Người trồng hồi Lạng Sơn năm nay phấn khởi vì mỗi kg hồi tươi hiện có giá trên 30.000 đồng/kg. Hồi là sản phẩm đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công bố là tài sản Quốc gia. Tuy nhiên, làm thế nào để hồi có thị trường ổn định, giữ giá cao luôn là nỗi trăn trở của người trồng hồi và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn suốt nhiều năm qua.
Trung Đông, Tây Âu muốn mua hồi Lạng Sơn
Ngày 18/7/2019, ông Tô Văn Dong (thôn Tây A, xã Yên Phúc, Văn Quan, Lạng Sơn) cho biết, hồi tươi đang có giá 34.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. “Hồi đang tiếp tục lên giá, không biết sẽ còn tăng lên bao nhiêu…”, ông Dong nói và cho biết, hồi bắt đầu vào chính vụ, người trồng hồi vừa xong việc đồng áng cấy cày, bắt đầu vào rừng thu hái hồi. Hồi là cây trồng lâu năm, phải trên 10 năm sau khi trồng mới cho ra sản phẩm.
Đầu những năm 1990, thời điểm hồi Lạng Sơn được giá (khoảng 24.000 đồng/kg), nhiều nông dân giàu lên từ hồi. Tuy nhiên khoảng 20 năm nay, giá hồi lên xuống bấp bênh, có năm chỉ được 2.000 – 4.000 đồng/kg khiến nhiều gia đình bỏ hồi, rừng trồng hồi biến thành những khu rừng rậm rạp. Khoảng 2-3 năm nay, giá hồi được đẩy lên. Năm 2017 và 2018, mỗi kg hồi tươi có giá từ 10.000 đồng – 12.000 đồng. “Người trồng hồi rất vui khi hồi được giá. Sang năm nay giá hồi cao đột biến, người trồng hồi lại càng phấn khởi”, ông Dong hào hứng.
Ông Trương Văn Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu hoa hồi Lạng Sơn cho biết, hồi Lạng Sơn trước đây thường được DN của ông xuất khẩu sang khu vực Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan, các nước Tây Âu... Tại những thị trường này, hồi Lạng Sơn được đánh giá rất cao về chất lượng. Tuy nhiên, theo ông Sỹ, tại những thị trường này ngày càng siết chặt về chất lượng và xuất xứ, trong khi hồi Lạng Sơn đa số được người dân trồng tự nhiên, thu mua, sản xuất tự phát. “Do không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn xuất xứ nên việc trực tiếp xuất hồi sang những thị trường trên ngày một khó khăn”, ông Sỹ nói.
Việc hồi Lạng Sơn không thể trực tiếp xuất sang những thị trường chính đã khiến tiểu thương chủ yếu bán sang biên giới Trung Quốc. Theo ông Sỹ, nếu Việt Nam có những chính sách hỗ trợ tốt trong khâu tổ chức sản xuất, xuất xứ, bảo quản sản phẩm thì hồi Lạng Sơn sẽ xuất được sang các thị trường chính, đem lại giá trị lâu bền cho hoa hồi. “Các nước Tây Âu rất muốn mua hồi của mình nhưng mình lại không đủ điều kiện để xuất sang họ”, ông Sỹ tiếc nuối.
Làm gì để có thị trường ổn định?
Theo ước tính, hiện nay Lạng Sơn có khoảng 35.000 ha diện tích trồng hồi, phân bố ở khắp các huyện nhưng tập trung lớn ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc, Đình Lập… Trong đó Văn Quan được đánh giá là “vựa” hồi khi có đến 15.000 ha diện tích hồi, mỗi năm thu về từ 8.000 – 10.000 tấn hồi khô (cứ khoảng 3,5 kg hồi tươi được 1 kg hồi khô).
Bà Lương Mai Tú, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết, từ năm 2007, sản phẩm hồi, cây hồi Lạng Sơn đã được cấp chỉ dẫn địa lý và được Nhà nước bảo hộ. Hiện nay huyện Văn Quan đang có chủ trương chuyển đổi dần 15.000 ha trồng hồi tự nhiên sang sản xuất hồi hữu cơ. Ngoài ra, Văn Quan đang tập trung phát triển các nhà máy chế biến sâu để đảm bảo chất lượng sản phẩm hồi.
Còn ông Lý Việt Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết, thời gian qua Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực phát triển cây hồi. Theo đó, một số diện tích hồi Lạng Sơn đã được cải tạo từ năng suất thấp thành năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài ra, một số diện tích hồi đang sản xuất theo mô hình hồi hữu cơ.
Theo ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, việc phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc đã khiến sản phẩm hồi không ổn định, giá cả bấp bênh. Ông Thủy cũng cho rằng việc thu mua và sản xuất hồi hiện nay ở Lạng Sơn còn nhỏ lẻ, tự phát, trong khi Trung Quốc, ngoài việc thu mua hồi từ Lạng Sơn, họ có nguồn nguyên liệu lớn, công nghiệp chế biến hiện đại nên xuất khẩu sang được các thị trường khó tính, đem lại hiệu quả cao.
Trước khó khăn về thị trường cũng như giá cả không ổn định của sản phẩm hồi, ông Thủy cho biết, hiện tỉnh có chủ trương thu hút, kêu gọi các DN đầu tư vào quá trình chế biến sâu các sản phẩm hồi, hướng đến xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Đông, Tây Âu…