Sửa đổi Luật Ngân sách: Người dân phải được tham gia

(PLO) - Trực tiếp đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách nhà nước, cũng là đối tượng có quyền thụ hưởng những kết quả có được từ việc sử dụng ngân sách nhà nước vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thế nhưng không ít người dân vẫn “mù tịt” về vấn đề tưởng như “quốc gia đại sự” này...
Các công trình có sự tham gia trực tiếp trong quản lý của người dân đều mang lại hiệu quả bền vững
Công khai chỉ là hình thức
Kết quả tham vấn cộng đồng do một nhóm các tổ chức phát triển Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIII với 1.147 người dân và 408 cán bộ chính quyền tại 5 tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy việc quản lý, sử  dụng ngân sách nhà nước (NSNN) chưa hiệu quả, chưa phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của người dân; chưa bảo đảm được sự tham gia đầy đủ vào các hoạt động ngân sách của người dân.
Cụ thể, tại Bắc Giang, trong khi có 62,7% người dân được hỏi có biết ngân sách (NS) có được từ các loại thuế, 54,7% có biết NS có được từ các loại phí và lệ  phí, 46,5% có biết NS có được từ hoạt động kinh doanh của Nhà nước, 33,5% có biết NS có được từ  các khoản viện trợ và vay nợ thì có đến 37,7 - 43,2% người dân được hỏi không biết rằng NS được chi cho phát triển kinh tế, đảm bảo  an ninh quốc phòng và đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước;  59,7 - 63,1% không biết rằng NS được chi trả nợ của Nhà nước và chi viện trợ.  
Đặc biệt, tại Hòa Bình, Quảng Trị, Bà Rịa-Vũng Tàu và Nam Định, có đến 42,7% người dân là đối tượng  được tham vấn cho biết họ “có nghe” hoặc “có nhìn thấy” về báo cáo thu, chi NS của xã, nhưng họ không nhớ hoặc không hiểu được những thông tin này.
Theo nhóm khảo sát, việc thực hiện công khai, minh bạch trong  các  hoạt động  NS  ở các cấp trong nhiều trường hợp còn mang tính hình thức, chưa thuận lợi để người dân hiểu và bày tỏ ý kiến của mình. Công khai thông tin chưa gắn liền với cơ chế giải trình, cung cấp thông tin bổ sung về các vấn đề có liên quan hoặc cơ chế giải đáp thắc mắc của người dân về thông tin đã công khai. Thiếu  phương  thức  phát  huy  sự  tham  gia  của  người  dân  vào  quá  trình  lập  dự  toán, phân  bổ, quản lý và sử dụng NS nhà nước, đặc biệt là phương thức tham gia trực tiếp của người dân ở cấp cơ sở…
Đặc biệt, người dân nhận thấy sự khác nhau về hiệu quả sử dụng NS cho những công trình đầu tư có và không có sự tham gia quản lý của người dân. Các công trình có sự tham gia trực tiếp trong quản lý (trong dự toán, thiết kế, giám sát thực hiện) của người dân đều mang lại hiệu quả bền vững; trong khi một số trường hợp, các công trình, chương trình sử dụng NSNN không có sự tham gia của người dân thường không hiệu quả và lãng phí do không đáp  ứng đúng nhu cầu và hoàn  cảnh thực tế, thậm chí gây thiệt hại cho người dân…
Cần tham khảo, cân nhắc để luật thực tế hơn
Theo khuyến nghị của một cuộc khảo sát, Luật NS sửa đổi cần làm rõ về đối tượng thực hiện công khai. Nội dung và phương thức công khai phải giúp người dân có thể hiểu được, biết được và tham gia được vào các quy trình NS, đặc biệt là bảo đảm sự thuận tiện (dễ tiếp cận) và hiệu quả (không mất chi phí hoặc tốn kém về thời gian, công sức) trong việc tiếp cận thông tin công khai. 
Nội dung công khai NSNN gồm số liệu và báo cáo thuyết minh về dự thảo dự toán NS, dự toán, chấp hành và quyết toán NSNN; nguồn thu NS (đặc biệt nợ công); quy trình, thủ tục kê khai, thu, nộp, miễn giảm, gia hạn, hoàn lại các khoản thu; tạm ứng, cấp phát, thanh toán NSNN; báo cáo kết quả kiểm toán và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, kết luận thanh tra, kết luận kiểm tra của cơ quan thanh tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
Luật cũng cần tiếp tục quy định cụ thể về quyền tham gia trực tiếp và gián tiếp của người dân trong phân bổ NS; quy định trực tiếp lấy ý kiến của người dân ở cấp xã, phường thông qua các cuộc họp dân theo địa bàn điểm dân cư vào quá trình NS xã; tham gia gián tiếp thông qua lấy ý kiến của các tổ chức xã hội về định hướng và lĩnh vực ưu tiên trong phân bổ NSNN hàng năm ở cấp huyện, tỉnh và Trung ương. 
Luật cần tiếp tục quy định rõ quyền tham gia giám sát của người dân trong quản lý, sử dụng NSNN; quy định cụ thể về thẩm quyền, phương thức giám sát trực tiếp và gián tiếp... Đồng thời, tiếp tục quy định rõ về việc kiểm tra, thanh tra các đối tượng có liên quan trong việc thực hiện chế độ công khai NSNN, về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến giám sát của tổ chức, công dân; quy định rõ các hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ công khai NSNN và trách nhiệm giải trình… 
“Chúng tôi trân trọng sự cởi mở và những nỗ lực của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định luật trong việc tiếp thu ý kiến cộng đồng và đưa vào bản Dự thảo Luật NS dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội bàn thảo vào ngày 25/11. Việc các cơ quan này tiếp tục cân nhắc và tiếp thu những kiến nghị về sự tham gia và giám sát của người dân góp phần giúp Luật NS sau khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao…”- đại diện nhóm khảo sát đưa ra thông điệp. 

Đọc thêm