Chỉ tiêu khiêm tốn 1 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) cũng không thể hoàn thành khi Taekwondo Đà Nẵng chỉ đạt 1 HCB của VĐV Trần Viết Đức (đối kháng nam, hạng cân đến 63kg) cùng 2 HCĐ của VĐV Phan Văn Thiết (đối kháng nam, hạng cân đến 80kg) và đối kháng đồng đội nam 2, xếp hạng 9 toàn đoàn nam. Đây là một kết quả đáng thất vọng bởi các học trò của nhà cầm quân Dương Lê Quốc Linh phải đứng sau hàng loạt các địa phương như Bình Phước, Vĩnh Long, Quảng Nam, Cà Mau… trên bảng tổng sắp.
|
Chỉ đoạt HCĐ đối kháng đồng đội nam 2 (bìa phải) cùng 1 HCB và 1 HCĐ cá nhân, Taekwondo Đà Nẵng đã thất bại tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6. |
So với các môn võ thuật khác, Taekwondo có quá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
Sự quan tâm đáng quý của tổ chức Sunny Korea giúp Taekwondo Đà Nẵng sớm có Nhà tập luyện chuyên biệt; trong khi các môn võ khác vẫn phải “ở nhờ” hoặc tập trong những nhà tập không đúng tiêu chuẩn. Đồng thời, hàng loạt các chuyên gia Hàn Quốc được cử sang Đà Nẵng giúp đỡ bộ môn phát triển phong trào, xây dựng lực lượng; cùng với việc, đội tuyển Taekwondo Đà Nẵng cũng đã có những chuyến tập huấn tại Hàn Quốc với sự bảo trợ của Sunny Korea.
Chưa kể đến quá khứ, Taekwondo Đà Nẵng từng tạo được không ít chiến tích trên cả đấu trường châu lục lẫn quốc gia. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, gần như bộ môn này đã “rơi tự do” dù không thiếu sự quan tâm, đầu tư của ngành TDTT, của Sunny Korea.
Trước kia, dù không có được hàng loạt điều kiện thuận lợi, Taekwondo Đà Nẵng vẫn không ngừng phát triển. Việc tham gia các giải đấu hầu như dựa trên khoản kinh phí ít ỏi của ngành TDTT Đà Nẵng (cũ) cùng với sự đóng góp từ gia đình của VĐV. Tuy nhiên, sự thống nhất của các CLB Taekwondo đã tạo được nền tảng không thể tốt hơn cho phong trào và bộ môn.
Những bất đồng cùng sự chia rẽ nội bộ khiến Taekwondo Đà Nẵng mất dần định hướng và cản trở quá lớn cho sự phát triển của bộ môn võ thuật này. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Phúc Linh thừa nhận:
- Đến lúc này, dù rất nỗ lực hàn gắn cho Taekwondo nhưng sự phân hóa trong đội ngũ HLV khiến chúng tôi chưa thể tìm được những giải pháp cần thiết cho sự phát triển của bộ môn. Thái độ bất hợp tác của không ít HLV tên tuổi lẫn các CLB vẫn chưa thể giải quyết được. Bên cạnh đó, đội ngũ HLV vừa thiếu, vừa yếu và chưa đủ tầm để tập hợp lực lượng cũng là những nguyên nhân khiến Taekwondo Đà Nẵng chưa thể trở lại đúng với vị thế của mình…
Không thể nói rằng, ngành TDTT thiếu trách nhiệm khi những cố gắng hàn gắn nội bộ Taekwondo Đà Nẵng của ngành đã không nhận được thái độ hợp tác thiện chí của đội ngũ HLV và các CLB Taekwondo trên địa bàn. Song nói như thế, không đồng nghĩa với việc buông xuôi khi lúc này đây, rất cần một sự kiên quyết để thay đổi diện mạo đáng buồn ấy.
Vẫn còn không ít những người có tâm huyết và có khả năng tập hợp, xây dựng lại phong trào trong số những HLV cựu trào của Taekwondo Đà Nẵng. Vấn đề còn lại, tùy thuộc vào những động thái cụ thể của ngành TDTT. Bên cạnh việc tạo được sự nhất quán trong đội ngũ HLV cựu trào có năng lực, những thay đổi tự thân của bộ môn và đội tuyển Taekwondo Đà Nẵng cũng cần được tính đến.
BẢO AN