Tác động tổng cầu lẫn tổng cung để hỗ trợ tăng trưởng

(PLVN) - Nhiều dự báo gần đây cho thấy tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam chỉ khoảng 5 - 5,5%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%. Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, để thúc đẩy tăng trưởng cần tác động cả tổng cầu và tổng cung.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: SJCV).

Vẫn là câu chuyện năng lực hấp thụ vốn

Tại “Đối thoại tháng 7: Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, các doanh nghiệp (DN) đang ở giai đoạn khó khăn lớn về tình hình tài chính. Thậm chí khó khăn hơn giai đoạn đầu năm 2020 (gián đoạn kinh doanh do COVID-19) vì lợi nhuận giảm không chỉ vì doanh thu giảm mà do chi phí gia tăng. “Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục đã được ghi nhận từ quý I/2023 và dự kiến quý II/2023 khi tốc độ suy giảm đang có xu hướng co hẹp lại” - Chủ tịch FiinGroup nhận định.

Số liệu sơ bộ tăng trưởng quý II/2023 cho thấy, ngành ngân hàng lợi nhuận tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước (số liệu của 15/27 ngân hàng, chiếm 79% tổng vốn hóa ngành); DN phi ngân hàng lợi nhuận giảm 41,7% so với cùng kỳ năm trước (số liệu của 580 DN niêm yết, chiếm 49% tổng vốn hóa khối này);

Nhóm ngành tài chính vẫn dự kiến duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (ngân hàng: 13,6%, chứng khoán 71,6% trong khi bảo hiểm giảm 7,8%); Nhóm DN phi tài chính: suy giảm lợi nhuận thu hẹp còn khoảng 16,5% cho cả năm 2023. Điều này cho thấy sự kỳ vọng về mức độ khôi phục trong nửa cuối năm 2023.

Với nhóm ngành bất động sản và xây dựng, vật liệu, suy giảm mạnh cả năm 2022 và nửa đầu năm 2023, dự kiến cả năm tốc độ suy giảm mạnh (nếu không tính Vinhomes). Nhóm ngành xuất khẩu dự kiến suy giảm mạnh cả năm 2023; Nhóm ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa, về cơ bản giảm nhẹ hoặc đi ngang.

“Vấn đề của các DN Việt Nam không hoàn toàn nằm ở mức độ đòn bẩy tài chính cao mà là năng lực hấp thụ vốn thấp. Ở nhiều ngành khác nhau, đó là vấn đề kinh doanh nhiều hơn là vấn đề nguồn vốn/tín dụng: Sụt giảm đơn hàng và dẫn đến doanh thu giảm và biên lợi nhuận thu hẹp làm cho nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư thấp. Do đó, các giải pháp chính sách nên tập trung vào hỗ trợ lãi suất, hoãn giãn nợ nhằm hỗ trợ DN qua giai đoạn khó khăn thay vì chỉ tập trung vào giải ngân vốn mới/tăng trưởng tín dụng” - Chủ tịch FiinGroup phân tích.

Cần “vỗ bằng hai tay” tiền tệ và tài khóa

Dẫn các dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay, TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Dự báo đâu đó khoảng 5 - 5,5%, thấp hơn các dự báo đưa ra trước đó”. Chỉ ra một loạt cơ hội, thách thức của kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm, chuyên gia của Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng trưởng. Trong đó lưu ý nguyên tắc tác động cả tổng cầu và tổng cung.

Theo đó, trước hết cần nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, nghị định, quyết sách gần đây của Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt là thúc đẩy các động lực tăng trưởng, như đẩy mạnh giải ngân Chương trình phục hồi phát triển kinh tế và đầu tư công (nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713 nghìn tỷ đồng sẽ đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023); Kích cầu tiêu dùng nội địa (tiêu dùng tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %; Kích cầu du lịch (cả quốc tế và trong nước); Quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 và có tính lan tỏa cao).

TS Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác), tức là phải “vỗ bằng hai tay” tiền tệ và kinh tế, nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động…; nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Cùng với đó, quyết liệt hỗ trợ DN, nhất là bốn vướng mắc chính của DN hiện nay là: Pháp lý, thực thi công vụ; Tài chính (cả tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính…); Giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra/đơn hàng; Giữ chân người lao động.

Đánh giá công tác xây dựng thể chế đã có nhiều tiến bộ, song TS Cấn Văn Lực cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, đặc biệt chú trọng khâu thực thi và tháo gỡ rào cản, gồm cả thể chế phát triển kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.

Đọc thêm