Được đánh giá bước đầu đã thống nhất pháp luật trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, góp phần tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và từng bước cải cách, đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, tuy nhiên theo Bộ Tư pháp, Nghị định số 83/CP đã bộc lộ những bất cập.
Trong đó, hiện quy định về các trường hợp từ chối đăng ký của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP chưa thật sự đầy đủ, ví dụ như chưa có quy định về từ chối đăng ký giao dịch bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm đã bị kê biên để thi hành án; chưa có quy định về từ chối đăng ký trong trường hợp tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để đăng ký (quyền sử dụng đất đã quá thời hạn sử dụng, tài sản bảo đảm bị kê biên để bảo đảm thi hành án, tài sản bảo đảm đang có tranh chấp).
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan đăng ký từ chối đăng ký đối với những hồ sơ đăng ký không hợp lệ, dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung căn cứ từ chối áp dụng cho các loại hình tài sản bảo đảm, cụ thể các căn cứ từ chối bao gồm: Không thuộc thẩm quyền đăng ký; Nội dung đăng ký vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không đúng sự thật hoặc có giấy tờ giả mạo; Tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; Tài sản bảo đảm đang có tranh chấp và đã có văn bản thụ lý việc giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Người yêu cầu đăng ký không nộp phí đăng ký; Kê khai nội dung đăng ký không đúng quy định của pháp luật; Yêu cầu đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót trong trường hợp đã xóa đăng ký biện pháp bảo đảm; Khi Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc đăng ký đối với tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm là người phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự; Khi đã có thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án là tài sản bảo đảm do cơ quan thi hành án gửi đến cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm; Các trường hợp khác theo quy định của luật.
Bên cạnh đó, về vấn đề cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm hiện hành mới chỉ quy định về cung cấp thông tin trên cơ sở tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, việc cung cấp thông tin đối với các giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại một số địa phương chưa thật sự hiệu quả do thông tin được cung cấp không đầy đủ, chậm cung cấp thông tin hoặc có những cơ quan từ chối cung cấp thông tin.
Do đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, nhằm đẩy mạnh công khai hóa thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký qua đó giúp người dân có thông tin để xem xét, quyết định thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản bảo đảm, với vai trò là văn bản điều chỉnh thống nhất về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, Dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của các cơ quan đăng ký trong việc chủ động cung cấp thông tin về các biện pháp bảo đảm đối với các loại tài sản đặc thù, thường phát sinh tranh chấp.