Lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ trần lãi suất (LS) huy động và theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tình hình thanh khoản của các ngân hàng (NH) đã được cải thiện. Tuy nhiên, thông tin này dường như không có ý nghĩa nhiều đối với các doanh nghiệp (DN) bất chấp những công bố hạ LS cho vay với những gói tín dụng ưu đãi của rất nhiều NH. Luật sư Trương Thanh Đức - chuyên gia NH trao đổi xung quanh vấn đề này.
Luật sư Trương Thanh Đức. |
Có rất nhiều lý do mà DN vẫn chưa tiếp cận được vốn với LS thấp của NH, trong khi LS huy động đã hạ. Việc hạ LS đầu vào mà không khống chế LS đầu ra như vậy, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ NH được lợi. Ý kiến của ông như thế nào?
- Đó chỉ là phần nổi mà ai cũng nhìn thấy. Đó là NH huy động 12%/năm, trong khi cho vay ra 18- 20%/năm, thậm chí còn cao hơn nữa. Thông thường chênh lệch LS huy động và cho vay từ 3% trở lên là NH có lãi. Vậy thì với chênh lệch LS từ 6-8%, NH lãi to. Nhưng thực ra không đơn giản như vậy. LS đầu vào của nhiều NH đang cao hơn, nhất là những khoản huy động trước đây. Cộng với bối cảnh hiện nay thì không còn là “thông thường nữa”, vì nợ xấu của NH cao, trong khi khả năng vay vốn, trả nợ của các DN lại rất thấp, tức là rủi ro rất lớn. Riêng về LS, nếu DN chỉ lo một, thì NH đang phải lo hai, làm sao huy động được giá thấp và làm thế nào để chấp nhận cho vay không quá cao trước rủi ro rình rập.
Ý ông nói các NH vẫn phải thỏa thuận LS huy động?
Đó là một thực tế mà báo chí và các chuyên gia cũng đã phát biểu khá nhiều. NHNN không dễ phát hiện ra, bởi trên giấy tờ, sổ sách rất “sạch sẽ”. Và đặc biệt là cái lý, để tự cứu và cực chẳng đã trước cái thế “thoả thuận là tại thị trường, cả làng làm thế chứ mình tôi đâu”!
Vâng! Dường như các NH đã có kinh nghiệm hơn trong việc này và chỉ khách hàng quen mới thỏa thuận LS?
Đúng như vậy. Không quá nhiều về khách hàng, chỉ là khách quen và có số tiền gửi lớn. 20% số khách hàng lớn thường chiếm khoảng 80% số vốn huy động (gửi từ tiền tỷ trở lên), còn 80% khách hàng gửi tiền còn lại chỉ chiếm khoảng 20% số tiền gửi.
Hai lần hạ LS Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đều nói rằng tình hình thanh khoản của các NH đã được cải thiện nhiều. Ông lý giải thế nào về ý kiến này?
Một nghịch lý đang xảy ra thật khó có câu trả lời chính xác, trước bối cảnh có rất nhiều cơ sở thuyết phục để hạ LS huy động, nhưng thực tế thì LS vẫn đang rất cao trên thị trường. Lý do để LS giảm là: Thanh khoản đã tốt lên rất nhiều, chỉ còn số ít NH gặp khó khăn và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với cả hệ thống. Dư nợ cho vay ra mấy tháng nay không hề tăng (thậm chí còn giảm).
Nhiều NH thừa tiền (bằng chứng là LS trên thị trường liên NH gần đây thấp hơn nhiều so với trần LS huy động). Chỉ số lạm phát giảm mạnh trong gần nửa năm nay và đặc biệt là chính các NH cũng rất lo ngại với LS đầu vào cao dẫn đến phải cho vay cao, thì sẽ không cho vay được, đồng thời sẽ phải gánh chịu rủi ro cũng rất lớn. Rồi Chính phủ và ngành NH đang quyết tâm triển khai nhiều giải pháp để giảm LS. Thế nhưng LS vẫn cao, hoàn toàn ngoài mong muốn của các NH. Phải chăng đó là sự “ương bướng” khó trị của thị trường?.
Có ý kiến cho rằng, thay vì khống chế LS huy động, NHNN chỉ cần khống chế LS cho vay. Ý ông như thế nào?
Khống chế LS cho vay cũng không giải quyết được việc gì. Việc này cũng đã từng làm và cũng đã thất bại. LS NH lâu nay hoàn toàn cạnh tranh, theo sát và phản ánh chính xác, khách quan cung - cầu thị trường. Mong muốn hạ LS là chính đáng và cấp bách, tuy nhiên đó là thị trường, thì phải điều khiển được thị trường, chứ không phải cứ muốn là được. Đặt ra trần chỉ là giải pháp tình thế, bất đắc dĩ và đương nhiên sẽ làm méo mó thị trường.
Cứ hình dung LS cũng tương tự như giá gạo, nếu khống chế giá gạo không được quá 10.000 đ/kg, mà giá thật của nó là 20.000 đ/kg thì điều gì sẽ xảy ra? Khống chế trần LS cho vay thấp hơn giá thật, thì NH cũng sẽ không cho vay vì lỗ, DN hoặc sẽ không vay được, hoặc lại phải chấp nhận “bù giá”, cầu cạnh người bán,...
Thanh Thanh (thực hiện)