Chưa làm rõ hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
Cáo trạng của VKS cáo buộc hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” của Hà văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và các đồng phạm gây hậu quả thiệt hại 1.576.012.242.219 đồng.
Tại phiên toàn hôm 9/9, bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng, Giám đốc khối tài chính kế hoạch Ocean Bank) cho biết không đồng tình trước việc Oceanbank xác định 1.576 tỷ đồng là số tiền thiệt hại: “Bị cáo cho rằng, tất cả đã được thể hiện rõ. Khoản chi phí 1.576 tỷ đồng mà xét là thiệt hại là không thể chấp nhận. Oceanbank là đơn vị kinh doanh, nếu xét khoản chi này là thiệt hại thì đại diện Ngân hàng nên về xem xét lại toàn bộ lợi nhuận ngân hàng là từ đâu? Tại sao đưa ra kết luận thiệt hại mà chỉ xem xét đến chi phí? Bị cáo không thấy thỏa đáng và không đồng ý. Oceanbank cần xem xét lại cho các bị cáo về các nguồn thu, trong đó có cả công sức của các bị cáo ngồi đây liệu có thỏa đáng không”.
Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank trước đó cũng một mực khẳng định 1.576 tỷ đồng bị quy kết trong cáo trạng không phải là thiệt hại mà đó là khoản chi lãi ngoài để huy động vốn, từ đó thu lợi nhuận về cho ngân hàng: “Tôi là cổ đông lớn nhất của OceanBank. Tôi khẳng định 1.500 tỷ đồng không phải là thiệt hại của ngân hàng mà chỉ là khoản chi lãi ngoài để huy động vốn, từ đó thu lợi về cho ngân hàng. Tôi không hồ đồ hết lần này đến lần khác tự làm thiệt hại cho chính mình”.
Để xác định thiệt hại do hành vi Cố ý làm trái của các bị cáo, Cơ quan điều tra có Quyết định số 58/C46-P11 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc giám định tư pháp, trong đó có nội dung rất quan trọng là giám định số tiền Ocean Bank chi trả lãi ngoài huy động vốn trên 1.576 tỷ đồng có trái với quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước không? Nếu có đã gây thiệt hại cho Ocean Bank là bao nhiêu?
Vậy nhưng Ngân hàng Nhà nước đã không đưa ra được kết luận về thiệt hại theo yêu cầu của Cơ quan Điều tra, như lời ông Đỗ Hoàng Quân (đại diện Đoàn giám định của Ngân hàng Nhà nước) xác nhận tại Tòa: “Cơ quan Cảnh sát điều tra với các số liệu cung cấp đã xác định thiệt hại. Chúng tôi chỉ xác định những sai phạm và vi phạm theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”.
Về vấn đề này, các luật sư cho rằng cần phải làm rõ về khoản tiền nói trên để xác định các bị cáo có cố ý làm trái hay không. Theo Luật sư Hoàng Huy Được, kết luận giám định không hề đề cập số tiền 1.576 tỷ đồng là thiệt hại và vi phạm nghiêm trọng luật giám định tư pháp. Nhiều nội dung không đủ cơ sở giám định nhưng vẫn được giám định, trong đó còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm liên quan đến vụ án thì còn khách quan, vô tư hay không?
Ông Được cho rằng, bản kết luận giám định không vô tư khách quan, “Đoàn giám định đã vi phạm Điều 31 Luật Giám định quy định người thực hiện giám định phải ghi nhận thời gian, đầy đủ kết quả giám định bằng văn bản. chúng tôi không tìm thấy bút ký hay chương trình, hoặc văn bản nào ghi nhận việc này của Đoàn giám định”. – Luật sư Được khẳng định.
Tiếp đó, luật sư Được cho rằng, Đoàn giám định vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 32 của Luật quy định thời gian, địa điểm hoàn thành việc giám định. Ông Được đưa ra lập luận: “Ông Đỗ Anh Quân đã trình bày việc giám định được thực hiện tại trụ sở cơ quan CSĐT, trụ sở Bộ Công an trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chứ không như trong văn bản ghi là tại Cơ quan thanh tra NHNN (số 45 Lý thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Một kết luận mang tính khoa học đúng đắn nhưng được thực hiện không đúng đắn”… Với những vi phạm của Đoàn giám định theo như quan điểm của luật sư, kết luận các bị cáo gây thiệt hại 1.576 tỉ đồng cho Oceanbank là hoàn toàn không có căn cứ.
Cùng quan điểm với Luật sư Được, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nhận định rằng căn cứ xác định thiệt hại về hành vi cố ý làm trái là đơn phương từ CQĐT, chưa có xem xét bởi một đơn vị độc lập khác do vậy kết quả này là duy ý chí, là hình sự hoá quan hệ kinh doanh ngân hàng.
