Tác phong dân chủ ở cán bộ chủ chốt của Đảng, đặc biệt là ở cán bộ chủ trì - bí thư cấp ủy có vai trò quan trọng trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hành dân chủ trong Đảng.
Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố tại Đại hội X. |
Xử lý mối tương quan giữa dân chủ và tập trung
Có thể nói bí thư cấp ủy (BTCU) là ngọn cờ đoàn kết tập hợp, cũng là linh hồn của cả đảng bộ. Chính vì thế mà BTCU phải mang hết trí tuệ và tâm huyết, tài năng và sức lực để gánh vác sứ mệnh thiêng liêng ấy. Đồng thời phải tự mình chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân nếu như không làm tròn được sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, sức mạnh của một đảng bộ không chỉ tùy thuộc vào BTCU mà còn là và chủ yếu là tùy thuộc vào cả tập thể cấp ủy và thường vụ cấp ủy. Thật vậy, không một cá nhân người đứng đầu nào, dẫu xuất chúng đến mấy, có thể tự mình thấu hiểu mọi việc, sáng suốt mọi nhẽ, đúng đắn trong mọi quyết định.
Cá nhân người đứng đầu chỉ có thể có được sự thấu hiểu ấy, sự sáng suốt ấy, sự đúng đắn ấy khi bản thân họ thực sự cầu thị, khiêm tốn học tập, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ và quan trọng hơn là phát huy được dân chủ, tập hợp được trí tuệ của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là trí tuệ của tập thể cấp ủy và thường vụ cấp ủy.
Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết của cấp ủy và của thường vụ cấp ủy, mà ai cũng biết nghị quyết thực chất là một loại quyết định, cần phải quyết, cần phải có quyền lực để quyết - nghĩa là cần phải có kết luận cuối cùng khẳng định dứt khoát khả năng hoặc thế này hoặc thế khác, và không một nghị quyết nào cùng lúc đề ra nhiều khả năng để có thể tùy nghi lựa chọn khi tổ chức thực hiện. Như vậy nói đến năng lực lãnh đạo của Đảng là nói đến việc xử lý mối tương quan giữa dân chủ và tập trung trong quá trình ra nghị quyết, mà điều này phụ thuộc rất lớn vào tác phong dân chủ của BTCU.
Nghị quyết của cấp ủy và của thường vụ cấp ủy trên danh nghĩa và theo lý thuyết là sản phẩm của trí tuệ tập thể, cũng là sản phẩm của dân chủ trong Đảng, bởi ở đây chỉ được quyết sau khi tập thể đã nghị, đã bàn bạc thảo luận kỹ càng, cân nhắc mọi nhẽ. Nói trên danh nghĩa và theo lý thuyết vì trong thực tế có khi đúng là vậy song cũng có lúc không được như vậy, tùy thuộc vào chỗ từng thành viên trong cấp ủy và thường vụ cấp ủy đã được huy động trí tuệ ra sao, được phát huy dân chủ như thế nào.
Không thể xem là được huy động trí tuệ, được phát huy dân chủ khi một thành viên nào đó của cấp ủy và của thường vụ cấp ủy không chịu độc lập suy nghĩ, không thấy hết trách nhiệm chính trị của mình trong thái độ hoặc đồng thuận hoặc không đồng thuận, trong cách biểu quyết hoặc chủ động lựa chọn hoặc thụ động kiểu “làng răng xã năng rứa” (hay nói có phần hài hước là chỉ quyết cái người ta biểu). Cũng có khi bản thân thành viên ấy ý thức đầy đủ về trách nhiệm chính trị, muốn được suy nghĩ độc lập nhưng lại thiếu thông tin, thiếu các hiểu biết cần thiết về nghị sự, hoặc thiếu thời gian để nghiền ngẫm vấn đề, rốt cuộc đành chấp nhận biểu quyết theo số đông, thực chất là theo đề xuất của BTCU.
Những nghị quyết được nghị và quyết theo cung cách đó cũng không thể gọi là sản phẩm của trí tuệ tập thể, của dân chủ trong Đảng. Đáng chú ý hơn cả là trường hợp một hay một số thành viên trong cấp ủy và thường vụ cấp ủy tuy vẫn ý thức sâu sắc trách nhiệm chính trị, vẫn được tiếp cận đủ thông tin và đã có thời gian suy nghĩ chín chắn về nghị sự, từ đó mà có chính kiến rõ ràng, nhưng chính kiến ấy lại không cùng chiều với đề xuất của BTCU.
Trong trường hợp này thì hiệu quả của việc huy động trí tuệ tập thể, thực hành dân chủ trong Đảng sẽ tùy thuộc vào hai yếu tố: một là sự dũng cảm của các thành viên trong cấp ủy và thường vụ cấp ủy; hai là tác phong dân chủ của BTCU. Những nghị quyết thiếu một trong hai hoặc cả hai yếu tố nêu trên không thể là sản phẩm của trí tuệ tập thể, càng không thể là sản phẩm của dân chủ trong Đảng.
Ý thức cái hữu hạn về thẩm quyền của mình
Có tác phong dân chủ nghĩa là không độc quyền chân lý; là biết thực sự cầu thị, biết tôn trọng và lắng nghe - thậm chí thích lắng nghe - những ý kiến khác nhau như một nhu cầu phản biện cho đề xuất của chính mình; là thường xuyên tạo không khí tâm lý thoải mái cởi mở trong sinh hoạt cấp ủy và thường vụ cấp ủy. Còn thiếu tác phong dân chủ là bao giờ cũng nghĩ rằng mình đúng, từ đó cố tìm cách áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình cho mọi người; sử dụng thủ thuật khi cung cấp thông tin - chỉ viện dẫn những thông tin phù hợp và có lợi cho đề xuất của mình, thậm chí sử dụng thủ thuật cả khi lấy ý kiến biểu quyết của tập thể; đáng trách hơn là luôn định kiến với những ai hay có ý kiến không đồng thuận.
