Sửa đổi thuế TTĐB với bia, rượu: Doanh nghiệp lo trở tay không kịp!

(PLO) -"Các quy định này sẽ mang lại lợi ích ngắn hạn qua việc tăng thu, tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ suy giảm của một ngành kinh tế về dài hạn”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội BRNGK nói.
ảnh MH
ảnh MH

Năm 2014, sau khi cân nhắc đến việc giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, Quốc Hội đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi quy định việc tăng mức thuế xuất thuế tiêu thụ đặc biệt lên thêm 5% mỗi năm kể từ năm 2016 thay vì tăng một lần 15%. Hiện Luật đang tiếp tục được sửa đổi và chờ đưa ra thông qua ở kỳ họp Quốc hội khóa 13 vào cuối tháng 3/2016.

Tuy nhiên, khi Luật chưa được áp dụng thì Bộ tài chính đã ban hành Nghị định 108 và Thông tư 195 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB sửa đổi từ cuối năm 2015 với mục tiêu chính thức hóa quy định mới về cách thức tính thuế TTĐB đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Việc này đã gây ra tranh cãi rất lớn trong cộng đồng khi mà Nghị định và Thông tư lại đi trước Luật.

Theo các doanh nghiệp bia rượu, nước giải khát (BRNGK), quy định mới sẽ khiến mức thuế TTĐB c biệt cao lên và sẽ không đảm bảo được tính ổn định trong tăng trưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Sự thay đổi về giá tính thuế TTĐB như qui định trong Nghị định 108 và Thông tư 195 sẽ làm tăng hơn nữa chi phí của doanh nghiệp trong lúc các doanh nghiệp sản xuất đang phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với việc gia tăng thuế suất thuế TTĐB như được quy định trong Luật TTTĐB sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Cả 2 văn bản này đều được ban hành vào cuối năm 2015, quá gần thời điểm có hiệu lực là ngày 1/1/2016, do đó sẽ là một gánh nặng và thậm chí doanh nghiệp không thể đáp ứng kịp thời với thay đổi lớn như thế này.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội BRNGK cho rằng, việc ban hành Thông tư 195 sát thời điểm có hiệu lực  là thách thức vô cùng lớn cho các doanh nghiệp vì bất kỳ thay đổi nào về chính sách cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Việc thay đổi dịch chuyển giá tính thuế cũng như thời điểm áp dụng quá gấp sẽ trở thành nhân tố cộng hưởng mạnh mẽ với mức tăng 5% tính từ đầu năm 2016 và gián tiếp tăng mức thuế xuất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp.

“Chắc chắn các quy định này sẽ mang lại lợi ích ngắn hạn qua việc tăng thu, tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ suy giảm của một ngành kinh tế về dài hạn”, ông Việt nói.

Thêm vào đó, cách xác định giá tính thuế TTĐB trong trường hợp bán hàng thông qua cơ sở thương mại trong cùng Tập đoàn như quy định trong Nghị định và Thông tư từ là chưa phù hợp với luật hiện hành, theo đó giá tính thuế TTTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất. Việc doanh nghiệp sản xuất bán hàng thông qua cơ sở kinh doanh thương mại trong cùng Tập đoàn và thông qua một cơ sở kinh doanh thương mại độc lập không làm thay đổi bản chất của giao dịch, do vậy không thể ảnh hưởng đến giá tính thuế TTĐB. 

DN sản xuất rượu, bia, nước giải khát lo lắng sẽ bị tác động bởi chính sách mới, ảnh MH
DN sản xuất rượu, bia, nước giải khát lo lắng sẽ bị tác động bởi chính sách mới, ảnh MH

Nếu xét trên giác độ của Luật cạnh tranh, các công ty sản xuất và kinh doanh không được quyền qui định giá bán lẻ cho khách hàng/ và giá bán của nhà phân phối nên không thể xác định được giá thị trường cũng như giá bán ra của cơ sở thương mại độc lập. Giá bán trên thị trường thay đổi theo từng thời điểm do tác động cung và cầu của thị trường ví dụ như Tết, mùa hè hoặc mùa đông, mùa mưa; hay theo vùng ví dụ như khu vực thành thị so với nông thôn, miền núi và đa dạng theo chính sách kinh doanh của từng nhà phân phối.

