Được coi là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nên việc sửa đổi Hiến pháp là vấn đề trọng đại của mỗi quốc gia. Hiến pháp được sửa đổi theo quy trình như thế nào đều được quy định rất rõ ràng trong Hiến pháp của các nước.
Mỹ - 225 năm lịch sử và 18 lần tu chính
Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua cách đây gần 225 năm - vào ngày 17/9/1787, đến nay đã trải qua 18 lần tu chính với 27 tu chính án được phê chuẩn.
Việc sửa đổi Hiến pháp phải tuân thủ quy trình sau: Nghị viện Liên bang, khi có 2/3 thành viên của cả hai Viện xét thấy cần thiết, đề xuất các tu chính Hiến pháp hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở 2/3 các bang, phải triệu tập Đại hội để đề xuất các tu chính Hiến pháp.
Trong cả hai trường hợp, các tu chính án đều có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp khi được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của 3/4 các bang hoặc bởi Đại hội của 3/4 các bang theo một thể thức phê chuẩn do Nghị viện đề nghị và không một bang nào bị tước quyền bình đẳng trong việc biểu quyết tại Thương nghị viện nếu không có sự thỏa thuận của bang đó.
Nga - Quốc hội không được sửa đổi quy định về tu chính án
Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua bởi phúc quyết toàn dân ngày 12/12/1993, gồm 9 Chương 136 Điều. Hiến pháp Nga dành hẳn một chương (Chương 9) quy định về các tu chính án và việc sửa đổi Hiến pháp. Theo đó, quyền kiến nghị bổ sung, sửa đổi Hiến pháp thuộc về Tổng thống Liên bang, Hội đồng Liên bang, Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang, các cơ quan lập pháp của các chủ thể Liên bang Nga, cũng như ít nhất 1/5 tổng số thành viên Hội đồng Liên bang hoặc 1/5 tổng số đại biểu Đuma Quốc gia.
Nhật Bản – Tu chính án phải được nhân dân chuẩn y
Hiến pháp Nhật Bản được thông qua ngày 3/11/1946 và có hiệu lực từ ngày 3/5/1947. Việc sửa đổi Hiến pháp phải do Quốc hội đề xướng sau khi được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu của mỗi Viện thông qua. Sau đó tu chính án phải được đa số nhân dân chuẩn y trong một cuộc trưng cầu ý dân hay qua một cuộc tổng tuyển cử đặc biệt do Quốc hội ấn định. Tu chính án sau khi được nhân dân chuẩn y sẽ lập tức được Hoàng đế phê chuẩn như một phần thống nhất của Hiến pháp.
Pháp – Có thể không cần trưng cầu dân ý
Hiến pháp Cộng hòa Pháp được thông qua ngày 4/10/1958 với 17 Chương (Chương XVII hiện đã bị bãi bỏ) 89 Điều. Tính đến nay, Hiến pháp Pháp đã trải qua 24 lần sửa đổi; nhất là từ năm 1992 trở lại đây, cùng với quá trình xây dựng Liên minh châu Âu, hầu như năm nào Pháp cũng tiến hành sửa đổi Hiến pháp.
Tuy nhiên, trong tất cả các lần sửa đổi Hiến pháp, chỉ có lần sửa đổi năm 1962 là lần sửa đổi quan trọng nhất, chuyển sang áp dụng chế độ bầu cử Tổng thống theo nguyên tắc trực tiếp và phổ thông đầu phiếu.
Tổng thống, theo đề nghị của Thủ tướng, và các thành viên của Nghị viên có quyền đưa ra sáng kiến sửa đổi Hiến pháp.
Sơn Hà