Sửa đổi Hiến pháp:Tạo vị thế bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân

“Đây là một dấu mốc mang tính lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong quan điểm và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế”, thạc sỹ, luật sư Trịnh Văn Quyết - TGĐ Cty Luật SMiC, Chủ tịch Tập đoàn FLC – một gương mặt tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân - khẳng định với PLVN.

Ngay sau khi nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được công bố, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã bày tỏ sự quan tâm và góp ý sôi nổi cho Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các Điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25).

Theo đó, nội dung sửa đổi Hiến pháp ghi nhận: 1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

“Đây là một dấu mốc mang tính lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong quan điểm và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế”, thạc sỹ, luật sư Trịnh Văn Quyết - TGĐ Cty Luật SMiC, Chủ tịch Tập đoàn FLC – một gương mặt tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân - khẳng định với PLVN.

Thạc sỹ, luật sư Trịnh Văn Quyết

Kỳ vọng lớn như vậy hẳn thời gian qua doanh nghiệp của ông đã có nhiều trải nghiệm về sự bất hợp lý cả về chính sách lẫn thực tiễn đối với khu vực kinh tế tư nhân, có phải vậy không, thưa ông?

Đúng vậy, là một tập đoàn kinh tế tư nhân, cũng như các DN tư nhân khác, chúng tôi cảm nhận rõ những bất hợp lý về đối xử đối với các loại hình DN. Một mặt chúng ta hô hào các thành phần kinh tế là bình đẳng, mặt khác Nhà nước lại duy trì những đặc quyền và ưu đãi riêng dành cho các DNNN trong tiếp cận vốn, đất đai, cơ hội kinh doanh và các nguồn lực quan trọng khác. Cạnh tranh với các chàng “khổng lồ” lại còn được ưu đãi hơn quả thực rất khó cho các DN dân doanh phát triển.

Thậm chí ngay trong lĩnh vực quảng bá thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp cũng thể hiện rõ tư tưởng “công” “tư”. Tôi chỉ lấy một vị dụ nhỏ, khi một doanh nghiệp nhà nước được tặng thưởng huân huy chương thì các báo đưa tin nổi bật trên trang nhất như một sự kiện quan trọng, nhưng doanh nghiệp dân doanh được tặng huân chương thì chỉ được đăng ở trang ruột như một tin P.R.

Như ông đã phân tích, nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này đã ghi nhận các thành phần kinh tế được bình đẳng như nhau, ông nghĩ sao nếu Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi này?

Chúng tôi vẫn luôn mong chờ một sự thay đổi thực sự, một sự thay đổi không chỉ dừng lại ở chính sách pháp luật mà còn cả trong việc thực thi chính sách đó trên thực tế.

Tôi cho rằng, việc Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi này là một chuyển động lớn trong thượng tần kiến trúc, là minh chứng rõ ràng về sự đổi mới trong tư duy của những nhà làm luật, thể hiện rõ những “kiến trúc sư” của hệ thống pháp luật Việt Nam đã lắng nghe và bắt nhịp được hơi thở của cuộc sống cũng như tâm tư, ước vọng của doanh nhân. Điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ và lạc quan đến với hàng trăm nghìn DN tư nhân, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tạo ra niềm tin và kỳ vọng mới cho thành phần kinh tế năng động và hiệu quả nhất trong nền kinh tế hiện nay.

Đó là góc nhìn của một doanh nhân, còn ở góc nhìn một luật sư thì sao, ông đánh giá như thế nào về các nội dung hiến pháp sửa đổi lần này?

Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản pháp luật của bất kỳ nước nào trên thế giới. Là một đạo luật gốc, Hiến pháp ghi nhận và tạo lập những nền tảng chính sách cho các đạo luật cụ thể. Thực tế hiện nay cho thấy nhiều nội dung quan trọng trong các đạo luật chuyên ngành đã không còn phù hợp với cuộc sống và đã đến lúc cần thay đổi nhưng đều vướng “trần” Hiến pháp. Do vậy, muốn sửa luật một cách cơ bản và triệt để thì trước hết cần phải sửa đổi Hiến pháp. Tôi hi vọng đề xuất sửa đổi nói trên sẽ sớm được Quốc hội thông qua, tạo tiền đề cho những thay đổi căn bản trong hệ thống các văn bản pháp luật kinh doanh hiện nay của VN.

