Các nhà lãnh đạo từ các nước trong nhóm G-20 đã gặp nhau tại Nga trong bối cảnh đang có những sự khác biệt lớn về hành động quân sự đối với chính quyền Syria.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra St.Petersburg, Nga. Ảnh: Internet |
Theo thông tin từ phía Nga, vấn đề Syria không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của G-20, vốn là diễn đàn để các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới bàn thảo về tăng trưởng, thương mại, minh bạch trong lĩnh vực ngân hàng và trốn thuế. Do đó, các nhà lãnh đạo của nhóm nhiều khả năng sẽ thảo luận về vấn đề này trong các cuộc gặp bên lề của hội nghị thượng đỉnh.
Trước các cuộc đàm phán, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo một hành động không được Liên hợp quốc (LHQ) phê chuẩn sẽ trở thành một “cuộc xâm lược”. Trong khi đó, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ông Obama đã nhận được sự ủng hộ lớn với việc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn hành động vũ lực ở Syria. Bản dự thảo Nghị quyết, dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở toàn thể Thượng viện Mỹ trong tuần tới, cho phép sử dụng vũ lực tại Syria trong vòng 60 ngày và có thể gia hạn thêm 30 ngày.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20, theo nhận định của phóng viên BBC, cả 2 nhà lãnh đạo đều đã có những đồng minh riêng. Vì vậy, cuộc tranh giành thực sự sẽ nhằm vào những nước còn đang phân vân – những nước cùng có quan ngại về vấn đề vũ khí hóa học nhưng lại lo sợ hậu quả của việc sử dụng quân sự.
Trung Quốc ngày 5/9 đã bày tỏ rõ sự ủng hộ đối với Nga, với việc lên tiếng cảnh báo việc can thiệp quân sự tại Syria sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế thế giới và đẩy giá dầu lên cao. Italia cũng đã lên tiếng phản đối hành động quân sự tại Syria. Trong khi đó, quan điểm của Ấn Độ và Indonesia vẫn chưa thể xác định rõ ràng.
Ông Obama hiện nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Francois Hollande đối với một chiến dịch quân sự nhằm vào Syria. Thủ tướng Anh David Cameron, với cuộc bỏ phiếu tại quốc hội hồi tuần trước, sẽ chỉ có thể ủng hộ Mỹ về mặt ngoại giao.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tán đồng việc can thiệp quân sự vào Syria trong khi Ả rập Xê-út hiện đang đứng về phía phe nổi dậy Syria. Ông Obama tại hội nghị thượng đỉnh sẽ phải thuyết phục đồng minh khác của Mỹ gồm Canada, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như Đức và các nhà lãnh đạo EU về một hành động quân sự nhằm vào quân đội Syria.
Trong một diễn biến khác, tờ New York Times ngày 5/9 dẫn kết quả một nghiên cứu mới về những hình ảnh được cho là từ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 vừa qua kết luận rằng những tên lửa mang khí độc có chứa lượng chất độc thần kinh cao gấp 50 lần so với các ước tính trước đó. Nghiên cứu này do chuyên gia về thiết kế đầu đạn hạt nhân Richard Lloyd và Theodore Postol – một nhà vật lý tại Viện công nghệ Massachusetts thực hiện.
Tờ Der Spiegel của Đức dẫn lời cơ quan tình báo nước này BND nói rằng, các lực lượng Syria có thể đã đánh giá sai trong việc pha trộn các loại khí độc sử dụng trong vụ tấn công, dẫn đến việc số người thiệt mạng trong vụ tấn công cao hơn rất nhiều so với các cuộc tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học trước đó.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)