Tưởng châu Âu hóa ra… Trung Quốc
Theo phản ánh của bà con nông dân trồng thanh long trên địa bàn hai huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, gần đây trên thị trường phân bón địa phương xuất hiện hai dòng sản phẩm NPK của Cty TNHH Trung Hiệp Lợi (địa chỉ 40 Trần Ngọc Diện, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) đựng trong bao 25kg, in biểu tượng “con Ong” rất bắt mắt.
|
Cách ghi xuất xứ hàng hóa của Cty TNHH Trung Hiệp Lợi khiến nông dân hiểu lầm |
Đầu tiên là dòng sản phẩm “con Ong” NPK 30-9-9. Phía trước bao bì ghi “Standar of USA” (tạm dịch: Tiêu chuẩn Mỹ/PV), mặt sau ghi “nhãn phụ tiếng Việt” với nội dung “Sản xuất tại P.R.C”, bên dưới ghi “Nguyên liệu được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu và qui trình sản xuất dưới sự giám sát của kỹ sư hàng đầu của Tập đoàn Sinolite”.
“Cách ghi nhãn kiểu này khiến bà con nông dân lúc đầu đọc vào hết sức yên tâm, vì đập vào mắt là cụm từ nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu. Còn xuất xứ P.R.C thì quả lần đầu mới nghe, cứ ngỡ nước nào đó bên Tây, mãi sau này hỏi ra mới tá hỏa là viết tắt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” – một người dân cho biết.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, lô hàng 45,54 tấn sản phẩm NPK 30-9-9 này Cty TNHH Trung Hiệp Lợi nhập về qua cảng Cát Lái. Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng hàng hóa nhập khẩu ngày 5/8/2013 của Cty CP Giám định và Khử trùng Việt Nam (FCC) xác định rõ là có “xuất xứ Trung Quốc”. Thế nhưng, khi doanh nghiệp đưa ra thị trường tiêu thụ, trên bao bì sản phẩm lại “biến hóa” thành “sản xuất tại P.R.C” - cách viết tắt tiếng Anh mà nhiều sinh viên đại học chưa chắc đã biết, huống hồ bà con ở vùng quê Bình Thuận.
Ngoài ra, một dòng sản phẩm khác của Cty này là loại phân NPK 15-9-20, tuy được sản xuất và đóng gói hoàn toàn tại Việt Nam nhưng cũng có cách thể hiện trên bao bì rất “hoành tráng” khiến nhiều bà con nông dân chẳng biết đâu mà lần, cứ ngỡ nó là hàng của Đức. Cụ thể, mặt trước bao phân ghi là “Fertilization German”, mặt sau in đầy tiếng Việt trên bao bì về thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng. Đáng chú ý, bên dưới bao bì còn ghi tiếng Anh như sau: “Products introduced by Agro
Baltic Gmbh; Add: Rungestrabe 17, D.18055 Rostock, Cộng hòa Liên bang Đức” (tạm dịch: sản phẩm được sản xuất bởi Agro Baltic Gmbh…, Cộng hòa Liên bang Đức/pv). Hơn thế, trên bao bì của sản phẩm không hề ghi thông tin nhà sản xuất mà chỉ ghi thông tin của Cty Trung Hiệp Lợi, trong khi Trung Hiệp Lợi không hề sản xuất.
Không được viết tắt xuất xứ hàng hóa
Trước thắc mắc của bà con, chúng tôi đã đề nghị đại diện Cty này cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm thì bị từ chối với lý do “vấn đề nhạy cảm”, “không cung cấp được”. Vậy thực chất sản phẩm này được gia công đóng gói ở đâu, điều này cần phải được làm rõ. Rõ ràng, đang có sự nhập nhèm về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Được biết, đây cũng chính là sản phẩm bị Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận xử phạt 40 triệu vì kém chất lượng vào ngày 4/11/2013 vừa qua.
Trao đổi với chúng tôi, bà con nông dân đặt ra hàng loạt câu hỏi về trường hợp này: Tại sao Cty Trung Hiệp Lợi không ghi “Made in China” như thường thấy mà lại ghi là “P.R.C”? Có phải họ cố tình để nông dân ngộ nhận đó là phân của châu Âu không? Nếu sản phẩm của họ tốt thì tại sao không đường hoàng ghi xuất xứ như quy ước bấy lâu? Cách ghi này có được Nhà nước cho phép không?
Về vấn đề này, Luật sư Lê Đình Tềnh (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, quy định xuất xứ hàng hoá được thể hiện tại Khoản 1, Điều 17, Nghị Định 89/2006/NĐ-CP, theo đó cách ghi xuất xứ hàng hoá được quy định như sau: Ghi “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại” hoặc “xuất xứ” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hoá đó. Mặc dù nghị định lại không nói rõ cách ghi “tên nước” thể hiện như thế nào, nhưng đến Thông tư 09/2007/TT-BKHCN hướng dẫn cách ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, đã có quy định rõ về cách ghi xuất xứ. Cụ thể, tại Khoản a, Điều 3, Chương II của Thông tư quy định: “Tên tổ chức, cá nhân và địa danh không được viết tắt”. Ví dụ: Công ty Hoàng Phú, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh thì các từ “Hoàng Phú”, “Tiên Sơn”, “Tiên Du”, “Bắc Ninh” không được viết tắt là “HP”, “TS”, “TD”, “BN”. “Với cách hướng dẫn này của Bộ Khoa học và Công nghệ thì có thể hiểu rằng việc viết tắt kiểu P.R.C là không phù hợp” – vị luật sư này cho biết.
Vậy đã đến lúc các ngành chức năng cần làm rõ những bất cập về tình trạng “loạn” cách ghi xuất xứ hàng hóa như hiện nay, nhằm bảo vệ bà con nông dân và người tiêu dùng.