi giới trẻ. Đã có tới hơn 100 nhóm nhảy đang hoạt động sôi nổi, tạo sân chơi bổ ích cho đông đảo bạn trẻ, mở rộng cơ hội giao lưu quốc tế. 
Một tiết mục Hiphop trên sân khấu
Một tiết mục Hiphop trên sân khấu
Những địa chỉ như vườn hoa Lê-nin, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô… (Hà Nội); Công viên Hoàng Văn Thụ, Nhà văn hóa Sinh viên, Cung văn hóa lao động, Câu lạc bộ thể thao Phan Đình Phùng… (TP. Hồ Chí Minh) là những nơi thường diễn ra các buổi tập luyện và biểu diễn sôi động. Ngay đợt đầu hè 2012 đã có hàng loạt giải hip-hop được tổ chức, chứng tỏ thể loại “nghệ thuật đường phố” này đang ngày càng lan tỏa trong đời sống giới trẻ.
Đã có một thời gian dài không ít người kỳ thị với hip-hop, bởi có nhóm xuống phố ăn mặc rộng thùng thình, xăm trổ, đeo khuyên tai, môi, mũi, đeo dây xích “loằng ngoằng” trên người, đi đứng như kiểu bụi đời. Theo người trong giới, hip-hop bắt đầu theo chân những người đi du học ở Mỹ hoặc châu Âu du nhập về Việt Nam từ năm 1990. Các điệu nhảy cần kiểm soát toàn bộ cơ thể; thả lỏng thật nhanh cơ bắp, tạo những cú giật hoặc lượn sóng trên cơ thể; động tác chính xác như robot kết hợp với các động tác tự do và hoang dã; thể hiện cảm xúc mãnh liệt, dữ dội khi nhảy… 
Một số “tín đồ” hip-hop thời ấy vẫn nhớ lại kỷ niệm về không ít lần chạy trốn bảo vệ khu vực họ tập nhảy, thậm chí bị công an bắt. Do hiểu sai, khi thấy nhảy hip-hop có người thốt lên: “Nhảy với nhót, cứ như rô-bốt động kinh!”. Thật ra, họ ăn mặc như vậy chỉ là để thay đổi cảm giác, có người cố tình ăn mặc lộn xộn để giải khuây. Bản thân Vũ Tùng Phương của Milky Way từng bị gia đình phản đối kịch liệt khi đắm đuối môn nghệ thuật này.
Nhưng, bằng khả năng của mình, Phương đã chứng minh hip-hop là văn hóa nghệ thuật, có tương lai và có thể… “ra tiền”. Nguyễn Viết Thành, trưởng nhóm Big Toe (Ngón chân cái) cũng từng bị gia đình cấm cản khi tiếp xúc với hip-hop.. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thành nghe bố mẹ đi làm, nhưng “được vài ngày lại thấy nhớ”, nên nhất quyết quay trở lại sàn tập và quyết định gắn bó suốt đời. Đến nay, cùng Big Toe, Thành đã tiến rất xa.
Cuộc chinh phục của các nam “tín đồ” đã gian nan, với phái nữ còn khó khăn gấp bội. Theo nhiều bạn, áp lực lớn nhất đối với họ là gia đình, bởi bố mẹ lúc nào cũng muốn con gái phải nữ tính, mềm mại, học xong cần có công ăn việc làm ổn định và xây dựng gia đình. Thêm nữa, với các nữ sinh, gia đình vẫn coi học nhảy là điều quá sức, dễ bị chấn thương. Bạn Phạm Thị Thanh Phương, thành viên NewYork Style, tâm sự: “Mấy bạn nữ nhóm em hăng hái lắm! Ban đầu chẳng bố mẹ nào đồng ý, nhưng sau đó chúng em thuyết phục bằng cách giữ gìn bản thân, học và làm việc thật tốt, không để bố mẹ lo lắng nhiều.”
  Song, việc chinh phục gia đình vẫn còn dễ hơn chinh phục công chúng, bởi công chúng mới chính “là yếu tố quyết định hip-hop có sống được hay không”. Theo Bạch Thành Kiên, thành viên nhóm Omega, bên cạnh những màn trình diễn ngoạn mục và lối sống đàng hoàng, để chinh phục được người xem, bản thân mỗi “vũ công” cũng cần phải có những “ngón nghề” của riêng mình. Sáng tạo trên nền tảng khuôn mẫu để trình diễn những động tác mang đầy phong cách cá nhân, đó mới là cái khó!
Việt Nam đã có hàng nghìn bạn trẻ tham gia các nhóm nhảy. Nhiều trường như đại học Ngoại thương Hà Nội, RMIT, Học viện Kinh tế quốc dân, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh… cũng hình thành câu lạc bộ hip-hop như một hoạt động ngoại khóa phổ biến. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, thời gian đầu, hip-hop Việt Nam chủ yếu mới chỉ bắt chước các điệu nhảy thế giới. Sau thời kỳ mô phỏng này, hip-hop sẽ phát triển khá rầm rộ với nhiều xu hướng khác nhau. 
Sơn Bình

Đọc thêm