Nội dung hiến pháp sửa đổi về lĩnh vực kinh tế đang được dư luận đặc biệt quan tâm

So với các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây, sửa đổi lần này ghi nhận một sự cởi mở và quyết tâm chính trị mới của Đảng và Nhà nước trong việc mở rộng quyền dân chủ, tham gia ý kiến của nhân dân. Tuy vậy, theo tôi, Đảng và Nhà nước cần “nhấn” thêm một bước nữa. Đó là tiến tới không chỉ lấy ý kiến góp ý của người dân mà còn phải lấy biểu quyết của người dân về những nội dung trong bản Hiến pháp. Bởi vì Hiến pháp không chỉ là một đạo luật thông thường mà là một văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng liên quan đến vận mệnh của quốc dân, là “khế ước” của toàn dân trao quyền quản lý các công việc của quốc gia cho Nhà nước. Vì vậy, trưng cầu dân ý chính là cách dân chủ nhất để thể hiện quyền phúc quyết của nhân dân.

Mặc dù Hiến pháp hiện hành có quy định về vấn đề trưng cầu dân ý nhưng chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế và các thiết chế để triển khai thực hiện chế định quan trọng này. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao chúng ta hoàn toàn vẫn có thể tổ chức việc phúc quyết của nhân dân đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước, mà việc đầu tiên và thiết thực nhất có lẽ là bắt đầu từ việc trưng cầu dân ý về nội dung Hiến pháp sửa đổi lần này.

Ông có vẻ còn nhiều băn khoăn câu chuyện chính sách và thực tế?

Đúng là tôi vẫn băn khoăn rằng cho dù Hiến pháp có ghi nhận sự thay đổi lớn ở trên nhưng liệu có đảm bảo được rằng hệ thống văn bản luật, văn bản dưới luật và đặc biệt là các hành vi pháp lý của các cơ quan quản lý thể hiện được quan điểm bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế ở trên thực tế?

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này còn thiếu một cơ chế “bảo hiến” thực sự mà giới luật sư và nghiên cứu luật pháp đã bàn luận rất nhiều. Cách đây hơn hai mươi năm, Đảng và Nhà nước đã nói đến chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó đề cao tính thượng tôn pháp luật. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, quyết tâm này ngày càng được thể hiện rõ và từng bước được hiện thực hóa.

Tuy vậy, trên thực tế có không ít đạo luật, văn bản dưới luật và các chỉ thị, mệnh lệnh hành chính trái với Hiến pháp nhưng vẫn được ban hành. Một ví dụ mà người ta đã nói rất nhiều là Thông tư số 02/2003/TT-BCA ngày 13/1/2003 của Bộ Công an quy định: "Mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe mô tô hoặc xe gắn máy".

Việc quy định như thế này đã hạn chế quyền sở hữu của công dân – một quyền cơ bản đã được ghi nhận tại Điều 58 Hiến pháp 1992. Gần ba năm sau, Bộ Công an mới chịu bỏ quy định này. Hay như trường hợp Nghị quyết 23 của Hội đồng nhân dân Tp. Đà Nẵng ban hành năm 2011 về việc hạn chế nhập cư vào nội thành. Điều này đồng nghĩa với việc ngăn cản quyền tự do cư trú của công dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ.

Nói đến cơ chế bảo hiến, ông nghĩ gì về Hội đồng Hiến pháp mà Dự thảo đang quy định?

Điều 120 Dự thảo quy định Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản do Quốc hội, UB Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành. Hội đồng này sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản của mình khi phát hiện văn bản này vi phạm Hiến pháp.

Hội đồng Hiến pháp hay Hội đồng bảo hiến là thiết chế đã có ở rất nhiều nước từ hàng thế kỷ nay. Ở nước ta, vì nhiều lý do nên đến nay mô hình này mới được đưa vào dự thảo Hiến pháp. Tuy có hơi muộn song vẫn phải ghi nhận đây là một bước tiến lớn trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của Việt Nam.

Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả như mong muốn thì cần thiết phải xác lập cho Hội đồng Hiến pháp  một vị thế tương đối độc lập trong hệ thống cơ quan nhà nước với những quyền năng cụ thể đủ mạnh để có thể “can thiệp” kịp thời khi có những đạo luật trái với Hiến pháp (thậm chí kể cả với những hành vi vi hiến).

Có như vậy thì tư tưởng và nội dung của Hiến pháp mới được quán triệt và thể hiện thông suốt trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Và đó cũng là cơ chế hữu hiệu để bảo đảm cho Hiến pháp đi vào cuộc sống một cách thực chất.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!

Anh Phương (Thực hiện)

Đọc thêm