Thông tin đưa ra tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây.
Chính sách cởi mở…
Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, ông Trần Văn Tần khẳng định NHNN luôn xác định định nông nghiệp nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Cụ thể, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP (Nghị định 55) ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ với nhiều điểm nổi bật như: mở rộng đối tượng vay vốn; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định cũ, một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng được quy định mức cho vay phù hợp; khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng, xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; đồng thời có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho các TCTD thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ...
Để khuyến khích việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nghị định 55 đã đưa ra chính sách hỗ trợ đối với việc liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các DN, hợp tác xã làm đầu mối trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được các TCTD xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản lên tới 70-80% giá trị của phương án, dự án…
Bên cạnh chính sách cho vay vốn thương mại để phát triển sản xuất kinh doanh thì các hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo, mới thoát nghèo còn là đối tượng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo ngành ngân hàng ưu tiên tập trung vốn cho nông nghiệp và thực tế các chính sách tín dụng đã có tác động mạnh mẽ trong việc khơi thông nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách tín dụng cần phải đáp ứng hơn nữa nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với nhu cầu… “- ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam nhận định.
Sẽ ưu đãi phù hợp, không tràn lan
Theo Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú, Nghị định 55 được coi là sự cởi mở rất tích cực cho nông nghiệp nông thôn. “Thực tế, thời gian qua quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với nông nghiệp chưa được bám sát theo Nghị định 55. Chủ trương chính sách đã có bây giờ triển khai và phối hợp thế nào…”- ông Tú phát biểu.
Đại diện NHNN cũng cho biết, trên tinh thần tiếp tục thực hiện Nghị định 55, tới đây sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương; trong đó sẽ tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp, chứ không tràn lan ở các lĩnh vực trọng tâm như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt là cho vay các dự án, DN, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu.
Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; tiếp tục các chương trình tín dụng đã có nhưng sẽ chọn lọc và sẽ thu gọn lại. Những chính sách nào ưu tiên, ưu đãi nữa trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn sẽ được đặt ra nhưng cần có hiệu quả.
Cùng với đó là tăng cường sự phối hợp chính sách giữa các Bộ ngành, địa phương để nguồn tín dụng ngân hàng hết sức hỗ trợ được DN, người dân. “Hiện nay có nhiều chính sách nhưng cũng phụ thuộc nhiều bộ, ngành khác. Ví dụ như Nghị định 67 có tín dụng rồi nhưng để đóng tàu được phụ thuộc bộ, ngành, địa phương thế nào. Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội theo sự chỉ đạo chung của Chính phủ.”- Phó Thống đốc phát biểu.
Hiện dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 2015. Trong đó, tính đến hết tháng 6/2016, dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015.
Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn 1,53%, thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu toàn nền kinh tế. Còn riêng với người nông dân vay của Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân thông qua Hội Nông dân Việt Nam nợ quá hạn chỉ có trung bình 0,32%.