Trước và trong lúc trận đấu sắp sửa diễn ra, bên ngoài lẫn bên trong sân vận động, một chiến dịch quậy phá được tiến hành rầm rộ, ầm ĩ. Hàng chục người bị thương, nhiều công trình bị đập phá, đường phố hỗn loạn đến kinh hoàng. Cuộc chạm trán trên sân cỏ giữa đội tuyển Serbia và đội tuyển Ý trong khuôn khổ vòng loại EURO bị hủy bỏ tức thời do phản ứng manh động của cổ động viên Serbia. Liên đoàn Bóng đá châu Âu đang xem xét khả năng chẳng những không tổ chức đấu lại mà còn xử thua đội Serbia, thậm chí không loại trừ nguy cơ bóng đá Serbia bị cấm thi đấu trong một thời gian…
Pháo sáng cổ động viên ném xuống sân, khiến trận đấu giữa đội tuyển Ý và Serbia trong khuôn khổ vòng loại EURO bị hủy bỏ. (Ảnh tư liệu) |
Nhưng từ thảm cảnh bóng đá do cổ động viên gây ra, có thể các nhà quản lý bóng đá Serbia phải giật mình nghĩ lại sứ mạng lèo lái con thuyền bóng đá xứ sở. Đụng đến quyền lợi của số đông người hâm mộ - ở đây quyền lợi ấy là được yêu mến, tự hào về truyền thống, phong cách, thành tích cùng các giá trị màu cờ sắc áo - là việc làm nhạy cảm luôn hàm chứa nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vẫn còn thường xuyên gánh chịu hậu quả của nạn hooligan cùng nhiều hành vi quá khích, thiếu kiềm chế từ các khán đài thể thao.
Đó là một thực tế mà bóng đá thời đại ngày nay phải đương đầu nhưng hầu như chưa tìm được lối ra. Ủy ban Kỷ luật của giải bóng đá chuyên nghiệp Pháp vừa có một quyết định khá mạnh tay nhằm loại trừ ngay từ đầu mầm mống xung đột có nguy cơ thêm một lần nữa xảy ra giữa cổ động viên hai câu lạc bộ Olympic Marseille và Paris Saint Germain: Không cho khán giả đội khách có mặt trên khán đài sân vận động đối phương trong hai trận đấu giữa hai câu lạc bộ này ở vòng đấu thứ 12 ngày 7-11 và vòng đấu thứ 28 ngày 20-3-2011.
Quyết định này gặp phải sự phản đối quyết liệt của lãnh đạo lẫn cổ động viên cả hai câu lạc bộ. Họ cho rằng làm như vậy là tước mất quyền lợi căn bản của các đội bóng vốn xem cổ động viên như một nguồn sức mạnh tinh thần trong những trận cầu sinh tử. Câu lạc bộ Olympic Marseille còn dọa sẽ tẩy chay trận đấu giữa họ và đối phương trên sân Công viên Các Hoàng tử sắp tới trong lúc cổ động viên của họ thì chuẩn bị hồ sơ khiếu nại lên cơ quan chức năng của chính quyền…
“Tom Hicks và George Gillett hãy xéo đi, không có chỗ cho các người ở đây!”, khẩu hiệu này hoặc có nội dung tương tự như thế xuất hiện nhan nhản ở thành phố Liverpool từ lâu lắm rồi. Hicks và Gillett là hai chủ sở hữu câu lạc bộ Liverpool dày truyền thống của nước Anh. Biểu đồ thành tích ngày càng đi xuống của câu lạc bộ, xu hướng kinh doanh nhiều hơn tập trung phát triển bóng đá của hai ông chủ đã chọc tức các cổ động viên trung thành của đội bóng này, những người vẫn hát vang lời động viên nhiệt thành “Bạn không bao giờ là kẻ độc hành” mỗi lần Liverpool xung trận. Làn sóng phản đối ngày càng dâng cao đã khiến Hicks và Gillett phải buông tay và đường phố Liverpool những ngày này lại sống trong niềm háo hức khi chứng kiến đội bóng con cưng của mình thoát khỏi “ngục tù” và được trao về tay chủ mới có tín hiệu vì thể thao, vì tương lai của câu lạc bộ…
Sức mạnh từ khán đài quả vô bờ và khó lường. Từ các đường phố ở Serbia đến Liverpool ở Anh, Marseille, Paris ở Pháp, những bài học dành cho bóng đá không bao giờ cũ.
TƯỜNG PHƯỚC