Tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tối 6-2 (mùng 4 Tết Tân Mão)vừa qua giữa tàu hỏa và 6 ô-tô ngay trên mặt cầu Ghềnh (Đồng Nai), làm hai người chết tại chỗ và 26 người bị thương, là sự việc không vui trong những ngày đầu Xuân lại gióng tiếng chuông cảnh báo về tai nạn đường sắt trên địa bàn thành phố.
|
Ngã Sáu là nút giao thông thường xuyên bị ùn tắc do tàu đường sắt chạy qua Ảnh: Khánh Linh |
Theo kết quả điều tra ban đầu, cầu Ghềnh dài chừng 700 m, chỉ cho phép ô-tô lưu thông một chiều từ Bắc vào Nam, khi xảy ra tai nạn, trên mặt cầu có 5 ô-tô từ Bắc vào và một ô-tô từ phía Nam ra. Vì vậy, khi tàu đường sắt tới gần, tình trạng hỗn độn trên mặt cầu xảy ra, không còn lối thoát, nhiều người đi ô-tô, xe máy phó thác cho may rủi, đứng nguyên tại chỗ, chờ… tàu đâm.
Từ vụ tai nạn giao thông kể trên, giật mình khi nghĩ đến trật tự giao thông đường sắt trên thành phố. Kể từ khi cầu Quay không cho phép ô-tô qua lại, tình hình giao thông được cải thiện, tình trạng ùn tắc giảm đáng kể. Tuy nhiên, cầu được thiết kế phần đường dành riêng cho xe thô sơ, mô-tô, nhưng rất ít người chấp hành. Thậm chí, khi chắn tàu hạ xuống, nhân viên nhắc nhở, nhưng nhiều người vẫn đi vào phần đường dành cho tàu đường sắt. Không chỉ ở cầu Quay, ở các chắn tàu như khu vực ngã Sáu (quận Ngô Quyền), Trần Nguyên Hãn, Mê Linh (quận Lê Chân)… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều người đi xe máy, xe đạp cố tình vượt qua chắn tàu. Còn đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt thì không thể đếm chính xác, bởi thường xuyên phát sinh nguy hiểm. Người dân hai bên tuyến đường sắt chạy qua địa bàn quận Lê Chân, quận Hồng Bàng và huyện An Dương tùy tiện mở lối đi, miễn là giải quyết được mối lợi trước mắt, không nghĩ đến lợi ích chung và hậu qur lâu dài. Thế là công lao của các ngành, chính quyền địa phương xây dựng, tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, vì sự an toàn của mọi người tham gia giao thông chưa thấm sâu vào nhận thức người dân. Còn đường sắt từ Ga Hải Phòng chạy qua đường Trần Khánh Dư đến Cảng Hải Phòng và chạy dọc trên đường Trần Thánh Tông, không hề có rào chắn, tàu cứ chạy, người dân cứ đi lại vô tư, mặc cho hiểm nguy đang rình rập quanh mình.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông cho biết: Trong năm 2010 trên địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 6 người chết. Các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu ở khu vực đường ngang dân sinh, đều gây thiệt hại về người. Điều đó cho thấy, các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra đều nghiêm trọng. Đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, hướng dẫn giao thông tại các rào chắn đường sắt và cầu Quay, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông, ngăn ngừa các vụ việc đáng tiếc xảy ra. Ngành đường sắt bố trí lịch trình các chuyến tàu ra, vào thành phố hợp lý, tránh các giờ cao điểm, phần nào hạn chế được ùn tắc và tai nạn xảy ra.
Tuy nhiên, thực trạng giao thông đường sắt trên địa bàn thành phố còn nhiều phức tạp. Trong đó có nguyên nhân một bộ phận người dân thành phố chưa có ý kiến chấp hành pháp luật an toàn giao thông, cố tình điều khiển phương tiện giành đường, vượt ẩu, mặc dù tàu đường sắt đang đến gần. Chiều 9-2, ngay khi tàu từ Hà Nội sắp về đến cầu Quay, nhưng một phụ nữ ngoài 30 tuổi vẫn cố tình đi xe máy vượt qua rào chắn, đi vào phần đường dành cho tàu đường sắt. Khi được hỏi, chị ta thản nhiên nói: “Chết có số”. Một cán bộ chức năng làm nhiệm vụ gần đó cho biết, ngày nào cũng kiểm tra, xử lý rất nghiêm, nhưng tình trạng vi phạm như người phụ nữ kể trên không giảm. Ở gác chắn tàu trên các phố Trần Nguyên Hãn, Mê Linh, Cầu Đất, mặc dù tàu đường sắt đến rất gần, nhưng không ít người cố tình vượt qua.
Từ các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra cho thấy, không thể chỉ quy trách nhiệm cho nhân viên ngành đường sắt, mà phải xem xét trách nhiệm chính những người tham gia giao thông. Các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn thành phố có nguyên nhân chính do người bị nạn đi vào phần đường của tàu đường sắt, tự mình tước bỏ quyền được sống của bản thân. Thêm nữa, trên địa bàn thành phố hàng chục năm qua, các đường ngang dân sinh băng qua đường sắt ngày càng nhiều, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xây thêm một chiếc cầu vượt nào cho đường bộ qua đường sắt. Ở khu vực này hầu như không biển báo, không rào chắn, nhiều điểm giao cắt đường sắt nằm giữa khu dân cư đông đúc, đang mối lo ngại của người dân. Khi kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm xây dựng cộng với ý thức người dân chưa cao tai nạn đường sắt khó tránh khỏi, dù thảm họa đã được báo trước.
T.T