Tại sao lại giết Nguyễn Đức Nghĩa?

"Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa giống như một "câu chuyện kinh dị ma quái" sắp đi đến hồi kết thúc. Một số người hồi hộp chờ đợi xem có đột biến gì trong việc tuyên án tử hình Nghĩa hay không. Một số khác thì tin chắc rằng án tử hình sẽ là đương nhiên...".

"Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa giống như một "câu chuyện kinh dị ma quái" sắp đi đến hồi kết thúc. Một số người hồi hộp chờ đợi xem có đột biến gì trong việc tuyên án tử hình Nghĩa hay không. Một số khác thì tin chắc rằng án tử hình sẽ là đương nhiên, giống như câu chuyện kinh dị thường hay vào lúc cuối".
Luật sư Ngô Ngọc Trai đã phân tích cặn kẽ các vấn đề khoa học pháp lý xung quanh vụ án Nguyễn Đức Nghĩa. Bài viết là ý kiến riêng của luật sư về vụ án đang được xã hội quan tâm này.

Bản thân Luật sư Trai trong khi đợi phiên tòa phúc thẩm đã từng viết một bài phân tích về tình tiết tăng nặng “thực hiện tội phạm một cách man rợ”, bài viết đã được đăng trên báo Dân Trí vào ngày 13/10 vừa qua.

Xung quanh chuyện Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo

Viết đăng trên Dân Trí xung quanh chuyện Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo, LS Trai viết:

Là một người công tác trong ngành luật, quan điểm của người viết bài này cho rằng khả năng Nghĩa bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình là 99,99%.

Điều này xuất phát từ việc tôn trọng nguyên tắc chung của Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Ở đây, một điểm rõ ràng cần thống nhất, đó là cho dù Nghĩa có hành vi giết người rõ ràng và chính Nghĩa đã thừa nhận điều này thì Nghĩa vẫn có quyền được pháp luật bảo vệ bằng việc được đưa ra xét xử theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Trong đó có sơ thẩm, phúc thẩm.

Không ai được tước đi các quyền này của Nghĩa, cho dù tại phiên sơ thẩm Nghĩa có nói là không kháng cáo, đến ngày thứ 15 kể từ ngày tuyên án Nghĩa thay đổi ý kiến và có đơn kháng cáo thì đơn của Nghĩa vẫn được chấp nhận, pháp luật quy định cho thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để cho Nghĩa suy nghĩ quyết định.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy là người bào chữa cho bị cáo lập luận rằng hành vi của nghĩa là nhằm phi tang dấu vết tội phạm và không phải là thực hiện tội phạm một cách man rợ vì nạn nhân đã chết.

Nguyễn Đức Nghĩa được đưa vào phòng xử. (Ảnh: Bee)
Nguyễn Đức Nghĩa được đưa vào phòng xử. (Ảnh: Bee)

Dưới góc độ yếu tố pháp lý thì “thực hiện hành vi một cách man rợ” là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, luật sư Ngô Ngọc Thủy muốn tránh cho bị cáo chịu tình tiết tăng nặng này.

Về vấn đề này tôi cho rằng luật sư Thủy đã nhầm lẫn giữa hành vi và hành động. Rõ ràng, hành vi giết người của Nghĩa là vụ giết người man rợ nhất từ trước tới nay mà báo chí đưa tin.

Hành động đâm từ sau lưng rồi cắt rời cổ nạn nhân là một chuỗi hành động tiếp nối liền nhau, trong cùng không gian, cùng bối cảnh, cùng công cụ phương tiện, cùng thủ phạm và nạn nhân, đây là một hành vi phạm tội, hành vi giết người.

Chúng ta có thể phân biệt bóc tách từng hành động thực hiện tội phạm như các thao tác đâm, cắt nhưng không được bóc tách hành vi phạm tội như thế.

Hành vi là thuật ngữ pháp lý chỉ một chuỗi các hành động hoặc một hành động hoặc một sự không hành động của một con người mà việc hành động hoặc không hành động đó xâm phạm tới quan hệ pháp luật được nhà nước bảo vệ.

Việc không hành động cũng có thể là một hành vi phạm tội như việc thấy người sắp chết mà không cứu, Bộ luật hình sự quy định tại Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Trong hành vi giết người có thể bao hàm nhiều hành động như đánh, đấm, đạp, đâm, chém, hoặc chỉ một hành động đâm.

Ở đây ông luật sư Ngô Ngọc Thủy đã nhầm lẫn giữa hành động và hành vi nên đã bóc tách hành động đâm và hành động cắt.

Nếu tách từng thao tác hành động ra để xử lý thì có lẽ cần xử Nghĩa thêm tội về xâm phạm thi thể mồ mả hài cốt theo Điều 246 Bộ luật hình sự, mà như thế thì dẫn đến một hành vi phạm tội bị xử lý hai lần. Điều này là hết sức vô lý bởi không thể một hành vi vi phạm (một chuỗi hành động) người ta sẽ bị xử lý mỗi hành động là một tội danh.

