Thẩm quyền thuộc về Công an cấp huyện, Công an cấp quận
Mới đây, thông tin báo chí có nêu về vụ tai nạn chiếc Mercedes S560 Maybach tông hàng loạt xe máy tại tầng hầm chung cư 6th Element, quận Tây Hồ, Hà Nội. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Công an phường Xuân La sau khi nhận tin đã có mặt để bảo vệ hiện trường. Hiện danh tính tài xế xe ô tô và những người liên quan đang được Đội điều tra Tổng hợp Công an quận Tây Hồ thụ lý. Như vậy tại sao vụ tai nạn xảy ra không phải là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thụ lý giải quyết vụ việc, mà là lực lượng Công an quận thụ lý vụ việc?
Điều 39 Luật Giao thông đường bộ 2008 xác định mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm: Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng. Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 58/2009/TT-BCA(C11) quy định: Tai nạn giao thông là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới giao thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khỏe của con người hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tai nạn giao thông gồm: Va chạm giao thông; vụ tai nạn giao thông gây hậu quả ít nghiêm trọng; vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng; vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, hầm để xe của tòa nhà không thuộc mạng lưới giao thông đường bộ và tai nạn xảy ra trong hầm để xe chung cư không thuộc nhóm hành vi liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ. Nên không thuộc quyền thụ lý giải quyết của lực lượng CSGT.
Tuy nhiên, dù không xảy ra trên đường giao thông nhưng việc để xảy ra tai nạn gây hậu quả làm người đi xe máy bị thương và phương tiện hư hỏng nặng thì tùy theo hành vi vi phạm và mức độ hậu quả có thể bị xử lý hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Việc điều tra, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện, Công an cấp quận nơi xảy ra vụ tai nạn. Nên vụ việc vụ tai nạn chiếc Mercedes S560 Maybach tông hàng loạt xe máy tại tầng hầm chung cư 6th Element, quận Tây Hồ, TP Hà Nội sẽ thuộc thẩm quyền của Công an quận Tây Hồ thụ lý, giải quyết.
Quy định về bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông
Mở rộng vấn đề, liên quan đến vấn đề pháp lý và cũng như bồi thường thiệt hại khi tai nạn giao thông xảy ra, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết: Theo quy định tại Điều 39 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì mạng lưới đường bộ được chia thành 6 hệ thống gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng. Còn tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 58 của Bộ Công an quy định: Tai nạn giao thông là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới giao thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khỏe của con người hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tai nạn giao thông gồm: va chạm giao thông, vụ tai nạn giao thông gây hậu quả ít nghiêm trọng, vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng, vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, khi tai nạn giao thông thuộc mạng lưới đường bộ quốc gia như trong trường hợp này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ và Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo Luật sư, cơ quan chức năng sẽ điều tra nguyên nhân gây ra tai nạn. Người tài xế tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thì sẽ bị xử lý theo Điều 260 tội Vi phạm quy định về giao thông đường bộ.
Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Mức cao nhất khung hình phạt đối với tội này là 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra thì người gây ra tai nạn phải bồi thường trách nhiệm dân sự theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.