Khi phong trào xem phim 3D đang lan rộng thì nhiều hiện tượng ảnh hưởng đến mắt và thần kinh người xem đã xảy ra, khiến không ít người lo ngại việc xem phim có thể tác động xấu đến sức khỏe.
Kính nhựa Trung Quốc (trái) và kính nhựa Mỹ - (Ảnh: Như Hùng) |
Sau khi xem xong bộ phim Avatar 3D tại rạp, chị Tiểu Hàn (quận 5, TP.HCM) và chị Phương Thảo (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đều cảm thấy rất nhức đầu và chóng mặt. Chị Thảo cho biết: “Tôi xem khoảng 5 phút đầu đã cảm thấy rất khó chịu, mắt bị nhức. Tôi phải liên tục tháo kính ra nhiều lần khi xem phim cho mắt dễ chịu hơn”. Chị Hàn cũng bị tình trạng tương tự: “Lúc xem xong, đầu tôi cứ lâng lâng, đi không vững”. Chị Hàn cho biết nhiều kính xem ở rạp khá bẩn.Mắc bệnh từ kính xem phim Hiện nay khi xem phim 3D tại rạp, mỗi người được nhân viên rạp cho mượn một chiếc kính để đeo vào xem phim. Tuy nhiên, theo nhiều người xem, kính xem phim 3D tại các rạp được sử dụng liên tục cho nhiều người và gần như không được khử trùng thường xuyên. Nhiều kính xem khá bẩn. Điều này làm nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn từ những người mắc bệnh để lại trong chính những chiếc kính là rất cao. Còn với những người xem tại nhà, việc sử dụng các loại kính rẻ tiền, kém chất lượng cũng có thể gây những tác động không tốt cho mắt và thần kinh. Theo admin Việt Anh của diễn đàn HDVietNam, kính chất lượng tốt đương nhiên xem sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với kính chất lượng kém. Kính tốt nếu là kính giấy thì giá 50.000-70.000 đồng, còn kính nhựa giá 150.000-200.000 đồng/chiếc. Được bán phổ biến trên thị trường hiện nay là loại kính đại trà của Trung Quốc. Loại kính này có màu không chính xác với tiêu chuẩn kính xem nên dễ bị nhòe hình, gây chóng mặt người xem. Khi mua, người dùng chú ý phân biệt loại kính Mỹ và kính Trung Quốc. Kính giấy Mỹ thường có dán decal theo một bộ phim 3D nhất định, trên kính có ghi đầy đủ xuất xứ cũng như những cảnh báo cần thiết khi sử dụng. Kính giấy Trung Quốc chỉ đơn giản, không dán decal theo phim hay ghi nguồn gốc xuất xứ. Loại kính nhựa có vẻ khó phân biệt chất lượng hơn bởi khá giống nhau. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ sẽ thấy đường nét thiết kế của kính Mỹ sắc sảo hơn, màu kính cũng trong hơn so với kính Trung Quốc. “Khi xem phim 3D với các loại kính rẻ tiền, kém chất lượng thì hiệu ứng 3D hiện lên không rõ nét, hình ảnh sẽ bị mờ và nhòe, người xem rất mau bị mỏi mắt và không thể xem lâu được. Còn loại kính chính hãng (thường được các hãng sản xuất phát hành kèm theo phim) mới đúng tiêu chuẩn chất lượng và sẽ cho hiệu ứng hình ảnh ba chiều cao nhất”, Việt Anh giải thích.
Kính giấy Trung Quốc (trên) và Kính giấy Mỹ - (Ảnh: Như Hùng) |
Màn hình không đủ sáng Một yếu tố khác góp phần ảnh hưởng rất lớn đến mắt người xem là độ sáng của màn hình trình chiếu. Theo các chuyên gia điện tử, màn hình cũng phải theo những tiêu chuẩn nhất định vì khi xem phim 3D, kính xem đã cản bớt một phần ánh sáng phát ra từ màn hình. Do vậy, màn hình khi trình chiếu phim 3D thường phải được chỉnh độ sáng tăng hơn hẳn so với trình chiếu phim 2D để bù lại sự cản ánh sáng của kính. Tuy nhiên, “các rạp phim 3D hiện nay đều không tăng thêm độ sáng khi trình chiếu phim 3D nên ánh sáng trong các khán phòng thường mờ. Mắt người xem sẽ dễ bị kích thích mạnh khi xem đến các cảnh phim 3D. Việc này dễ dẫn đến bệnh tăng nhãn áp cấp tính”, một chuyên gia lo ngại. Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Berkeley, Mỹ mới đây đã chỉ ra việc đeo kính xem phim 3D sẽ khiến mắt mệt mỏi quá độ, có thể dẫn đến nhức mắt và đau đầu, thậm chí chóng mặt. Các nhà khoa học khẳng định những người càng nhỏ tuổi càng dễ bị ảnh hưởng lớn do xem phim 3D. Những người có độ tuổi 50-60 ít bị ảnh hưởng hơn. Hiện nay, công nghệ 3D vẫn còn khá mới mẻ nên giới khoa học vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đầy đủ về tác hại đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, ai cũng biết nếu mắt phải làm việc liên tục để nhìn nhiều hình ảnh trong một giây và kéo dài nhiều giờ liền sẽ rất nhanh bị mỏi và nhức. Để phòng tránh nhiễm bệnh từ kính xem phim 3D tại các rạp, tốt nhất mỗi người nên mang theo một ít cồn sát khuẩn để khử trùng kính trước khi sử dụng.
Theo Đức Thiện
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