Dọc tuyến đường quốc lộ 2, đoạn tránh Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều hộ dân sau khi cắt lúa xong thay vì mang về nhà lại tuốt lúa ngay tại bờ ruộng, lấy lòng đường làm sân phơi cản trở việc đi lại của nhiều người, phương tiện tham gia giao thông. Không những thế, người dân còn dùng cả gạch, đá, cây khô xếp để chắn không cho các phương tiện giao thông đi vào khu vực phơi lúa gây những mối nguy hại khó lường.
Theo khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị cấm. Mục d, Khoản 2 Điều 35 Luật này cũng quy định cấm phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ. Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về xử phạt hành chính: Tại Điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: "Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ" bị phạt tiền từ 100.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.
- Về xử lý hình sự: Trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, người có hành vi chiếm dụng lòng đường phơi nông sản gây tai nạn còn có trách nhiệm bồi thường dân sự những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho nạn nhân.
Bà Vũ Thị Thành, thôn Vật Cách, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc nói: "Do diện tích đất nhà hẹp, sau khi chia cho các con, hiện gia đình chỉ có 70m2 đất ở nên mỗi khi ngày mùa đến đều phải đem thóc, rơm lên đường để phơi. Nếu không che chắn cẩn thận thì sẽ bị xe cán nát hết và như vậy thành quả của mấy tháng trời của chúng tôi coi như mất".
Anh Nguyễn Văn Lực, tổ dân phố Lạc Ý, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, có trang trại gần khu vực đường tránh Vĩnh Yên thì giãi bày: "Năm nào cũng bị các lực lượng chức năng nhắc nhở nhưng trang trại của tôi nằm gây đây, hơn nữa xung quanh là bờ ruộng nhỏ ẩm thấp không thể phơi khô lúa, một vụ cũng chỉ mất mấy ngày thành ra tôi và các hộ dân xung quanh đây đành phải làm liều".
Tại các tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh, ngoài việc chiếm dụng lòng đường phơi lúa, người dân còn vô tư đắp những đống rơm rạ cao vút, đốt rơm rạ tràn lan, khói mù mịt che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Hoàng Văn Hoan, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tai nạn giao thông nào liên quan đến việc phơi lúa, rơm rạ trên đường.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông mỗi khi ngày mùa đến, Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi chính quyền các địa phương đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quy định đảm bảo an toàn giao thông trong mùa vụ.
Lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, kiểm soát và nhắc nhở bà con nông dân không phơi thóc, rơm rạ trên đường; đã xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp có máy tuốt lúa tái phạm nhiều lần.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Vĩnh Phúc ngày 29/5:
Ngay tại góc cua của vòng xuyến giao đường tránh Vĩnh Yên, người dân đã phơi thóc hết làn đường dành cho xe thô sơ khiến người đi xe đạp phải đi vào khu vực cấm
Con đường về huyện Yên Lạc khá thoáng, đẹp song những ngày này đã bị nhiều người dân hai bên đường dùng làm sân phơi lúa, rơm rạ, gây cản trở giao thông
Tại các đường liên thôn, liên xã, liên thôn, máy tuốt lúa chiếm hết phần đường của người tham gia giao thông
Những ụ rơm cao che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông ngay tại các ngã ba đường
Lúa được phơi tràn hết đường đi