“Suýt hóc vỏ kẹo” vì uống Pepsi

Cháu anh T. bật một chai trong lô Pepsi anh mới mua, ngửa cổ lên tu, bị sặc và suýt bị hóc, vì mảnh vỏ kẹo trong nước chặn lên họng. Anh N.A.T quan sát một số chai Pepsi còn lại thì phát hiện một chai có vật thể lạ nghi là vỏ kẹo.

Ngày 4/10/2011, bạn đọc Báo Pháp luật Việt Nam là anh N.A.T chuyển cho chúng tôi chai nước giải khát có ga, vỏ chai là thủy tinh 300ml nhãn hiệu Pepsi có mã số sản xuất NSX 311010Y2036B – HD 311011, bên trong chai có chứa một vật lạ.

Vật lạ trong chai Pepsi là vỏ kẹo

Trước đó, N.A.T cho biết, khi mua lô hàng về giải khát, cháu anh bật một chai rồi ngửa cổ lên tu và bị sặc và suýt bị hóc, vì có mảnh vỏ kẹo trong nước giải khát chận lên họng. Trước hiện tượng này, anh N.A.T quan sát một số chai Pepsi còn lại thì phát hiện một chai có mã số nói trên có vật thể lạ nghi là vỏ kẹo. Theo đó, anh N.A.T đề nghị chúng tôi xác minh và phản ánh tới nhà sản xuất, mong những sản phẩm sản xuất ra đảm bảo chất lượng, để bảo vệ người tiêu dùng.

sgdgf
Vật lạ trong chai Pepsi mắt thường cũng nhìn thấy

Ngay sau đó, sản phẩm chai Pepsi chứa vật lạ trên được chúng tôi chuyển đến Chi nhánh công ty Pepsico Việt Nam tại Hà Nội.

Ông Hoàng Cao Nam và bà Tiêu Thị Minh Phúc đại diện cho Chi nhánh công ty Pepsico tại Hà Nội đã làm biên bản tiếp nhận sản phẩm. Quan sát bằng mắt thường đối với chai Pepsi chứa vật lạ, ông Nam và bà Phúc đều nhận định: “Vỏ và nắp là loại công ty đang sản xuất và lưu thông trên thị trường”.

Nhìn qua mã số sản phẩm, bà Phúc khẳng định: “Chai Pepsi này được sản xuất tại Nhà máy liên hiệp thực phẩm Đông Nam Á đóng tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên”. Ông Nam cho biết thêm, Chi nhánh này thuộc Công ty Pepsico Việt Nam là thành viên 100% vốn của Công ty Pepsi Toàn cầu có trụ sở chính tại Mỹ.

cbhddddd
Chỉ tiêu hàm lượng ga CO2 trong chai Pepsi này thấp hơn so với tiêu chuẩn.

Ngày 2/11/2011, ông Ngô Quang Hiệp (Phó Giám đốc điều hành Công ty Pepsico Việt Nam) ký văn bản trả lời, có nội dung khẳng định: “Chai thủy tinh 300ml nhãn hiệu Pepsi có mã số sản xuất NSX 311010Y22036B – HD 311011 bên trong chai có một vật lạ, kết quả phân tích sản phẩm được phản ánh: Vật lạ là vỏ kẹo trong. Chỉ tiêu hàm lượng ga CO2 thấp so với tiêu chuẩn của Công ty; CO2 là một chỉ tiêu rất quan trọng giúp xác minh tính nguyên vẹn của sản phẩm”.

Nhà sản xuất nói gì về quy trình đóng chai?

Ông Ngô Quang Hiệp cho biết: “Chúng tôi (tức Công ty Pepsico Việt Nam) cũng đã rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất cũng như những thông tin sản suất của lô sản phẩm này, nhưng không phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào đối với lô sản phẩm này (tức lô sản phẩm có chai Pepsi chứa vỏ kẹo). Bên cạnh đó, cho đến thời điểm này, sau thời gian gần một năm kể từ ngày sản xuất, chúng tôi cũng chưa nhận thêm phản ánh tương tự nào khác từ thị trường”.

fhh
Ông Hoàng Cao Nam và bà Tiêu Thị Minh Phúc đều thừa nhận: Chai Pepsi có chứa vỏ kẹo: “Coi đây là lỗi sản xuất”.

Giải trình về quy trình sản xuất nước giải khát có ga nhãn hiệu Pepsi tại Nhà máy liên hiệp thực phẩm Đông Nam Á, ông Hoàng Cao Nam và bà Tiêu Thị Minh Phúc đều thừa nhận: “Coi đây là lỗi sản xuất”. Tuy nhiên, bà Phúc cho biết, nhà phân phối thu vỏ chai Pepsi từ các điểm bán lẻ nhập về Nhà máy. Sau đó, vỏ qua công đoạn rửa và được phân thành các bước.

Bước đầu, công nhân quan sát bằng mắt thường loại ra những chai quá bẩn, xước hoặc sứt mẽ, rồi đưa qua công đoạn dùng hóa chất tẩy rửa bằng máy. Kết thúc bước này, vỏ chai được chuyển sang công đoạn máy phun nước tráng trực tiếp, quá trình tráng rửa này có công nhân kỹ thuật kiểm soát, soi chai, đảm bảo vỏ chai đó là sạch.

Cũng theo bà Phúc, sau khi làm sạch vỏ chai tiếp tục qua công đoạn soi chai bằng máy; vỏ chai nghi ngờ chưa đạt chuẩn sẽ bị máy quyét ra ngoài. Tiếp đến là đến công đoạn chiết nước giải khát có ga vào chai và đóng nắp. Đóng nắp xong, chai được vận chuyển bằng dây chuyền đến vị trí có cán bộ kiểm định, sau đó đóng két. Cuối cùng, sản phẩm được bộ phận maketing bán hàng ra thị trường qua hệ thống phân phối.

Như vậy, quy trình sản xuất nước giải khát có ga của Nhà máy liên hiệp thực phẩm Đông Nam Á là rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đối với sản phẩm chai Pepsi có dị vật là vỏ kẹo nêu trên mà ông Nam và bà Phúc thừa nhận “đó chỉ là sản phẩm cá biệt”.

Trước hiện tượng trên, ông Ngô Quang Hiệp cho biết, để đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng: “Công ty luôn nỗ lực sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt cho tất cả quý khách hàng và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng từ quý khách để sản phẩm ngày càng hoàn thiện”.

Dù vậy, lúc chúng tôi đang hoàn thiện bài viết này, bạn đọc Báo Pháp luật Việt Nam lại tiếp tục được cung cấp thêm sản phẩm nước giải khát có ga khác cũng do Nhà máy liên hiệp thực phẩm Đông Nam Á có dị vật nghi là “miếng xốp phao câu” của dân thuyền chài có trong chai Sting dâu. Nhận được kết quả kiểm định, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh sự việc đến bạn đọc.

Đối tượng phải được phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm

1.    Thực phẩm có tỷ lệ gây ngộ độc cao.
2.    Thực phẩm có kết quả lấy mẫu để giám sát cho thấy tỷ lệ vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm ở mức cao.
3.    Môi tường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị nghi ngờ gây ô nhiễm.
4.     Thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân tích nguy cơ theo yêu cầu quản lý.

(Trích Điều 49 Luật an toàn thực phẩm

Trọng Hùng

Đọc thêm