Tại sao chưa phân loại phim truyền hình?

(PLVN) - Việt Nam hiện nay chỉ có phân loại phim đối với phim điện ảnh chiếu rạp. Còn phim truyền hình, công chiếu trên các đài quốc gia và địa phương hoàn toàn chưa có sự phân loại. Điều này được coi là trễ muộn so với nhiều nước trên thế giới.

Khó phân định đúng - sai

Việc phim truyền hình “Người phán xử”công chiếu trên giờ vàng của Đài Truyền hình quốc gia được nhận xét có “tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo” trong phiên thảo luận về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã gây ra không ít tranh cãi trong dư luận.

Phim “Người phán xử” là tác phẩm Việt hóa thu hút nhiều khán giả theo dõi.

Tuy nhiên, ý kiến chiều nào đi nữa thì người xem không thể phủ nhận rằng, bộ phim có chứa nhiều tình tiết bạo lực, đời sống băng đảng giang hồ, xã hội đen. Thời gian qua, phim truyền hình Việt cũng “mạnh bạo” hơn khi khai thác nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ cuộc sống ngầm đến gái mại dâm, ngoại tình, tình dục... Các tình tiết này xuất hiện hầu hết trong các phim ăn khách, được chiếu trong giờ vàng với đối tượng xem phim đa dạng từ người lớn đến trẻ nhỏ, xem chủ động hay thụ động.

Nhưng nếu để tranh cãi đúng hay sai, nên hay không nên là không dễ. Bởi vì mỗi một bộ phim sẽ phù hợp với một đối tượng cụ thể. Có thể những cảnh bạo lực, giết chóc hoặc hở hang táo bạo vô hại với người lớn ở một độ tuổi nhất định, nhưng lại gây tác hại đối với tâm lý, nhận thức của các em nhỏ.

Nhiều người cho rằng việc “cấm sóng” hoàn toàn các phim chứa tình tiết táo bạo sẽ dẫn đến mất đi sự phong phú, mới lạ của phim truyền hình. Hiện các phim truyền hình đang nỗ lực đổi mới, sáng tạo, tránh lối mòn và đi sâu sát vào đời sống hiện thực hơn. Nhưng nếu thả nổi thì sợ ảnh hưởng đến các lứa tuổi khác.

Một giải pháp được đặt ra là phân loại cho phim truyền hình để giới hạn các độ tuổi xem phim. Tại nhiều nước trên thế giới, việc phân loại phim đã được thực hiện từ rất lâu. Việt Nam hiện chỉ mới tiến hành phân loại phim điện ảnh chiếu rạp. Năm 2018, khi bộ phim truyền hình ăn khách “Quỳnh Búp bê” bị tạm ngừng phát sóng vì có nhiều yếu tố tình dục, bạo lực, vấn đề về phân loại phim truyền hình đã được đặt ra. Giờ đây, trước sự phát triển của truyền hình trong nước, câu chuyện phân loại phim truyền hình lại được nhắc đến.

Các nước phân loại phim như thế nào?

Hiện, hầu hết các quốc gia có nền điện ảnh phát triển trên thế giới đều có hệ thống phân loại phim truyền hình. Tại Anh, hệ thống phân loại phim truyền hình bao gồm U, PG, 12A, 15, 18 và R-18. Truyền hình Tây Ban Nha phân ra các loại: APTA (mọi đối tượng), 7+, 12+, 13+, 16+, 18+ và X. Tại Nhật phân loại theo G, PG-12, R15+ và R-18+. Các mức phân loại của Truyền hình Hàn Quốc bao gồm Tất cả mọi đối tượng, 12+, 15+, Thanh thiếu niên (18+) và Bị hạn chế (19+)…

Có thể thấy, mỗi nước có một hệ thống phân loại riêng, có điều chỉnh đôi chút khác nhau, có nước phân loại tỉ mỉ từng độ tuổi, có nước phân theo nhóm độ tuổi, nhưng tựu trung đều có chia loại cho thiếu niên, thanh niên từ 12-19 tuổi.

Truyền hình Mỹ được coi là có hệ thống phân loại phim tỉ mỉ, chi tiết từ người lớn đến trẻ em. Có thể tham khảo điều này trên nền tảng ứng dụng Netflix, nền tảng giải trí hàng đầu của Mỹ và thế giới hiện nay. Netflix áp dụng hệ thống phân loại của Mỹ bao gồm 16 cấp độ. Trong nhóm Trẻ em nhỏ nhất có G, TV-Y, TV-G. Nhóm Trẻ em lớn hơn có PG, TV-Y7, TV-Y7-FV, TV-PG, một vài phim thuộc nhóm PG-13 và TV-14. Nhóm Thiếu niên có PG-13, TV-14. Nhóm Người lớn có R, NC-17, TV-MA, UR, NR.

Các cấp độ khá phức tạp nhưng có thể hiểu là dao động từ G (bất cứ ai đều có thể xem) đến NR (không được xếp hạng, hay "ngoại hạng" và là bản không hề cắt gọt của một phim và không phù hợp với trẻ em hay thiếu niên. Người xem phim có thể thấy rõ các chi tiết phân loại được dán nhãn tại mỗi bộ phim: bạo lực, bạo lực tưởng tượng, hài, hài đen, tục, mô tả hành vi tình dục, có cảnh máu me… Hệ thống phân loại này cũng được Netflix áp dụng tương đối ở nhiều quốc gia ngoài Mỹ.

Với sự phân loại cụ thể này, mỗi người lớn có thể cân nhắc xem có phù hợp với sở thích của bản thân hay không, đồng thời có quyết định lựa chọn cho trẻ em xem hay không. Tất nhiên, phân loại cũng không phải tuyệt đối ngăn ngừa việc tiếp cận sai đối tượng. Chính vì thế, phụ huynh được khuyến cáo theo sát và có “hướng dẫn sử dụng” cho trẻ em xem phim truyền hình. Đã đến lúc, các nhà quản lý điện ảnh Việt nên cân nhắc đến câu chuyện “dán nhãn phim truyền hình” nhằm đạt được sự an toàn nhất định cho các đối tượng xem phim.

Đọc thêm