Sức khỏe bị đánh đổi từ những ly rượu kém chất lượng

Rượu là loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Sử dụng rượu quá nhiều để lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe mỗi người và càng nặng nề hơn nếu uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng. Tuy vậy, bất chấp hậu quả, một số người kinh doanh thiếu lương tâm hàng ngày vẫn chế biến những loại rượu bẩn, rượu độc cung cấp ra thị trường.

Rượu là loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Sử dụng rượu quá nhiều để lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe mỗi người và càng nặng nề hơn nếu uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng. Tuy vậy, bất chấp hậu quả, một số người kinh doanh thiếu lương tâm hàng ngày vẫn chế biến những loại rượu bẩn, rượu độc cung cấp ra thị trường.

Công nghệ sản xuất rượu siêu nhanh, siêu lợi nhuận

15 giờ ngày 21-9-2010, Đội quản lý thị trường số 6 (Chi cục quản lý thị trường Hải Phòng) và Cảnh sát kinh tế quận Lê Chân bất ngờ kiểm tra nhà số 23/130 Lam Sơn, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, bắt quả tang chủ nhà cùng một số lao động đang sản xuất và đóng chai các loại rượu ngâm ba kích, chuối hột giả. Qua kiểm tra chủ cơ sở là Lê Văn Hùng nguyên quán ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa; cơ sở không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận điều kiện sản xuất, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 450 chai rượu loại 30ml đóng thành phẩm, 4 thùng phuy nhựa, 320 lít rượu ngâm các loại cùng nhiều chai lọ và toàn bộ phương tiện sản xuất. “Công nghệ” sản xuất rượu của cơ sở này là: rượu chuối hột, ba kích được tạo màu, mùi vị bằng kẹo đắng và chuối xanh cùng một số phụ liệu khác. Điều đáng nói là cơ sở sản xuất này tồn tại trên địa bàn quận Lê Chân hơn 5 năm với lượng rượu giả rất lớn trược tung ra thị trường. Đây chỉ là một trong nhiều vụ sản xuất rượu giả, rượu kém chất lượng xảy ra trên địa bàn Hải Phòng trong nhiều năm qua.

Các loại rượu mang nhãn mác ngâm chuối hốt, ba kích được ông chủ Lê Văn Hùng “sản xuất” theo công nghệ thô sơ và mất vệ sinh.

Các loại rượu mang nhãn mác ngâm chuối hốt, ba kích được ông chủ Lê Văn Hùng “sản xuất” theo công nghệ thô sơ và mất vệ sinh.

Trong số các loại sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày, rượu là một trong những mặt hàng dễ nhập nhèm thật giả nhất. Vì lợi nhuận cao và tạo thành phẩm rượu gần như “tức thì”, nên một số kẻ vô lương tâm dùng cồn công nghiệp thường có xuất xứ từ Trung Quốc để sản xuất rượu theo kiểu “mỳ ăn liền”. Trên thị trường hiện nay có hai loại cồn công nghiệp Methanol 90- 95%, gồm có cồn cô đặc dạng viên nén và cồn lỏng. Đối với cồn lỏng, người sản xuất chỉ cần mua 25 lít cồn nước (loại cồn thơm, giá khoảng 6.000 đồng/lít) rồi về pha với 75 lít nước sẽ cho ra ngay 100 lít rượu. Sau đó, họ đến các cửa hàng bán hóa chất mua 2 chai tinh nếp loại 100 ml do Trung Quốc sản xuất (giá 15.000 đồng/chai) pha vào, tức khắc sẽ có mùi rượu nếp. Còn cồn cô đặc dạng viên nén “hoạt động” giống như viên C sủi, vì chỉ cần cho một viên vào can nước loại 20 lít khoảng vài phút sau đã có ngay 20 lít rượu “cuốc lủi”. Bên cạnh việc dùng cồn, nhiều người dùng các loại men làm sẵn được gói trong các túi nilon nhỏ toàn chữ Trung Quốc để làm ra rượu. Loại men này giá rất rẻ, lên men rất nhanh lại có tác dụng làm cho nồng độ rượu cao hơn nhiều so với các loại men truyền thống.

Rượu độc – nguy cơ gây bệnh hiểm nghèo nhiều người

Nhu cầu sử dụng rượu của người dân hiện nay rất lớn. Từ quán nhậu nơi bình dân tới nơi sang trọng, dễ dàng gặp những “đệ tử Lưu Linh” cùng hàng chục loại rượu. Đáp ứng nhu cầu này, ngoài những công ty sản xuất rượu trong và ngoài nước, một bộ phận người dân vẫn sử dụng rượu nấu, ngâm các loại. Quy trình nấu rượu gạo truyền thống gồm có gạo nấu thành cơm, sau đó ủ khoảng 10 ngày cho lên men rồi mới trưng cất thành rượu. Nếu sản xuất theo đúng quy trình này thì thời gian làm ra một mẻ rượu rất lâu, chi phí lớn. Trước những yếu tố như lợi nhuận cao, thời gian sản xuất nhanh, nhiều gia đình vốn sản xuất rượu sạch đã chuyển hướng sang kinh doanh rượu bẩn. Trước đây, trên địa bàn thành phố có 2 xã là Tú Sơn và Ngũ Đoan của huyện Kiến Thụy nổi tiếng với nghề nấu rượu truyền thống. Ngày nay, vì lợi nhuận, không ít người của hai xã này đi theo con đường sản xuất rượu “siêu nhanh” làm mất dần uy tín của làng nghề.

Chất phụ gia tạo màu cho hàng trăm chai rượu là lọ nước hàng kẹo đắng.

Chất phụ gia tạo màu cho hàng trăm chai rượu là lọ nước hàng kẹo đắng.

Hàng ngày, trong quá trình sử dụng rượu kém chất lượng được sản xuất theo quy trình siêu nhanh nêu trên, nhiều người bị ngộ độc rượu nhưng không hề biết. Sau khi uống phải “rượu bẩn”, người uống có biểu hiện giống say rượu bình thường như nôn, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu và  không ai nghĩ đến việc ngộ độc rượu. Chỉ đến khi có biểu hiện nặng, làm tổn thương đến các bộ phận của cơ thể như suy thận, mắt mờ mới biết bị ngộ độc rượu. Khi đó đã quá muộn, việc cấp cứu điều trị hết sức khó khăn. Sử dụng rượu nhiều, đặc biệt là các loại rượu kém chất lượng để lại hậu quả gây nhức đầu nhiễm độc não, khiến khả năng nhận thức, ghi nhớ của não bị giảm sút nhanh chóng, dễ mắc bệnh liệt dương, giảm thị lực, nhiễm độc gan…nguy hại hơn là mầm mống gây bệnh hiểm nghèo cho con người.

Thị trường rượu hiện chưa được kiểm soát. Trong tình hình rượu giả, rượu độc tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng hãy sử dụng rượu ở mức độ hạn chế đồng thời mua rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng thành phố như quản lý thị trường, công an, y tế cần tăng cường các biện pháp kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu, chất lượng các loại rượu lưu thông trên thị trường, nhằm hạn chế tình trạng sức khỏe hàng nghìn người đang hàng ngày, hàng giờ bị hủy hoại bởi những ly rượu độc./.

 Việt Hòa

Đọc thêm