Ngày đêm canh giữ gỗ quý
Trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có hai cây sưa đỏ, độ tuổi khoảng 127- 132 năm, thuộc nhóm gỗ quý hiếm. Cây lớn từng được định giá hơn 100 tỷ đồng được chia làm hai nhánh, nhánh thứ nhất cao hơn 7m, đường kính khoảng 50cm. Nhánh thứ hai đã bị cắt cụt cách phần gốc khoảng 1 mét.
Ở vị trí bị cắt cụt có một lỗ mọt sâu hơn 1 mét vào tâm thân cây. Thời điểm năm 2010 gỗ sưa “sốt” thị trường, giá lên tới 30-50 triệu đồng/kg. Thương lái về làng ngã giá nhưng dân làng chưa bán. Cây còn lại cao khoảng 20m với tán lá tươi tốt nhưng phần thân cũng bắt đầu xuất hiện sâu, mọt.
Năm 2010, nhân dân thôn Phụ Chính xây dựng đình làng và bị thiếu kinh phí. Người dân nhóm họp, bầu ra ban quản lý, khai thác gỗ sưa do trưởng thôn bấy giờ là Vũ Văn Xuyện làm trưởng ban. Dân làng làm đơn đề nghị xã cho phép khai thác một số cành sưa có nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão. Sau đó, người dân đến chùa cưa hạ gỗ. Đến ngày 16/10/2010, trưởng thôn cùng đại diện Hội Người cao tuổi thôn ký hợp đồng bán toàn bộ 2,506m3 gỗ sưa khai thác được cho ông Dương Văn Thái (quê Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng.
Mười ngày sau người mua trả hết tiền, vận chuyển gỗ về Bắc Ninh. Khi xe tải đi qua địa phận xã Đồng Phú, Công an huyện Chương Mỹ chặn lại kiểm tra, lập biên bản tạm giữ toàn bộ gỗ để điều tra, làm rõ. Còn số tiền bán sưa cho ông Thái, dân làng chia thành 11 sổ tiết kiệm đứng tên 5 cá nhân đem gửi ngân hàng.
Vụ việc sau đó được chuyển lên Công an (CA) TP Hà Nội xử lý. CQĐT kết luận việc mua bán gỗ sưa không đúng quy định, lực lượng kiểm lâm vi phạm về quy định đóng dấu búa, người mua gỗ không có giấy phép kinh doanh gỗ. Người dân Phụ Chính cho rằng thôn trồng cây, chùa làng không nằm trong diện di tích nên cây sưa thuộc sở hữu dân làng. Do đó người dân được toàn quyền mua bán nên làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền.
Đến năm 2015, CQĐT CA TP Hà Nội có kết luận cho rằng cây sưa thuộc loài gỗ quý hiếm, có giá trị đặc biệt lớn và là tài sản công cộng. Trong khi đó thôn Phụ Chính không phải đơn vị hành chính nên không có quyền thực hiện giao dịch dân sự mua bán gỗ sưa.
Việc mua bán, khai thác cần được UBND xã và tổ chức đấu giá theo quy định. CQĐT nhận định việc làm của Phó Chủ tịch xã, trưởng thôn bấy giờ, kiểm lâm cũng có lỗi, xác nhận sai lý lịch gỗ. Tuy nhiên CQĐT xét thấy việc mua bán khai thác, làm thủ tục cho vận chuyển gỗ nhằm mục đích thu lợi cho thôn.
Trong vụ việc chưa có cá nhân nào hưởng lợi nên chưa đến mức phải xử lý hình sự. Đồng thời để ổn định tình hình địa phương, liên ngành Công an - Viện kiểm sát đã báo cáo đề xuất Thành uỷ UBND TP Hà Nội tịch thu gỗ, tiếp tục phong tỏa số tiền bán sưa. Hơn 2m3 gỗ sau đó được bàn giao cho UBND huyện Chương Mỹ bán đấu giá theo quy định pháp luật.
Ngày 15/8/2015, UBND huyện Chương Mỹ phối hợp với Trung tâm bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP Hà Nội) bán đấu giá gỗ sưa thu được 31,1 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản của UBND xã Hòa Chính dùng đầu tư các công trình phúc lợi của thôn Phụ Chính.
Sau hàng chục cuộc họp kéo dài mấy năm liền, người dân cơ bản thống nhất nhận số tiền bán đấu giá sử dụng vào xây dựng công trình tâm linh, công trình phúc lợi ở thôn Phụ Chính. Trước mắt, UBND xã làm chủ đầu tư đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu xây dựng chùa Phụ Chính, kinh phí dự trù 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong đơn báo cáo các cấp chính quyền, nhân dân thôn Phụ Chính đề nghị làm rõ số vấn đề sau: Làm rõ việc thiếu hai khúc gỗ sưa bởi khi dân làng bán cho ông Thái, sau đó bị công an tịch thu có 28 khúc gỗ nhưng chỉ bán đấu giá 26 khúc; Số tiền từ việc mua bán gỗ sưa chỉ được dùng đầu tư các công trình công cộng ở thôn Phụ Chính.
