Sướng chưa mèo ơi!

Tôi gí đầu dây điện vào lỗ mũi con mèo. Cái mũi như cục cao su giật liên hồi, sống lưng vồng lên, tứ chi co rút, căng ra, tự xé xác bởi bốn cái đinh đóng câu rút trên tấm gỗ lim to bằng cái thớt.
 
- Hôm nay thì mày phải đền tội.

Tôi gí đầu dây điện vào lỗ mũi con mèo. Cái mũi như cục cao su giật liên hồi, sống lưng vồng lên, tứ chi co rút, căng ra, tự xé xác bởi bốn cái đinh đóng câu rút trên tấm gỗ lim to bằng cái thớt.

- Nhớ ai đây không? - Tôi chỉ vào vết sẹo như dòng nhạc kẻ trên mặt mình.

Tối hôm ấy nó lịch kịch trong bếp, hẳn là định vét sạch âu mỡ như lần trước. Tôi khép cửa toan bắt sống, thì… phốc một cái, nó đạp vào mặt tôi, phóng vút đi. Vuốt má không thấy gì, ngồi vào mâm cơm vợ con hét toáng lên: “Máu! Máu!”. Sờ mặt, bàn tay đỏ như nhúng vào thuốc nhuộm. Về sau cứ thấy nó trên mái nhà là tôi trừng mắt dọa, nó không chạy, ngoái lại thôi miên tôi. Tròng mắt xanh lè phóng ra luồng điện sinh học áp đảo kẻ thù. Người ta kể có lẽ thật, người chết chưa kịp vuốt mắt, chỉ cần con mèo đen nhảy qua, thân ma có thể bật dậy. Thi thôi miên với mèo thì thua là cái chắc. Lần nào tôi cũng chớp mắt trước. Ức quá quẳng ngay cho nó cái chổi. Hôm nay tình yêu làm hắn sơ hở. Mải làm tình trên mái nhà, đuôi thõng xuống. Tôi túm lấy giật mạnh, quay liền mấy vòng đầu đập đôm đốp vào tường rồi mới căng ra xét hỏi.

Tôi đè gáy hắn xuống, cái mặt tròn vo buộc phải ngẩng lên, cằm tì trên thớt.

- Mở mắt ra, mở ra! Giỏi thôi miên nữa đi!

Bao nhiêu đêm nó phá giấc ngủ. Mái ngói, sân thượng thiếu gì, cứ nhè mái tôn nhà tôi. Sau cái gừ ngắn là hai tiếng phì phì rồi lăn xả vào nhau cắn xé. Mái tôn bung lên doành doành, rồi tiếng ré nhoằng nhoằng trên mái nhà như sét đánh. Một hai giờ đêm, lựa lúc mình ngon giấc nó mới hành động, cứ thế đến sáng không tài nào chợp mắt.

- Sướng chưa con, sướng chưa? Sư… ướng!
Mỗi lần hô “sư…ướng!” tay tôi lại gí điện. Con vật giật bắn, giẫy giụa, toàn thân run lên bần bật.
- Thôi tha cho nó. - Người hàng xóm lặng lẽ đứng sau tôi từ lúc nào, cầu xin.
Cái cười nửa miệng của ông khiến tôi hơi ngượng, càng tỏ ra say máu và thô bạo hơn.
- Thà anh cứ cho nó một nhát dao… - Ông hàng xóm xót xa.
Tôi quệt mồ hôi, thở.
- Làm điếu đã.

Ông chìa bao thuốc moi sẵn mấy điếu. Khói thuốc khiến tôi bình tâm. “Phúc tổ cho mày”, tôi làu bàu. Thằng nhỏ nhà tôi khiếp vía nép vào góc nhà giờ mới thò đầu ra.

- Đi đi! Chuyện người lớn. - Tôi xua.
- Phải, - ông hàng xóm đồng tình - không nên để trẻ con chứng kiến cái cảnh này.
Thằng bé nhìn con mèo.
- Bố! Hình như mèo nhà mình!

Đã lâu, bà nhà tôi rước về một con mèo bằng nắm tay, nó kêu suốt đêm y như trẻ con khóc. Nó rúc vào chăn rên hừ hừ, lông bám đầy mồm đầy mũi tôi, làm ho mấy tuần liền. Nó phóng uế nhây nhớt, chua loét, cào bung cả đệm. Tôi nện cho một trận, nó bỏ đi biệt tăm. Đây là mèo hoang, mướp cả, con nào chả vậy. Mà mèo nhà mình thì cũng phải xử. Ông hàng xóm nhìn tôi tra tấn thì thương, nhưng lại muốn làm thịt. Tôi tuyên bố hành hình xong đem chôn, ông giẫy nảy:

- Chết thật, phải xem lại vốn văn hóa ẩm thực của anh. Con mướp đến ba ký rưỡi thế này mà định vứt đi thì…

Lần đầu tiên tôi được xem làm mèo. Ông túm đuôi nhấc ngược con mèo, nhúng đầu vào xoong nước gần sôi vừa bắc ra, rồi từ từ cho ngấm ướt toàn thân. Mang ra ngoài, tay trái ông cầm đuôi xoay lật con mèo, tay phải dùng chiếc đũa cả bằng tre gạt xước ngược lông con vật, đũa ông đi đến đâu, nước sôi tôi rưới đến đó. Ông bảo nước nóng quá cũng không được, lông mèo sẽ chắc lại. Loáng cái, con mèo sạch lông trắng sáng hơn sứ Trung Hoa. Ông ngẩng lên:

- Thui bằng gì bây giờ đây?
- Rơm.
- Cũng được, nhưng chưa thể gọi là sành điệu. Nhà có cái chổi xuể nào hy sinh đem ra đây.