Hiến xác nhân đạo

Viết trên VietNamNet, Luật sư Ngô Ngọc Trai đã đề cập đến vấn đề khoa học pháp lý xung quanh vụ án được dư luận quan tâm này:

Bác sĩ Khuất Duy Thái, Phó chủ nhiệm khoa Ngân hàng Mô & Điều trị liền vết thương, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã nêu vấn đề bị cáo Nghĩa nên tự nguyện hiến xác cho khoa học. Đây là vấn đề mới với đa số công chúng, gây bất ngờ và đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ phía gia đình bị cáo.

Sau đó, vấn đề đã không còn được báo chí nhắc đến, tuy nhiên không thể phủ nhận đây thực sự là tâm huyết của người bác sĩ hành nghề cứu người, và đề xuất của ông hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Diễn biến cuộc sống cho thấy rằng, mỗi tiến trình thực hiện đều có những bước đi đầu tiên và khi cái mới lạ xuất hiện thường hay bị đón nhận bởi sự nghi kỵ và lảng tránh.

Bỏ án tử hình?

Phiên tòa phúc thẩm sẽ được TAND tối cao mở lại trong thời gian tới (theo dự kiến vào ngày 13/10, nhưng đã bị hoãn do vắng mặt luật sư bào chữa cho bị cáo Nghĩa), trường hợp Nguyễn Đức Nghĩa bị tuyên y án tử hình thì bản chất toàn bộ sự việc sẽ không thể rõ ràng hơn là: Nghĩa đã giết người không hợp pháp, ngược lại nhân danh luật pháp để giết Nghĩa là hợp pháp.

"Một số người hồi hộp chờ đợi xem có đột biến gì trong việc tuyên án tử hình Nghĩa hay không. Một số khác thì tin chắc rằng án tử hình sẽ là đương nhiên, giống như câu chuyện kinh dị thường hay vào lúc cuối...".

Theo lẽ thường, có rất nhiều lý do được đưa ra minh chứng cho việc giết Nghĩa là đúng đắn, như: Nghĩa đã giết người man rợ và pháp luật quy định mức án tử hình cho người có hành vi đó, do vậy tử hình Nghĩa là chính xác. Hoặc: Tử hình Nghĩa là để trừng trị, loại bỏ kẻ ác. Hoặc: Tử hình Nghĩa để răn đe, phòng ngừa kẻ khác để không xảy ra vụ việc tương tự.

Tất cả những lý do trên nghe qua thì hợp lý và có cơ sở thực tiễn, nhưng tựu chung lại, nếu xét về bản chất, ý nghĩa, vai trò của luật pháp, thì đó là sự áp dụng một "biện pháp tồi tệ" để đạt đến một mục đích tốt đẹp.

Nếu coi luật pháp là phương tiện thực hiện và coi các quyền con người là mục tiêu bảo vệ, thì rõ ràng việc sử dụng án tử hình chứa đựng sự bất dung hòa về thang giá trị giữa phương tiện và mục tiêu.

Như vậy, sử dụng phương tiện luật pháp, nhân danh nhà nước để giết một người với mục tiêu bảo vệ những người còn lại là đã sử dụng một phương tiện mang giá trị phản lại giá trị của chính mục tiêu hướng đến. Một mục tiêu đúng đắn phải được thực hiện bởi những phương tiện đúng đắn. Bất chấp phương tiện để đạt đến mục tiêu là đã xóa bỏ các giá trị nền tảng cơ bản.

Ý nghĩa, vai trò của luật pháp là gì?

Trong xã hội văn minh, luật pháp không là công cụ để cai trị xã hội, mà là phương tiện để bảo vệ các quyền của con người. Trong đó, trước nhất và trên hết là quyền được sống. Do vậy, các quy định của luật pháp phải chứa đựng được nội dung cơ bản này và việc thực hiện không được đi ngược lại ý nghĩa, vai trò của luật pháp.

Từ sự khác biệt về ý nghĩa, vai trò giữa công cụ để cai trị và phương tiện để bảo vệ sẽ đem lại sự khác nhau về các thang giá trị xây dựng và các biểu hiện (quy định pháp luật cụ thể) trên thực tế.

Nếu luật pháp đơn giản là công cụ của người cầm quyền để cai trị xã hội thì nó sẽ xem nhẹ việc ban hành luật pháp, coi nặng hình phạt và sẵn sàng giết người để đạt mục tiêu cai trị xã hội. Nhưng nếu luật pháp là phương tiện để bảo vệ các quyền con người, thì việc xây dựng luật pháp phải dựa trên nền tảng các giá trị là quyền con người.

Các quy định về hình phạt cũng phải đảm bảo sự dung hòa đúng mực giữa việc ngăn ngừa vi phạm và sự tồn tại của đối tượng cần được bảo vệ.


