Đây là câu hỏi không chỉ làm nhức nhối những gia đình có người tự tử mà còn cả xã hội, bởi chùm 5 nghiên cứu về vấn đề tự tử ở Việt Nam cho thấy chỉ có rất ít số người tự tử được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần, còn lại đa phần đều tỉnh táo khi quyết định chấm dứt cuộc đời mình.
[links()]Đa phần những người tự tử đều tỉnh táo, không có biểu hiện tâm thần trước khi tự tử, vậy nguyên nhân cho hành vi này là đâu?. Đó là câu hỏi không chỉ làm nhức nhối những gia đình có người tự tử mà còn khiến cả xã hội phải quan tâm.
Nhảy cầu vì cảm xúc cô độc
Làm việc hơn 10 năm ở nút giao thông cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Đức Đoàn – Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội, chứng kiến rất nhiều vụ tự tử và ông cứu được không ít vụ, kéo nhiều người ra khỏi "nanh vuốt "thần chết".
Trưa 18/8/2012 – Thượng tá Lê Đức Đoàn nhớ lại – nhận được tin báo của người dân, ông chạy đến và nhìn thấy một cô gái khá xinh đẹp đang đứng chênh vênh trên thành ống dẫn nước to chạy ngoài thành cầu, chuẩn bị nhảy xuống sông.
|
Ảnh minh họa từ internet. |
Phải mất một lúc lâu vừa thuyết phục vừa khôn khéo tiến đến gần, ông Đoàn mới lôi được cô gái vào trong và từ đó cho tới 3 giờ sau cô gái chỉ khóc nức nở mà không nói được lời nào. Sau này đã bình tâm lại, cô gái cho biết cô sinh năm 1985 người Tây Ninh, lấy chồng người Hà Nội và theo chồng ra Thủ đô sinh sống. Cô vừa sinh con được 10 tháng, cuộc sống khó khăn đã khiến vợ chồng cô liên tục xô xát.
Người chồng cô đã nhiều lần đánh đập cô và thậm chí còn đánh đập cả mẹ cô là bà ngoại đứa trẻ ra Bắc trông cháu giúp con. Hai mẹ con cô xa lạ không họ hàng, đồng hương ở ngoài này nên không biết kêu ai, còn nhà chồng thì thờ ơ, biết sự tình như vậy cũng không can thiệp gì. Trưa hôm đó, sau một trận cãi nhau kịch liệt với chồng, cô đã chạy ra khỏi nhà, thuê xe ôm lên cầu với ý định gieo mình xuống sông cho hết khổ.
Tháng 12/2012, CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) đã tiến hành nghiên cứu “Thực trạng bạo lực tình dục và cách ứng phó của những nạn nhân bạo lực gia đình trong các CLB do CSAGA hỗ trợ” tập trung vào 165 phụ nữ bị bạo lực gia đình.
Kết quả là 49,5% trong số đối tượng khảo sát đã từng có ý nghĩ sẽ tự tử vì phải chịu đựng các hình thức bạo lực tình dục; 40% trong số này đã thực hiện hành vi tự tử bằng những hình thức khác nhau như mua thuốc trừ sâu, thuốc ngủ, treo cổ tự tử, nhảy cầu, nhảy xuống sông...
Bên cạnh đó, những nghiên cứu của nhiều nhóm bác sĩ cũng cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình hình tự tử là bức xúc về vấn đề gia đình, xã hội, về tình cảm, và chỉ một số ít người bị các bệnh mãn tính, bệnh tâm thần. Như vậy, đa phần đều tỉnh táo khi quyết định chấm dứt cuộc đời mình. Vậy vì sao họ lại tìm đến cái chết?. Phải chăng sự vô cảm của xã hội cũng là một nguyên nhân không nhỏ.
Chưa được quan tâm thỏa đáng
Hiệp hội phòng chống tự tử trên thế giới và Tổ chức Y tế thế giới đã phối hợp để hình thành nên một “bản đồ các quốc gia có nạn tự tử cao”, tuy cũng là một trong những nước có số người tự tử cao nhưng Việt Nam lại không được thể hiện trên bản đồ này vì từ trước đến nay chưa có cơ quan, tổ chức nào ở Việt Nam tiến hành một cuộc thống kê chính thức về nạn tử tử ở Việt Nam.
Điều này cho thấy Việt Nam là một trong số các quốc gia châu Á chưa có sự quan tâm thỏa đáng đến vấn đề tự tử, dù rằng Bộ Y tế Việt Nam đã khẳng định: “tự tử đã thực sự trở thành một trong 10 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết của người Việt Nam”.
Để hạn chế tự tử, nên tránh đề cập về các hiện tượng này một cách giật gân, tránh đưa đưa ảnh chi tiết hiện trường và không nên mô tả tường tận phương thức tự tử. Các phương tiện truyền thông cần có thông tin về sự trợ giúp và các yếu tố nguy cơ cũng như các khuyến nghị đối với những người có trách nhiệm, các địa chỉ hỗ trợ.
Thông điệp thấm đẫm nhân tình của người đã giải cứu nhiều vụ tự tử Trong “sự nghiệp” cứu người tự tử của mình, Thượng tá Lê Đức Đoàn – Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội đã có một lần nhảy xuống sông cùng người tự tử, dù rằng mặt cầu cách sông hơn 20m, nguy cơ tổn thương nội tạng khi đập người xuống mặt nước rất cao. “Nhưng tôi không thể chỉ đứng nhìn, không nhảy vì như thế là quá vô cảm” – ông khẳng định. Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết khi tiếp cận với người tự tử để cứu họ ông thường căn cứ vào tuổi tác để xưng danh bố/con, anh/em, chú/cháu tạo cho họ cảm giác là trên đời này vẫn còn người rất yêu thương quan tâm đến mình chứ không phải bế tắc hoàn toàn, trong cuộc thuyết phục ông gợi cho người tự tử nhớ đến những người thân của mình, như vụ cô gái người Tây Ninh nói trên, ông đã nhắc đến đứa con thơ mới 10 tháng tuổi và bà mẹ chỉ có mỗi đứa con gái là thân thích ở ngoài Bắc để khiến cô nghĩ lại từ bỏ ý định chết. “Cứu một mạng người hơn xây 7 cái chùa”, trong cuộc đời mình ông Đoàn đã cứu sống rất nhiều người, nhưng với ông đó là “trách nhiệm với đồng loại, tình nghĩa với con người. Bất cứ mình là ai, làm gì thì điều quan trọng nhất vẫn là đừng sống vô cảm. Khi đó, tự tử là vấn đề có thể phòng tránh được”, ông khẳng định. |
Hồng Minh