Như đã nêu trên, BTCU có vai trò và có trách nhiệm cá nhân rất đáng kể trong cấp ủy, trong thường vụ cấp ủy và thường trực cấp ủy. Là người chủ trì sinh hoạt cấp ủy, thường vụ cấp ủy và thường trực cấp ủy, bí thư có quyền đề xuất và nhất là có quyền kết luận. Cần thấy thêm rằng duy chỉ có bí thư mới được thay mặt cho cấp ủy. Vì vậy để nâng cao hiệu quả huy động trí tuệ tập thể và thực hành dân chủ trong Đảng, BTCU phải là người có ý thức về trách nhiệm chính trị sâu sắc nhất và là người chịu trách nhiệm cá nhân cao nhất. Phải là người suy nghĩ độc lập sáng tạo nhất.
Phải là người tiếp cận nhiều thông tin nhất. Đặc biệt, trên các lĩnh vực mà BTCU không trực tiếp quán xuyến, chẳng hạn như lĩnh vực quản lý nhà nước ở các địa phương; phải là người có đủ thời gian, có đủ tâm huyết và đặc biệt có đủ năng lực để xử lý thông tin, để tư duy và nghiền ngẫm kỹ càng nhất, từ đó mà đề xuất những phương án không chỉ đúng mà còn phải tối ưu.
Nhưng tác phong dân chủ cũng đòi hỏi BTCU phải biết ý thức cái hữu hạn về thẩm quyền của mình: Quyền lực cao nhất trong Đảng thuộc về đại hội Đảng, giữa hai kỳ đại hội thuộc về cấp ủy, giữa hai kỳ họp cấp ủy thuộc về thường vụ cấp ủy và giữa hai kỳ họp thường vụ cấp ủy thuộc về thường trực cấp ủy mà BTCU cũng chỉ là một thành viên. Ý thức được như vậy thì mới tránh khỏi tình trạng BTCU lạm quyền, thậm chí chuyên quyền.
Không được lạm quyền, chuyên quyền nhưng BTCU phải có bản lĩnh để có thể quyết đoán trong trường hợp tập thể cấp ủy hoặc thường vụ cấp ủy có sự phân hóa ý kiến. Nói cách khác, BTCU phải biết khẳng định vai trò cá nhân của mình khi cần thiết. Cần nhớ rằng không muốn, không dám, không chịu khẳng định vai trò cá nhân của mình trong công việc và trong việc công cũng là một dạng biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên hiện nay.
Tập thể là bệ phóng vững chắc để từng cá nhân phát huy năng lực sáng tạo, nói chung là để từng cá nhân phát triển, tiến bộ, trưởng thành. Cái biện chứng của cuộc đời xưa nay vẫn vậy. Nhưng có nơi có lúc, chính tập thể lại trở thành nơi trú ẩn, chỗ mai phục khá là an toàn của chủ nghĩa cá nhân, bởi vì không phải không có người nhân danh tập thể để mưu tính lợi ích cá nhân, hoặc mượn tay tập thể để thực hiện ý đồ cá nhân, hoặc dựa vào tập thể để lẫn tránh trách nhiệm cá nhân(*).
Tác phong dân chủ rất xa lạ với hình ảnh một BTCU nào đó tự mình thiếu chính kiến, kết luận không trên cơ sở độc lập suy nghĩ, chỉ đơn thuần là sự tập hợp ý kiến thảo luận của tập thể cấp ủy, tập thể thường vụ cấp ủy rồi thiên về ý kiến của số đông. Những nghị quyết được hình thành từ cung cách kết luận như vậy cũng không thể gọi là sản phẩm của trí tuệ tập thể, của dân chủ trong Đảng.
BTCU là người chủ trì phát huy dân chủ trong tập thể cấp ủy và thường vụ cấp ủy - điều đó đã đành, nhưng BTCU cũng phải là người được phát huy dân chủ ở mức cao nhất. Có một số trường hợp ý kiến đề xuất của BTCU mặc dầu đúng đắn, thậm chí tối ưu, thể hiện rõ quyết tâm đổi mới và năng lực sáng tạo đi trước đón đầu, nhưng lại thuộc về thiểu số, nghĩa là chưa thuyết phục được đa số trong cấp ủy và thường vụ cấp ủy. Theo nguyên tắc sinh hoạt nội bộ Đảng thì trong những trường hợp này, tuy được quyền bảo lưu ý kiến song thiểu số - kể cả BTCU- phải phục tùng đa số, phải chấp hành nghị quyết của tập thể.
Phàm là nguyên tắc thì không nên có ngoại lệ để tránh sự vận dụng tùy tiện. Nhưng như mọi người đều biết, chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông. Vì thế, muốn nâng cao hiệu quả huy động trí tuệ tập thể và thực hành dân chủ trong Đảng, cần có cơ chế để việc bảo lưu ý kiến của số ít kia không trở thành hình thức. Thậm chí, không trở thành vô nghĩa, nhất là đối với ý kiến của những BTCU đã được nghiên cứu nghiêm túc, có tác phong dân chủ, thực sự cầu thị, không bảo thủ. Cái cơ chế ấy hiện nay chưa có và chính điều bất cập này giải thích vì sao Đảng ta vẫn phải tiếp tục bàn về nguyên tắc tập trung dân chủ và vấn đề thực hành dân chủ trong Đảng.
Bùi Văn Tiếng
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy
(*) Xem Bùi Văn Tiếng: Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Tạp chí Kiểm tra số 3-2004, trang 3-4.