Do đó, nhà sản xuất sẽ không thể kiểm soát được giá bán ra của các cơ sở thương mại. Qui định giá tính thuế của cơ sở sản xuất không được thấp hơn 7% giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại vô hình chung yêu cầu nhà sản xuất phải kiểm soát giá bán của cơ sở thương mại – điều mà Luật cạnh tranh cấm. Các nhà sản xuất không có quyền yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại cung cấp các thông tin liên quan đến giá bán của họ. Cơ sở để quyết toán thuế sẽ rất phức tạp bởi lượng hàng tồn kho luôn ở mức cao và rải rác ở nhiều nơi.

Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho biết, Nghị định 108 được ban hành vào cuối tháng 10/2015 và có hiệu lực ngay sau 2 tháng và đã nhận được kiến nghị lùi thực hiện là cách làm luật “có vấn đề”.

Có thể nói rằng những quy định này sẽ tạo ra một thủ tục hành chính vô cùng rườm rà cho cả doanh nghiệp trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế và truy thu thuế. Lãnh đạo một số công ty bia nước ngoài còn vô cùng quan ngại khi biết mình có khả năng vô tình vi phạm pháp luật bởi việc áp dụng  theo các quy định nói trên sẽ trao một quyền lực rất lớn khó kiểm soát cho cán bộ thuế. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, những quy định trên không khuyến khích chuyên môn hoá trong quy trình sản xuất, phân phối hàng hoá và làm triệt tiêu năng lực cạnh tranh của hàng nội trước sản phẩm nhập ngoại và nhập lậu. 

“Với quy định mới, số thuế doanh nghiệp phải nộp nếu phân phối sản phẩm qua các cơ sở kinh doanh thương mại là công ty con, liên kết sẽ lớn hơn. Vai trò của công ty thương mại trong Tập đoàn là rất quan trọng giúp cho nhà sản xuất toàn tâm toàn ý tập trung vào sản xuất.  Mô hình tách rời chức năng sản xuất và phân phối là rất phổ biến trên thế giới nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp phải ngày càng chuyên môn hóa để nâng cao hiệu quả”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 được ban hành vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng khó thực thi và tạo thêm vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất/ nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB trong việc tuân thủ, Điều này là trái với nguyên tắc của văn bản hướng dẫn là giúp cho việc thực thi được dễ dàng hơn.

Việc tăng thuế TTĐB trực tiếp và gián tiếp sẽ làm tăng biên độ lợi nhuận cho hàng nhập lậu từ bên ngoài, dẫn tới việc gia tăng rầm rộ các hoạt động buôn lậu cùng với việc phát triển của thị trường phi thương mại. Hậu quả là nhà nước thất thu thuế và tốn kém chi phí cho công tác phòng chống buôn lậu, người tiêu dùng phải dùng sản phẩm kém chất lượng, gia tăng các hệ lụy của việc lạm dụng đồ uống có cồn.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều nhất trí với quan điểm về việc quá nhiều thay đổi về chính sách thuế và những thay đổi khó dự đoán, không có lộ trình sẽ tác động xấu đến niềm tin của các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Nói cách khác, việc thay đổi đột ngột về giá tính thuế TTĐB này có thể tạo ra sự bất ổn về mặt chính sách, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô  cũng như sự ổn định, tính minh bạch của môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, chính phủ Việt Nam đã ký kết thành công hàng loạt hiệp định thương  mại tự do với ASEAN, EU, đặc biệt là TPP. Theo đó, rất nhiều mặt hàng sẽ được đưa vào lộ trình cắt giảm thuế. Việc áp dụng ngay các quy định trong Nghị định 108 và Thông tư 195 cùng với các tác động tiêu cực đến từ việc tham gia các Hiệp định này sẽ tác động mạnh và ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp FDI đã hoạt động tại Việt Nam cũng như các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.

Hậu quả là nó sẽ gián tiếp tạo thị trường mở rộng cho hàng hóa nhập khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của hàng trong nước, giảm thu hút đầu tư, thúc đẩy việc dịch chuyển đầu tư nước ngoài sang các quốc gia lân cận có điều kiện ưu đãi hơn và dần bóp chết sản xuất trong nước.

Ngành công nghiệp Bia-Rượu-Nước giải khát có quá trình phát triển lâu đời và đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Đây là một ngành có doanh thu và đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn đồng thời tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động.

Đọc thêm