Báo cáo rà soát Luật Kế toán năm 2003 của VCCI đã chỉ ra những bất cập “nổi cộm” trong Luật này.
Theo đó, trước thực trạng “thập cẩm” các loại hóa đơn bán hàng như hiện nay, nhóm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 51/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kế toán theo hướng hóa đơn chỉ bao gồm: hóa đơn xuất khẩu (dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu và khu phi thuế quan); hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ); hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa (dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp); và một số loại hóa đơn khác như vé, thẻ ...
|
Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Trước thực trạng không hiếm DN thường có vài báo cáo tài chính khác nhau: báo cáo tài chính công bố công khai, báo cáo tài chính để vay vốn ngân hàng, báo cáo tài chính để “đối phó” với cơ quan thuế..., một giải pháp được đưa ra nhằm tăng cường tính minh bạch của các báo cáo tài chính là sửa Khoản 2 Điều 30 Luật Kế toán về lập báo cáo tài chính và báo cáo tài chính hợp nhất: “Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán; đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên. Công ty mẹ trong nhóm các công ty có quan hệ mẹ-con, công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế phải lập báo cáo tài chính hợp nhất trên cơ sở báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính của các công ty con”.
Các báo cáo tài chính này cũng phải công khai khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc đối tác trong quan hệ thương mại, đầu tư, tránh tình trạng nhiều DN “lẩn” công khai báo cáo tài chính mà chẳng bị ai “sờ” tới.
Rạch ròi chức năng kế toán trưởng và giám đốc tài chính
Đặc biệt, để hạn chế các đối tượng “lách luật” nhằm trục lợi, tại Điều 14 của Luật Kế toán về các hành vi bị nghiêm cấm, nhóm nghiên cứu đề nghị bổ sung: “Nghiêm cấm lập các hệ thống sổ kế toán tài chính khác nhau. Người làm kế toán, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán lợi dụng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sử dụng người làm kế toán hoặc sử dụng dịch vụ kế toán. Cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề kế toán để thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán”.
Một khuyến nghị được những người làm nghề đưa ra là Chính phủ sớm ban hành Nghị định về chứng từ điện tử trong kế toán doanh nghiệp để áp dụng tiến bộ khoa học về công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán, giảm thiểu kế toán kiểu “truyền thống và thủ công” theo quy định hiện hành, để “giám đốc DN không chết ngất vì phải ký mấy trăm tờ hóa đơn mỗi ngày”.
Thêm nữa, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2003 nên quy định rõ chức năng, quyền hạn của kế toán trưởng và giám đốc tài chính. Bởi trên thực tế đã xảy ra trường hợp, giám đốc một DNNN ký hợp đồng tới 1.900 tỷ đồng nhưng kế toán trưởng “không hề hay biết”. Hay như nhiều DN nước ngoài, lập ra “ông” giám đốc tài chính, để rồi chỉ đạo kế toán trưởng làm sai sổ sách, nhằm trốn thuế...
Mai Hoa