Liên tiếp trong tháng 7 và 8-2010, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 4 người, bị thương ít nhất 6 người, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nghiêm trọng hơn là từ những vụ tai nạn này để lại di chứng nặng nề đối với bản thân người lao động và gia đình người bị nạn. Thực trạng trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về những diễn biến phức tạp của tình hình TNLĐ, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp- thế mạnh của Hải Phòng.
|
Công nhân xây dựng làm việc ở độ cao không có dây an toàn |
Thảm họa...
Vào khoảng 8 giờ sáng 3-8, một vụ nổ bình hoá chất tại Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên) làm 2 công nhân thiệt mạng và 4 người bị thương nặng. Đây là vụ nổ thứ hai trong vòng 20 ngày. Trước đó, ngày 17-7, cũng tại Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, xảy ra vụ nổ khí gas công nghiệp khiến 2 người chết, 2 người bị thương. Như vậy, đến nay có 4 người chết, 6 người bị thương trong các vụ nổ xảy ra tại nhà máy này.
Sáng sớm 29-8, tại Nhà máy sản xuất thép của Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Tân Hương (Công ty CP Tân Hương) tại tổ 7, phường Quán Toan (quận Hồng Bàng), xảy ra vụ nổ khiến người dân sống gần khu vực nhà máy bị một phen hoảng loạn. Những người dân ở khu vực này cho biết nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn kế tiếp nhau làm rung nhà cửa, ngọn lửa cùng với khói đen bốc lên mù mịt như sương mù từ khu lò luyện thép của Công ty CP Tân Hương. Vụ nổ xảy ra tại lò luyện phôi thép số 4 của công ty khiến lò bị hư hại, có công nhân bị thương được đưa đi cấp cứu.
Trước đó, theo báo cáo của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm nay, thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 5 người, nhiều người bị thương, chủ yếu ở lứa tuổi từ 18-40, tập trung ở khối ngành công nghiệp, xây dựng. Đồng nghĩa với đó, không chỉ là sinh mạng của nhiều người lao động bị cướp đi mà còn để lại những hệ lụy lâu dài khác với gia đình nạn nhân và cả xã hội. Qua các vụ TNLĐ trên, lỗi lớn nhất không phải thuộc về người lao động, mà là những người trực tiếp chỉ huy giám sát từng việc làm, bước đi của họ.
Trên đây là những vụ việc không thể “giấu” thì nhà thầu mới báo cáo, còn cách hành xử chung đối với các vụ tai nạn là nhà thầu hoặc chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường với gia đình bị hại. Vì vậy, con số trên chưa phản ánh hết sự phức tạp trong lĩnh vực này. Không nhiều người ý thức được rằng, càng giấu giếm thì số vụ tai nạn càng tăng, bởi nguyên nhân tai nạn không được chỉ ra và rút kinh nghiệm để tránh lập lại.
|
Công nhân Công ty Điện lực Hải Phòng luôn tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn lao động khi tác nghiệp |
Còn đó nỗi lo
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các công ty, đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong việc củng cố công tác bảo đảm an toàn lao động trong thời gian qua. Song, nhìn vào thực tế, những thảm họa lặp lại kể trên cho thấy, công tác quản lý, giám sát kỹ thuật…, còn nhiều bất cập. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp, đơn vị thường chạy đua với thời gian nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất nên tình hình TNLĐ càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Theo điều tra của các ngành chức năng thành phố, thực trạng TNLĐ đáng báo động là do nhận thức của người sử dụng lao động và lao động về công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là ý thức của người sử dụng lao động vẫn nặng tính đối phó. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan, cạnh tranh ngày càng gay gắt nên nhiều đơn vị cắt giảm tối đa các khoản chi phí mà theo cách nói của doanh nghiệp là “không cần thiết”. Nhưng đứng về góc độ người lao động, đó không chỉ là miếng cơm, manh áo mà còn là sinh mạng, nên vấn đề bảo đảm ATLĐ như huấn luyện các kỹ năng và trang bị các thiết bị bảo hộ lao động là vô cùng quan trọng. Mặt khác, bản thân người lao động khi vào làm việc thường chưa được huấn luyện đầy đủ về an toàn lao động, nên ý thức chấp hành nội quy lao động còn nhiều hạn chế; công tác kiểm tra, thanh tra chưa được thường xuyên, việc xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn lao động chưa thực sự cương quyết... Đây là những nguyên nhân chính gây nên các vụ TNLĐ nghiêm trọng trong thời gian qua.
Để giảm thiểu tình trạng TNLĐ, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên về an toàn lao động, cảnh báo về những nguy cơ có thể mắc phải nếu thiếu an toàn trong sản xuất. Tăng cường cơ chế xử phạt đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kể cả người lao động trực tiếp để họ có ý thức đòi quyền lợi của mình. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là đối với các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, nếu cần thiết, đình chỉ hoạt động sản xuất của cơ sở đó. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần tự biết bảo vệ mình, yêu cầu người sử dụng lao động đáp ứng thiết bị bảo hộ, “nói không” với những công trình không bảo đảm ATLĐ. Không nên vì miếng cơm manh áo mà chấp nhận “đánh cược” tính mạng của mình, bỏ qua những quy định cơ bản nhất về ATLĐ.
Hải Nguyễn
Ảnh: Trường Giang