Cây sưa có giá trăm tỷ trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính. |
Đồng thời dân làng yêu cầu chính quyền cam kết đảm bảo quyền sở hữu của họ đối với phần cây sưa còn lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Ngợi, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Phụ Chính cho hay ý kiến của huyện, xã đồng ý cho bán gỗ sưa nhưng phải tổ chức đấu thầu, tiền thu được do xã quản lý “hộ”. Đến nay những đề nghị của người dân chưa có cơ quan nào trả lời dứt điểm.
Cũng vì chưa thống nhất việc sử dụng “lộc trời”- gỗ sưa dẫn đến việc dân làng không hợp tác với CQĐT trong việc giải quyết số tiền bán sưa đang gửi ở ngân hàng. Mặc dù CQĐT CA Hà Nội đã quyết định giải tỏa tiền trả lại cho người mua sưa. Nhưng mâu thuẫn phát sinh khi ông Thái đề nghị nhận lại cả gốc lẫn lãi, còn dân làng lí lẽ rằng nếu họ không đem tiền gửi ngân hàng sẽ không có tiền lãi và đề nghị phân chia tiền lãi.
Theo người dân địa phương, mấu chốt khiến việc sử dụng nguồn lợi từ gỗ sưa nằm ở chỗ quản lý, sử dụng nguồn tiền. Trong khi người dân muốn được quyền bán cây, được quyền tự do sử dụng tiền bán cây thì chính quyền yêu cầu phải đấu giá, tiền thu được giao về xã quản lý.
Trong khi phương án cuối cùng về “số phận” cây sưa trăm tỷ vẫn chưa có hồi kết thì cuối năm 2013, lợi dụng đêm tối mưa bão kẻ trộm đã đến cưa một trong hai nhánh lớn của cây sưa đỏ. Trộm sau khi mang cành lớn đi, để lại hiện trường một số cành nhỏ. Người dân thôn sau đó xin phép bán các cành này đi nhưng không được nhà chức trách đồng ý.
Một căn phòng khoảng 10 m2, bịt kín, được cấp tốc xây dựng ngay trong nhà văn hóa của thôn để chứa các cành cây còn lại sau vụ trộm. Tiếp đó đầu năm 2014, người dân thôn dùng sắt bao quanh thân cây và lập ra đội bảo vệ với 10 người thay phiên canh chừng cả ngày lẫn đêm.
Đồng ý cho dân làng khai thác
Kể từ ngày bị trộm, phần thân của cây sưa bị sâu, mọt tấn công khiến người dân nơi đây như ngồi trên đống lửa. Người đại diện cộng đồng nhân dân thôn Phụ Chính cho biết, những năm qua dân đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp xin phép đấu giá cây sưa lấy tiền xây dựng các công trình công cộng nhưng không được đồng ý.
Mới đây, lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ cho biết, ngày 5/10 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với chính quyền huyện, xã để có phương án khai thác số gỗ sưa còn lại.
Ngày 8/10, ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, TP Hà Nội vừa đồng ý chủ trương cho địa phương bán đấu giá cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa Phụ Chính: “Sau thời gian dài chúng tôi làm đơn đề nghị thì lãnh đạo đã đồng ý vào ngày 5/10, kinh phí từ bán đấu giá được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn xã”, ông Chính nói.
Sáng 15/10, trả lời báo chí, ông Lê Minh Tuyên - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, đơn vị vừa kiểm tra hiện trạng cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa Phụ Chính. Qua đó, kiểm lâm nhận thấy cây sưa này trùng tên với loại thực vật quý hiếm nằm trong nhóm 1A, Nghị định 32 của Chính phủ.
“Tuy nhiên, cây sưa không nằm trong rừng mà nằm phân tán trong chùa Phụ Chính, nên không thuộc danh mục của Nghị định 32. Chùa này cũng không phải di tích cấp quốc gia hay cấp thành phố, do vậy cộng đồng dân cư hoàn toàn có quyền khai thác, sử dụng”, ông Tuyên nói thêm. Cũng qua kiểm tra, nhà chức trách chưa xác định được hiện tượng mối mọt của cây sưa trong chùa Phụ Chính, “một số mầm non của cây vẫn phát triển”.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương làm các thủ tục để khai thác cây sưa đảm bảo minh bạch, đúng pháp luật. Đơn vị kiểm lâm sẽ phối hợp đóng dấu búa để khối gỗ hợp pháp.
Về việc người dân nhiều lần đề nghị khai thác cây sưa nhưng chưa được chính quyền đồng ý, đại diện Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết: “Trong những năm qua, đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản hướng dẫn người dân quy trình, nhưng chính trong cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính chưa có sự đồng thuận cao”.
Cụ thể, việc một số người dân cưa cành sưa bán với giá 20,5 tỷ đồng và bị cơ quan công an bắt giữ; qua kiểm tra thì việc mua bán có một số vấn đề cần được làm rõ, tiền bán chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không phải tài khoản chung: “Cành sưa sau đó được cơ quan chức năng đấu giá lại và bán với giá trên 30 tỷ đồng, chuyển tiền về xã để xây dựng công trình công cộng cho thôn Phụ Chính”, ông Lê Minh Tuyên nói.