“Luật gốc” của nhiều luật chuyên ngành
Về vai trò của BLDS năm 2005 đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, PGS.TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, BLDS đã quy định rõ phạm vi điều chỉnh của mình là “quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.
Nhà làm luật cũng thể chế hóa đầy đủ và cụ thể phạm vi điều chỉnh này vào trong các chế định của BLDS bảo đảm bao quát được tương đối đầy đủ phạm vi các quan hệ thuộc lĩnh vực tư - các quan hệ có bản chất chung là được xác lập, thực hiện dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một thành tố quan trọng.
“BLDS thực sự đã trở thành luật nguyên tắc của các luật khác như Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đấu thầu…” – ông Huệ nhấn mạnh
Cũng theo ông Huệ, BLDS đã quy định những nguyên tắc cơ bản về pháp nhân và đại diện tạo nền tảng pháp lý quan trọng trong quy định địa vị pháp lý của pháp nhân nói chung, doanh nghiệp nói riêng, góp phần “hiện thực hóa” vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong tham gia các quan hệ dân sự, thương mại. BLDS còn cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thông qua việc ghi nhận chế độ sở hữu, các hình thức sở hữu, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu; hoàn thiện thêm một bước các quy định về quyền của các chủ thể đối với tài sản của người khác, trong đó có quyền sử dụng đất.
Những quy định trong BLDS về các vấn đề liên quan đến tài sản và quyền sở hữu là hết sức cần thiết vì sở hữu luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu của nền kinh tế nói chung, của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Ngoài ra, chỉ khi nào doanh nghiệp cũng như các chủ thể quan hệ dân sự khác được công nhận và bảo hộ các quyền tài sản, trong đó có quyền sở hữu thì họ mới yên tâm sản xuất, kinh doanh làm giàu cho mình và cho xã hội. BLDS còn đề cao nguyên tắc tự do hợp đồng, nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, sự an toàn về mặt pháp lý cho các chủ thể trong các quan hệ dân sự, thương mại. Nhờ có các quy định có tính chất nền tảng này mà các quan hệ thị trường mới có thể phát sinh, tồn tại và phát triển một cách thuận lợi và bền vững…
Không tạo ra “bẫy” trong giao dịch dân sự
Tuy nhiên, trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, BLDS hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Chưa thể hiện đầy đủ các yêu cầu đối với hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền; chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu là luật chung của hệ thống luật tư; còn thiếu vắng những quan điểm lý luận có tính hệ thống về việc phân định quyền tài sản; chưa có sự đồng bộ trong kết cấu và quy định về nội dung giữa các phần, chế định của Bộ luật dẫn tới các chủ thể quan hệ dân sự khó tra cứu, áp dụng luật.
Một trong những định hướng sửa đổi cơ bản theo quan điểm của ông Huệ là việc sửa đổi BLDS chỉ nên quy định các nguyên tắc đặc trưng của quan hệ tư, luật tư, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự.
“Không quy định các nguyên tắc có thể dẫn tới áp dụng pháp luật không thống nhất, tạo ra “bẫy” trong tuyên bố giao dịch vô hiệu như nguyên tắc tuân thủ pháp luật” – ông Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Huệ cho rằng, BLDS hiện hành quy định tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm là không hợp lý và không phù hợp với thực tế, vì bên bảo đảm có thể sử dụng tài sản của người thứ ba làm vật bảo đảm nếu được chủ sở hữu đồng ý và đây là trường hợp diễn ra tương đối phổ biến. Hơn nữa, có một khối lượng tài sản lớn thuộc sở hữu của Nhà nước đang được giao cho các cơ quan, doanh nghiệp hoặc cá nhân quản lý, sử dụng, khai thác, hưởng hoa lợi và các tài sản này cũng nên được sử dụng làm tài sản bảo đảm khi cần thiết.
Quy định này hạn chế quyền của các chủ thể và làm mất tính linh hoạt của các giao dịch dân sự. Đồng thời, BLDS chưa có quy định nhất quán về việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận cầm cố tài sản hoặc bên nhận thế chấp tài sản với bên nhận bảo lãnh và quan hệ giữa bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác; BLDS chưa tạo cơ chế cho chủ nợ có bảo đảm thực thi tốt nhất quyền xử lý đối với tài sản bảo đảm trong thời gian nhanh nhất, nhằm giải phóng nợ xấu.
Để khắc phục những bất cập trên, ông Huệ kiến nghị, BLDS cần đề cao quyền theo đuổi, quyền truy đòi của bên nhận cầm cố, thế chấp theo đó trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo đảm, thì bên nhận thế chấp cần được quyền tiếp cận, thu hồi và xử lý tài sản đó, trừ trường hợp giữa các bên có thỏa thuận khác như pháp luật của các nước.
Không những thế, cần xác định nhất quán nguyên tắc trong xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cũng như áp dụng thủ tục rút gọn đối với những tranh chấp liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm theo hướng tòa án cho phép xử lý tài sản bảo đảm ngay khi có đủ hai căn cứ: hợp đồng bảo đảm hợp pháp và bên vay không có khả năng trả nợ theo đúng cam kết.