'Suýt chết' sau khi tiêm thuốc tê làm răng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi tiêm thuốc tê để làm răng, người đàn ông 62 tuổi bất ngờ xuất hiện tình trạng tê bì tay chân, khó thở, tức ngực...
Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa

Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) mới tiếp nhận một bệnh nhân (62 tuổi) nhập viện trong tình trạng tê bì tay chân, tức ngực, khó thở...

Gia đình bệnh nhân cho biết, trước đó khoảng 2 giờ, bệnh nhân D đau răng và đến khám tại một phòng khám răng hàm mặt tư nhân trên địa bàn. Bệnh nhân được tiêm thuốc tê để chữa răng. Sau khi tiêm, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tê bì tay chân, khó thở, tức ngực... được bác sỹ của phòng khám cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ và chuyển đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định đây là ca ngộ độc thuốc tê toàn thân, nên đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ xử trí ngộ độc thuốc tê. Sau khoảng 3 giờ, bệnh nhân đã ổn định, chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp tục điều trị. Ngày 30/10, bệnh nhân đã khỏi và được ra viện.

Bác sĩ Đỗ Ngọc Lâm - Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức cho biết, trường hợp ngộ độc thuốc tê này rất dễ nhầm với trường hợp sốc phản vệ thuốc do có các biểu hiện lâm sàng ban đầu tương đối giống nhau.

"Ngộ độc thuốc tê là một tai biến trong gây tê. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây tử vong. Nguyên nhân có thể do quá liều thuốc tê, tiêm thuốc tê vào mạch máu, dùng liều lặp lại khi chưa cân bằng được quá trình hấp thu, thải trừ của thuốc. Biểu hiện lâm sàng có nhiều mức độ như chóng mặt, tê môi, choáng váng, kích động, lơ mơ, co giật, trụy tim mạch. Tất cả các thuốc tê đều có khả năng gây ngộ độc biểu hiện trên tim mạch và thần kinh khác nhau. Bất kỳ bệnh nhân nào cũng có nguy cơ bị ngộ độc thuốc tê nếu không tuân thủ liều lượng, kỹ thuật tiêm thuốc, thời gian dùng thuốc và giảm liều trên những cơ địa dễ bị ngộ độc thuốc tê như người cao tuổi, suy kiệt, suy gan thận", bác sĩ Lâm thông tin.

Cũng theo bác sĩ, phản vệ thuốc tê là phản ứng có hại nhưng hiếm khi xảy ra trừ những cơ địa dị ứng. Khi cần phải dùng thuốc tê, bác sĩ phải khai thác kỹ tiền sử gây tê phẫu thuật trước đó và làm các test dị ứng nếu có nghi ngờ. Biểu hiện phản vệ thuốc tê có nhiều mức độ như nổi mẩn ngứa, mề đay, phù Quincke, nặng có thể sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp.

Khi cần thiết phải sử dụng thuốc tê, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng của mình. Người dân cũng nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín có đầy đủ nhân lực, trang thiết bị thuốc cấp cứu phù hợp khi quyết định thực hiện bất cứ can thiệp sức khoẻ nào.

Đọc thêm