Vòng luẩn quẩn nghèo - uống - nghèo
Ở xã Hòa An, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhiều người biết đến gia cảnh nghèo khó của gia đình anh Phạm Văn Đ. và chị Nguyễn Thị S. cũng như cái chết khi mới ở tuổi 47 của anh Đ. vì rượu. Sau nhiều năm nghiện rượu, tháng 2/2012 anh Phạm Văn Đ. qua đời để lại cho vợ ba đứa con thơ. Theo chị S., chồng chị nghiện rượu đã nhiều năm, chị hết lời khuyên anh giảm uống rượu nhưng không tác dụng mà còn hay bị chồng chửi, đánh. Dần dần chị không phản ứng, chiều theo ý anh để anh không lớn tiếng.
Vậy là ngày nào chồng chị cũng nhậu bí tỉ, mặc cho chị phải bươn chải kiếm tiền nuôi cả gia đình. Trước đây, gia đình có hơn 1 công đất ruộng, đất nền cũng rộng, nhưng vì anh Đ. uống rượu nhiều, một mình chị S. đi phụ quán ăn không đủ tiền lo cho gia đình nên phải bán cả đất ruộng, bán một phần đất nền nhà, chỉ chừa một phần để cất nhà ở, kinh tế gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ.
Thói quen uống rượu từ lâu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong nhiều nghi lễ của hầu hết các gia đình Việt Nam và đáng lo ngại hơn là nét văn hóa đó đã bị lạm dụng quá đà. Thế nên đến bất cứ địa phương nào, gặp các cán bộ Hội Phụ nữ, đều có thể thấy họ bày tỏ điều trăn trở nhất của mình. Đó là những người đàn ông nghiện rượu làm khổ vợ, khổ con, kiệt quệ kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thủy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững ấp Bình Trung, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò cho biết, trong ấp có vài người đàn ông lạm dụng rượu, nhậu nhẹt vài lần trong tuần gây ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, nếu không sớm có giải pháp can ngăn thì gia đình sẽ là nơi hứng hậu quả đầu tiên về bạo lực và đói nghèo.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhiều tỉnh, thành cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo. Trong đó có nguyên nhân người làm trụ cột gia đình chỉ lo rượu chè, quên hết trách nhiệm của mình trong gia đình. Đáng nói là tình hình lạm dụng bia, rượu đang diễn ra phổ biến ở một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
146 cốc rượu và 1 cốc sữa
Trong khi mức tiêu thu rượu bia trên phạm vi toàn cầu suốt cả thập kỷ qua hầu như không thay đổi thì tại Việt Nam, con số này liên tục gia tăng. Theo thống kê, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia và gần 68 triệu lít rượu. Chi phí cho việc uống rượu, bia của người Việt Nam khoảng 3 tỉ USD/năm.
Đây là những thông tin được bà Hoàng Anh - Giám đốc HealthBridge Canada công bố cùng với nghiên cứu ảnh hưởng của rượu bia đến đói nghèo và đặc điểm của các gia đình sử dụng rượu bia thường xuyên tại Việt Nam dựa trên nghiên cứu phân tích số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2010.
Theo đó, có đến 57,72% hộ gia đình Việt thường xuyên dùng rượu bia và coi rượu bia là danh sách chi cho thực phẩm thường xuyên chứ không chỉ trong các dịp lễ, tết. Một thực tế rất đáng lo ngại là ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo, số tiền chi cho rượu bia tương đương 146 cốc bia rượu/năm, trong khi số tiền mua sữa cho trẻ em ở các gia đình này chưa đủ mua 1 cốc sữa tươi/năm.
“Số tiền mua rượu bia của các gia đình này nếu được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống khoảng 122 cốc sữa/năm thay vì chưa đầy 1 cốc/năm như hiện nay” - bà Hoàng Anh cho biết.
Kết quả nghiên cứu “Đánh giá tình hình lạm dụng rượu bia tại Việt Nam” của Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế công bố mới đây cho thấy, bình quân một người đàn ông Việt Nam uống 15,8 lít bia, 3,9 lít rượu một năm.
Trong khi đó 1/5 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam có nguyên nhân từ rượu bia và rượu bia là yếu tố nguy cơ thứ 4 trong 8 yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Không nói cũng rõ, tai nạn giao thông và bệnh tật là nỗi ám ảnh lớn như thế nào với đời sống tinh thần và kinh tế của mỗi gia đình.