Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng, các kho lưu trữ của Nga sẽ giới thiệu những tư liệu mới về lịch sử Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Có kế hoạch xuất bản sách và tổ chức triển lãm phản ánh diễn biến chiến tranh từ những khía cạnh mới, đôi khi khá bất ngờ.
|
“Cuộc chiến qua ống kính” là tên album ảnh do Viện Lưu trữ tài liệu ảnh và điện ảnh quốc gia Nga xuất bản. Đó là cái nhìn đầy xúc cảm từ cả hai phía chiến tuyến.
Sau đây là ý kiến của chuyên viên Andrei Artizov, Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga: “Đây là lần đầu tiên có album ảnh giới thiệu các tài liệu lấy từ Kho lưu trữ Krasnogorsk. Đó là những tác phẩm của các phóng viên Liên Xô từng làm việc trên mặt trận và ở hậu phương, cũng như những chiến lợi phẩm — ảnh của phía Đức. Tập ảnh này phản ánh những khía cạnh khác nhau của diễn biến chiến tranh – đời sống trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, lao động vất vả và những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi ở hậu phương. Có nhiều ảnh Đức, và những chiến lợi phẩm độc đáo đó được giới thiệu lần đầu tiên trong album này”.
Trong thời gian chiến tranh Vệ quốc, nhiều người dân Nga đã bị buộc phải đi lao động khổ sai ở nước Đức Quốc xã. Mấy chục năm sau chiến tranh, Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức đã thông qua quyết định trả cho những người đó khoản tiền đền bù. Để có tấm giấy chứng nhận về việc từng là nạn nhân lao động cưỡng bức, nhiều người đã tìm tới kho lưu trữ và kể cho các chuyên viên câu chuyện về một đoạn đời khắc nghiệt hồi bấy giờ. Một số mẩu chuyện sẽ được giới thiệu tại cuộc triển lãm “Liên Xô trong cuộc Thế chiến II” sắp khai mạc ở Normandie (Pháp).
Còn đây là lời kể của ông Sergei Mironenko, Giám đốc Kho Lưu trữ quốc gia Nga: “Một số tài liệu đã làm tôi run lên. Đó là nỗi đau khổ và thảm cảnh không tả xiết mà chiến tranh đã gây ra cho hàng triệu gia đình Nga. Trong hạng mục này, Kho lưu trữ của chúng tôi có khoảng 500.000 hồ sơ. Các chuyên viên sẽ xử lý và sau đó sử dụng các tư liệu đó và truyền đạt lại cho những thế hệ mai sau”.
Trong các kho lưu trữ còn có nhiều tài liệu khác nhau phản ánh diễn biến thực tiễn thời chiến. Chẳng hạn, những phụ trương kèm theo các chỉ thị và lệnh của Ủy ban Quốc phòng Nhà nước. Ít có ai được biết về các phụ trương này, nhưng theo ý kiến của các chuyên viên, đó là nguồn tư liệu lịch sử hết sức quý báu. Chẳng hạn, hồi năm 1941, khi quân phát-xít tiến sát thủ đô Matxcơva, Chính phủ Liên Xô đã vạch kế hoạch rất chi tiết về tổ chức sinh hoạt ở hậu phương sau khi đưa những xí nghiệp và nhà máy sơ tán về các khu vực phía Đông.
Sau đây là ý kiến của chuyên viên Oleg Naumov, Giám đốc Kho lưu trữ tư liệu chính trị-xã hội: “Có những bản phụ lục ghi rõ lịch trình giao thông đường sắt, kế hoạch xây dựng tỷ mỷ đến mức có ghi số lượng từng chiếc đinh. Song song với việc xây dựng xưởng máy, có kế hoạch xây dựng các trường chuyên nghiệp. Tức là, ngay trong hoàn cảnh thời chiến ác liệt, người xô-viết đã suy nghĩ về việc đào tạo lớp công nhân cho những nhà máy tương lai. Mà đó là năm 1941!”.
Thậm chí các cuốn lý lịch đảng viên đảng Cộng sản cũng là tài liệu lịch sử quý. Đính kèm mỗi phiếu hồ sơ đều có ảnh. Có khá nhiều trường hợp, với sự giúp đỡ của những tài liệu lưu trữ, mà thân nhân của các liệt sĩ mới tìm được tấm ảnh độc nhất của người cụ hoặc ông mình đã hy sinh trong thời gian chiến tranh xa xưa.
Theo Đài TNNN/ Mekongnet