Sông Nhuệ ô nhiễm. |
20 năm chịu đựng dòng sông “thối”
Đặt chân đến vùng đất xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội), khách bị sốc bởi mùi hôi thối nồng nặc xộc lên tận óc. “Thủ phạm” là dòng sông Nhuệ đặc quánh, đen sì ngay phía chân con đường giao thông huyết mạch của cả xã. “Bây giờ còn gọi gì là sông Nhuệ nữa, phải gọi là dòng sông thối mới đúng”, một người dân bức xúc nói.
Theo phản ánh, từ năm 1995 trở về trước, nước sông Nhuệ vẫn được người dân lấy thùng gánh về đánh phèn làm nước sinh hoạt hàng ngày. Vào mỗi buổi chiều hè, người trong làng lại đổ ra sông Nhuệ tắm táp, giặt giũ. Mỗi đợt lũ về, nước sông dâng cao, thanh niên trai tráng còn rủ nhau ra sông đánh bắt cá về ăn.
Nhưng từ năm 1995 trở về đây, nước sông Nhuệ từ màu nâu đỏ nặng phù sa đã chuyển sang màu xám. Lúc ấy, người dân nuôi cá lồng bỗng nhiên thấy cá cứ chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Cho đến vài năm gần đây thì nước sông Nhuệ chuyển hẳn sang màu đen, kèm với đó là một mùi hôi nồng nặc khó chịu.
Ông Tạ Văn Anh (53 tuổi, ngụ thôn Khúc Thủy) nhăn mũi cho hay: “Cứ lần nào có trận mưa rào đổ ập xuống là y như rằng cả làng, cả xã phải đinh đầu, nhức óc vì mùi hôi thối xông lên. Trẻ con không biết gì cũng phải cất tiếng hỏi “sao mùi gì mà ghê thế hả ông?”. Nhà nào nhà nấy đóng cửa thật chặt để ngăn bớt mùi. Những nhà ở sát ngay bờ sông có khi còn phải dùng khăn bịt mặt, dùng khẩu trang để tránh mùi. Còn mùa khô, nước sông cạn xuống tận đáy trơ ra một màu bùn đen như nhựa đường, nhưng cái mùi khó chịu ấy vẫn không chịu buông tha”.
Đối diện với xã Cự Khê là xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Oai), nằm ở bờ tả sông Nhuệ, người dân cũng phải sống trong tình cảnh tương tự. Mỗi khi lũ về, nước sông Nhuệ dâng cao tràn cả bờ đê làm ngập đường đi tạo thành một vùng mênh mông. Năm 2013 vừa qua, mực nước lũ tràn về làm đường ngập sâu đến 50cm. “Nước thối” dù được hòa lẫn với nước mưa, nước cống xả thải và nước từ các nhánh sông khác nhưng cũng đủ khiến người dân bị mẩn ngứa, khó chịu mỗi khi đi lại.
Không dám ăn gạo, rau do mình trồng
Từ khi sông Nhuệ trở thành dòng sông chết, cuộc sống của người dân hai bờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ bị ô nhiễm về không khí mà ngay cả nguồn nước cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Xã Cự Khê có 6 thôn thì chỉ duy nhất một thôn được sử dụng nước máy, đó là làng sản xuất miến Cự Đà. Còn lại người dân trong xã đều sử dụng nước giếng khoan hoặc nước mưa.
Ông Đặng Anh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết: “Đại đa số người dân trong xã đều sử dụng nước giếng khoan làm nước sinh hoạt hàng ngày. Chỉ rất ít những gia đình có điều kiện xây dựng được bể đựng nước mưa thì dùng nước mưa thay thế. Sự ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước đã khiến tỉ lệ người dân mắc bệnh ung thư và bệnh ngoài da trong xã gia tăng nhanh chóng. Từ năm 2006 đến năm 2013, trong vòng 7 năm đã có hơn 30 trường hợp chết vì bệnh ung thư”.
Nhận thức được mức độ ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, chính quyền địa phương ra sức tuyên truyền người dân giữ vệ sinh chung, không xả rác, xả thải bừa bãi ra sông Nhuệ. Nhờ vậy, dọc lưu vực sông Nhuệ đoạn qua xã Cự Khê không còn rác thải nổi lềnh bềnh, nhưng không hiểu sao sông Nhuệ vẫn khoác lên người một màu đen và mùi hôi khó chịu?
Qua xã Cự Khê, ngược lên xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, Hà Nội), người dân cũng phải sống trong một bầu không khí ô nhiễm tương tự. Bất kì ai đến tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm môi trường ở sông Nhuệ, người dân đều chung một tâm trạng chán nản, thất vọng: “Chúng tôi muốn chuyển đi nơi khác, tránh xa khỏi dòng sông chết này nhưng không có tiền. Ngày nào chúng tôi cũng phải ngửi cái mùi hôi thối này, đến mức mũi đã quen, không phân biệt được mùi nữa”.
Ông Vũ Văn Thanh, nguyên Trưởng thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa cay đắng cho hay: “Người dân quê tôi chủ yếu là làm nông nghiệp. Một năm có hai vụ cấy, mỗi khi nước chưa về ruộng kịp, chúng tôi đành phải bơm nước từ dưới sông Nhuệ lên để có nước gieo trồng cho kịp thời vụ. Mỗi lần bơm nước như thế, mùi hôi thối lại bốc lên nồng nặc bao trùm cả cánh đồng, lan cả vào làng hàng tuần lễ. Một bên cánh đồng lúa là bãi tha ma chôn người chết, một bên là dòng sông chết. Dòng sông chết ấy cá còn không sống được thì thử hỏi những hạt lúa kia còn ai dám ăn nữa, dù do chính mình làm ra? Hoa màu, rau cỏ cũng vậy, trừ những nhà nào kinh tế khó khăn hoặc không buôn bán được cho ai mới đành bấm bụng nuốt nhanh những ngọn rau ô nhiễm ấy”.
Được biết, ngày 29/04/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Theo Đề án thì quá trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy được thực hiện từ ngày ký đến năm 2020, mong rằng đến thời điểm ấy, người dân ven sông Nhuệ lại được nhìn thấy hình ảnh dòng sông tuổi thơ của mình từ cách đây 20 năm về trước.