Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân đang tích cực, hăng say góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm xây dựng đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất của đất nước một cách hoàn thiện nhất. Sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng đối với quốc gia và đối với mỗi người dân do đó không chỉ các cấp các ngành mà mỗi người đều có quyền và trách nhiệm để tham gia đóng góp. Sửa Hiến pháp là nhằm đảm bảo tốt nhất nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
|
Ngày 28/2/2013, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội) tổ chức Hội nghị “Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Nguồn: TTXVN. |
Quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và mở rộng
Nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo) trước hết ở các quy định về quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và mở rộng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Dự thảo đã có bổ sung nhiều nội dung mới, tiến bộ về quyền con người. Đơn cử Điều 15 Dự thảo quy định về “quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Cùng với đó, Điều 36 khẳng định “công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người nghèo. Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm đời sống cho người có công với nước và gia đình họ” đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc, tạo được sự đồng thuận cao của đông đảo nhân dân khi lấy ý kiến.
So sánh nội dung giữa Hiến pháp hiện hành với Dự thảo về nguyên tắc chủ quyền nhân dân và phương thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, lần sửa đổi này sẽ hiến định để các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện có hiệu lực hơn, thực chất hơn và mang lại hiệu quả hơn.
“Trước đây chúng ta nghĩ các cơ quan nhà nước khác không do nhân dân trực tiếp bầu ra mà Quốc hội bầu ra, nên không trở thành phương thức để thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân. Còn lần này chúng ta khẳng định, dù các cơ quan nhà nước khác không do nhân dân trực tiếp bầu ra mà do người đại diện của nhân dân bầu ra thì cũng là một trong những chủ thể thực hiện quyền lực của nhân dân”, Thứ trưởng Liên nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) cũng cho rằng: “Nhà nước của dân, do dân, vì dân, do đó phải lấy dân là chủ thể. Làm thế nào có cơ chế để dân được bình đẳng thực sự và dân chủ đúng trong điều kiện Nhà nước tạo ra.
Ngay trong thực tế hiện nay cũng không được bình đẳng thực sự như ký hợp đồng điện, mua chung cư, hay như vấn đề đất đai cũng do cán bộ không tốt nên dẫn đến dân không bình đẳng thực sự. Do vậy cần công khai minh bạch thông tin liên quan đến người dân đến mọi người dân. Nhiều khi ngay trong thu hồi đất người dân không hiểu mình có quyền gì, có nghĩa vụ gì”, bà Bùi Thị An lưu ý.
Phải kiểm soát để tránh lạm quyền
Về Điều 2 Dự thảo đã bổ sung yếu tố “kiểm soát” quyền lực nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên phân tích: Điều 2 thừa nhận Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nên tất yếu phải đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực. Ngoài ra, có quyền lực là có nguy cơ lạm quyền, lộng quyền và tha hóa quyền lực, không thể nói quyền lực khi đã trao cho ai đó sẽ bảo đảm thực hiện thông qua lòng tốt của họ mà phải có cơ chế kiểm soát. Không những thế, người dân đã giao quyền lực thì phải có cơ chế kiểm soát để bảo đảm quyền lực trong tay nhân dân và vì lợi ích của nhân dân.
Tuy nhiên, không chỉ bổ sung yếu tố kiểm soát trong Điều 2 mà Dự thảo còn quy định cơ chế hiến định để bảo đảm điều đó. Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên thì đó là 3 yếu tố: Thứ nhất, kiểm soát phải thông qua nhân dân, nhân dân kiểm soát bằng hệ thống quyền dân chủ trực tiếp và hệ thống các cơ quan, tổ chức xã hội do mình lập ra hoạt động vì lợi ích của mình.
Yếu tố thứ hai, giữa các nhánh quyền lực phải có mối quan hệ thế nào để bảo đảm quyền lực được thực hiện hài hòa. Việc phân định thế nào là lập pháp, hành pháp, tư pháp và quyền của từng cơ quan cũng là một yếu tố để nhân dân giám sát. Thứ ba, thiết lập một số thiết chế hiến định độc lập chuyên trách kiểm soát như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp...
Tạo cơ chế vững chắc để “dân giàu, nước mạnh”
Người dân là gốc, người dân phải giàu thì nước mới mạnh. Trên tinh thần đó, Dự thảo đã có nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tốt nhất nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nếu như ở Hiến pháp năm 1992, thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì trong Dự thảo lần này, Điều 54 đã nêu rõ, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Đông đảo nhân dân đều bày tỏ sự phấn khởi và đồng thuận về quy định các thành phần kinh tế “bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” dưới “mái nhà chung” của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà không phân biệt thành phần kinh tế nhà nước hay tư nhân. Người dân hy vọng quy định tại Điều 54 Dự thảo này sẽ “khai tử” vĩnh viễn “hội chứng” Vinashin, Vinalines...
Theo đại biểu Lê Như Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) thì đây là điểm mới, điểm tiến bộ của Dự thảo. Qua đó đã khẳng định, các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau và đều là thành phần cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; không xác định thành phần kinh tế nào là chủ đạo và là nền tảng của kinh tế quốc dân.
Quy định như Điều 54 trong Dự thảo là bám sát nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (sửa đổi bổ sung năm 2011). Còn tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế sẽ được xác định trong luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước.
Tuy Dự thảo không quy định rõ thành phần kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, kinh tế nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo là một lẽ tất yếu. Vai trò chủ đạo ở đây thể hiện ở trong những trường hợp cần thiết, kinh tế nhà nước sẽ có trách nhiệm điều tiết để “cứu” nền kinh tế, để đảm bảo chính sách an sinh xã hội, bình ổn giá, ổn định đời sống kinh tế...
Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả Cách mạng to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm 11 chương, 124 điều. So với bản Hiến pháp năm 1992, Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến nhân dân giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Dự kiến, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2013. |
Hạnh Nguyên