Than chổi xuể rực hồng bắn ra tiếng nổ lách tách cùng tro trắng như phấn áp gần sát da mèo, quạt liên tục. Thịt mèo nở nhưng thơm ngon, chắc thịt hơn nhiều. Thằng nhỏ nhà tôi sợ không ăn, dại.

Được vài miếng, ông bạn đặt ly rượu đế xuống, hốt hoảng:

- Ơ… Bộ lòng anh vứt của tôi đâu rồi?
- Chôn chứ còn gì nữa. Tốt nhất là phi tang, vợ tôi mà biết là rách việc lắm.
- Ông giết tôi rồi! Dồi trường (dạ con) gọi nó bằng cụ.

Ai biết, ruột mèo dai đến nỗi chuyên dùng làm dây néo đập lúa, dây ná, dây nỏ, dây khoan thuyền và cát gút (chỉ phẫu thuật) mà luộc lên lại ngon, giòn hơn cả dồi trường. Uổng quá!

- Nghe nói ở biên giới mấy chục ngàn một con mèo phải không ông? - Tôi hỏi.
- Mấy chục ngàn một ký hơi bói không ra. Cả con ấy à? Đừng sờ!
- Thái Bình nhà nào nuôi được con mèo thưởng những bảy mươi ngàn đồng?
- Hình như thế.

Miệng thì nhai thịt mèo, mồm chúng tôi phán lợi ích của nó: Nào là giống vật làm cảnh tuyệt vời, nào tính trung bình một con mèo bắt được bao nhiêu chuột một ngày, phân loại mèo, hội chợ mèo… Trong Đại chiến II quân đội Anh huấn luyện những đội biệt động mèo, chúng luồn qua cống rãnh, vọt lên mái nhà, chui vào cửa sổ đưa mật thư. Từ xa, chúng đã đánh hơi thấy mùi quân Đức, chó thua. “Hay, hay!”. - Tôi vỗ đùi khoái trá. Câu chuyện xoay sang mèo đen, cao tiểu hổ trị thấp khớp…

Thằng nhỏ tự nhiên hỏi:

- Bố ơi, con phải làm bài văn “Tả con mèo nhà em”.
Ông bạn tôi chậc lưỡi hất hàm:
- Thì cứ thấy thế nào tả thế (!).
- Ấy chết! - Tôi buột miệng rồi nhanh trí “gà” ngay cho một đoạn:

“Nhà em có một con mèo… mướp. Lông nó mịn như nhung. Mỗi khi em đi học về, nó sà vào lòng như người bạn tâm tình. Em ôm nó vuốt ve và cảm thấy hơi ấm truyền sang mình. Em yêu mèo vì…”.

Từ bữa con mướp bị hành hình, cấm con mèo nào dám bén mảng. Được mấy đêm yên giấc thì lại đến nạn chuột. Chuột lúc nhúc, chuột đầy nhà, cắn nát quần áo, mùng mền, gối đệm, đục thủng vách, khoét tủ búp-phê giữa ban ngày. Chập tối nằm xem ti- vi trên giường mà bị nó cắn chảy máu chân. Có con chỉ bằng cái hạt mít, leo thoăn thoắt trên dây phơi khăn mặt. Đặt bẫy không ăn thua. Đánh bả thì chúng chết chui lủi trong xó xỉnh, thối hơn cóc chết. Có keo dính chuột nhưng không thấy chuột dính, chỉ dính người. Ông bạn hàng xóm sang chơi thấy chuột nhặt cơm giữa nền nhà, xua không thèm chạy, ngang nhiên như nhà của chúng.

- Nhà anh nuôi chuột đấy à? - Ông hỏi.
- Đâu có. Cho nó ít cơm nguội kẻo chúng đói đục khoét lung tung, đêm nó làm loạn không ngủ được.
- Anh lầm, giờ tý là giờ của chúng. Mà đã là loài gặm nhấm thì phải gặm phải nhấm, răng mọc dài ra hàng ngày, buộc phải tìm cách mài đi. Dây điện nó cũng chẳng từ.

Ông bàn đến thịt chuột: Những con vật càng giàu đạm chết càng thối. Bột cóc là thuốc trị suy dinh dưỡng trẻ em. Chuột thua gì cóc, thịt ăn lại ngon. Quê ông cỗ cưới dù mổ trâu mổ bò mà trên mâm thiếu đĩa thịt chuột thì không thể gọi là cỗ to. Con gì cũng có sinh có tử, nhưng con người đụng đến loài gì là loài ấy tuyệt chủng. Từ con cua, con ốc đến rắn, rùa, ba ba… Tiêu diệt chuột tốt nhất là ăn luôn nó. Cái miệng con người gớm thật. Dạ dày là mồ chôn xác súc vật kia mà.

Ông trổ tài thịt chuột. Đơn giản hơn mèo nhiều. Luộc, ướp lá chanh, ép. Thịt chuột thơm ngọt, khi ăn không bị ám ảnh mặc cảm như ăn thịt mèo. Song dù ngon mấy ăn mãi cũng chán, hơn nữa đâu phải loại chuột nào cũng ăn được. Một hôm bắt gặp tôi ngồi tư lự trên sa-lông, ông cười:

- Đã tìm ra phương án tối ưu chưa?
- Tôi vừa đọc một tài liệu nói rằng có thể gây bệnh thương hàn cho chuột chết hàng loạt.
- Liệu nó có lây sang người không? – Ông lại cười nhìn tôi. – Tốt nhất, theo tôi là anh vẫn cứ phải nuôi lấy một con mèo. Chọn được con như con mướp hôm nọ thì yên tâm. Anh đã thấy nó quất đuôi trên mái tôn chưa? Đấy, những con mèo như thế là hay chuột phải biết.
Truyện ngắn Chu Bá Nam 

Đọc thêm