Ở nước ta, tuân theo xu hướng của pháp luật tiến bộ, Luật hình sự năm 2009, sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 đã bỏ mức án tử hình đối với các tội: Tội hiếp dâm (Điều 111); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); Tội buôn lậu (Điều 153); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); Tội đưa hối lộ (Điều 289); Tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).
Do vậy, nếu đồng ý rằng luật pháp là phương tiện để bảo vệ các quyền của con người thì cần bỏ đi án tử hình. Sử dụng án tử hình là việc làm hoàn toàn vô nghĩa nếu nhìn nhận dưới lăng kính rằng luật pháp là phương tiện để bảo vệ các quyền con người. Quyền sống là quyền tối thượng của con người mà mọi xã hội, mọi luật pháp đều hướng đến và bảo vệ nó.

Nếu cứ giữ quan điểm cho rằng mức án tử hình là để trừng trị, răn đe và phòng ngừa thì ta lý giải thế nào về việc lâu nay có án tử hình mà các vụ việc giết người vẫn thấy ngày một nhiều?

Một điều chắc chắn là sử dụng án tử hình chỉ giúp ngăn ngừa giảm thiểu, chứ không loại bỏ 100% các vụ phạm tội. Vậy hiệu quả răn đe phòng ngừa của mức án tử hình đến đâu, có được phân tích thống kê hay không?

Thực tế ta thấy, án tử hình ngoài việc đi ngược lại nền tảng giá trị của luật pháp nó còn không giúp giảm số vụ phạm tội.

Giải pháp nào thay thế cho án tử hình?

Án tử hình là nội dung không đúng cần bỏ đi và không thể áp dụng một hình phạt không đúng khác thay thế cho án tử hình. Không có nhiều sự lựa chọn, chúng ta sẽ sử dụng các hình phạt còn lại một cách nghiêm minh hơn và mang tính răn đe hơn. Chúng ta sử dụng án chung thân hoặc án có thời hạn nhưng không hạn chế số năm tù, ví dụ 50 năm, 100 năm, 200 năm tù giam.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng, hầu như tất cả các tên tội phạm khi phạm tội đều tìm cách che dấu hoặc tìm cách trốn thoát khỏi sự trừng phạt. Tâm lý của tội phạm luôn luôn là tìm cách trốn thoát khỏi sự trừng phạt. Rất nhiều trường hợp mà lý do thúc đẩy một người phạm tội là suy nghĩ rằng hắn sẽ thoát khỏi sự trừng phạt.

Để giảm thiểu số vụ vi phạm pháp luật nói chung, có một vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục, phổ biến pháp luật. Chúng ta cần đánh giá đúng mức vai trò của việc giáo dục và phổ biến pháp luật, bởi khi đánh giá không đúng vai trò của phương tiện thì thực hiện thường không đem lại kết quả.

Sự phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ dừng lại ở việc được làm cái này hay không được làm cái kia. Giáo dục pháp luật phải giúp cho tất cả mọi người thấy rằng, khi một người vi phạm, người đó nhất định bị trừng phạt, người đó chắc chắn không thoát khỏi được sự trừng phạt. Khi mọi người ý thức được rằng nếu vi phạm mình nhất định bị trừng phạt, tự mỗi người sẽ cân nhắc về hành vi vi phạm.

Đó là niềm tin của mọi người vào tính nghiêm minh của pháp luật.

Để làm cho mọi người tin vào sự nghiêm minh của pháp luật như vậy, thì cần nâng cao năng lực của cá nhân người thi hành luật pháp, và nâng cao tính đúng đắn, khoa học của các quy định pháp luật. Không làm được hai điều đó sẽ dẫn đến người dân không tin vào sự nghiêm minh của luật pháp và có tâm lý coi thường, vi phạm.

Dưới góc độ người làm luật, thì việc làm thế nào để không xảy ra vi phạm khó khăn hơn nhiều là đưa ra những hình phạt. Giết người thì dễ dàng hơn nhiều là giáo dục để họ không vi phạm, và lựa chọn phương án giết người là sự chọn lựa của con người chưa văn minh.

Trở lại vụ án này, Nguyễn Đức Nghĩa phạm tội là vì hắn cho rằng sẽ trốn tránh được sự trừng phạt. Nếu trước đó chúng ta giúp Nghĩa hiểu được là hắn sẽ bị trừng phạt nếu hắn phạm tội thì có lẽ vụ việc đã không xảy ra.

Như vậy, đừng quên rằng, lỗi rất lớn thuộc về tất cả chúng ta... Thời gian qua đi, câu chuyện buồn của Nghĩa có thể sẽ không còn được quan tâm nữa, nhưng có những vấn đề mang tính nhân văn, tính pháp lý to lớn đã và nên được gợi mở thông qua vụ án này. Nếu tất cả chúng ta cùng quan tâm và xử lý khéo léo, thì vụ án sẽ có tác dụng đóng góp hết sức bổ ích.

Theo Luật sư Ngô Ngọc Trai
VietNamNet

Đọc thêm