Đối với khoản 1.576 tỷ đồng, trên góc độ kinh doanh thì đây phải là một loại chi phí hoạt động. Luật sư cũng nhắc lại trước đó, Đại diện VKS đã cho rằng là đây là việc hạch toán nhầm TK, nếu như vậy thì có thể điều chỉnh hạch toán. Luật sư chỉ rõ có “nghịch lý trong việc xác định thiệt hại”, ngay cả nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Đại Dương mới cũng không xác định được mình mất bao nhiêu, trong hoàn cảnh nào, yêu cầu ai trả. Không đưa ra được chi tiết nào thể hiện mình là người thiệt hại mà yêu cầu được bảo vệ.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, đây là vụ án về hành vi chăm sóc khách hàng đã bị hình sự hóa. Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi làm trái của họ và trình bày lý do, tình thế buộc họ phải làm trái. Tuy nhiên, các hành vi làm trái đó không những không gây thiệt hại mà còn mang lại hiệu quả. Bản luận tội của VKS đã không đánh giá thiệt hại theo phương pháp tính đầu vào, thao tác và đầu ra trong kinh doanh.
Chưa có căn cứ xác định số tiền mà Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị VKS truy tố về hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” số tiền 69 tỷ đồng giai đoạn Sơn làm TGĐ Oceanbank, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” số tiền 197 tỷ đồng, “Tham ô tài sản” số tiền 49 tỷ đồng giai đoạn Sơn về làm Phó TGĐ PVN. Cáo buộc của VKS dựa trên nhận định việc nguyễn Xuân sơn đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền nêu trên.
Song, như diễn biến tại phiên tòa, nhận định của VKS về số tiền Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt đã không còn chính xác bởi lẽ khi Ninh Văn Quỳnh (Phó Tổng Giám đốc PVN) khai nhận việc hưởng lợi từ Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng. Ông Quỳnh là cấp dưới của Sơn mà được hưởng lợi số tiền “khủng” như vậy, thì khó có thể nói rằng, các “ông lớn” trong hệ thống PVN, trong bối cảnh quan hệ đặc biệt giữa PVN và Ocean Bank lại không nhận gì từ Ocean Bank thông qua Nguyễn Xuân Sơn. Ngoài khoản chi cho Ninh Văn Quỳnh thì mỗi khoản tiền khác mà Nguyễn Xuân Sơn phải chi, nếu được chứng minh lại làm giảm đi số tiền mà Sơn có thể đã chiếm đoạt.
Xem xét lại lời khai của Ninh Văn Quỳnh, một phần nào đó phù hợp với lời khai của Nguyễn Xuân Sơn tại phiên sơ thẩm lần này. Đó là khi Sơn bất ngờ thành khẩn về chuyện nhận tiền từ Oceanbank và dùng toàn bộ số tiền để chi “chăm sóc khách hàng” thuộc nhóm PVN chứ không hề chiếm đoạt.
Liên quan đến lời khai của Nguyễn Xuân Sơn, Cơ quan Điều tra đã khởi tố thêm bốn vụ án ngay trong thời gian Sơn đang bị xét xử. Ngày 31/8, Cơ quan Điều tra khởi tố vụ án và khởi tố năm bị can tại VPN về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 13/9, Cơ quan Điều tra khởi tố ba vụ án hình sự “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) theo Điều 280 - Bộ luật Hình sự; đồng thời khởi tố bổ sung vụ án hình sự và khởi tố bổ sung bị can đối với Ninh Văn Quỳnh với cùng tội danh.
Theo nội dung các quyết định khởi tố, thì Cơ quan Điều tra đã theo thủ tục luật định để tiến hành điều tra tiêu cực về quản lý kinh tế và hành vi chiếm đoạt mà các bị can thuộc hệ thống PVN thực hiện, bao gồm cả việc nhận tiền từ Ocean Bank thông qua Nguyễn Xuân Sơn. Vì vậy, việc xác định Sơn đã chiếm đoạt bao nhiêu, phải chi bao nhiêu tiền “chăm sóc khách hàng” còn phải đợi kết quả giải quyết bốn vụ án liên quan nêu trên.
Chưa có căn cứ xác định 49 tỷ đồng bị tham ô
Trong số 246 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn nhận từ Ocean Bank, theo quan điểm của VKS thì có 20% thuộc sở hữu Nhà nước do PVN là đại diện sở hữu. Vì vậy, Nguyễn Xuân sơ bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” số tiền 49 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vì đã xuất hiện những tình tiết, chứng cứ cho thấy Nguyễn Xuân Sơn không hoàn toàn chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nhận từ Oceanbank và cũng chưa có cơ sở để xác định chính xác số tiền mà Sơn có thể đã chiếm đoạt, nên cũng không có cơ sở xác định 20% sở hữu Nhà nước trong tổng số tiền mà Sơn chiếm đoạt trong giai đoạn Sơn đã rời khỏi chức vụ TGĐ Oceanbank.
Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, con số 49 tỷ đồng mà VKS cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn về hành vi “Tham ô tài sản” là kết quả của phép tính “số học thuần túy” và không thuyết phục. Bởi lẽ PVN, với tư cách là cổ đông của Ocean Bank, chỉ có quyền sở hữu đối với 20% vốn chủ sở hữu và cổ tức được chia từ Ngân hàng này, chứ không thể có phần sở hữu đối với mọi nguồn vốn mà Ocean Bank quản lý và sử dụng. Trong khi đó, số tiền 246 tỷ đồng, nằm trong số tiền 1.576 tỷ đồng mà Ocean Bank sử dụng để chi lãi ngoài và chăm sóc khách hàng là thuộc nguồn vốn kinh doanh mà Ocean Bank huy động từ bên ngoài.
“Cơ quan điều tra đã đưa ra phép tính mà không dựa trên nguồn gốc phát sinh số tiền này. Thậm chí Petro Vietnam - vốn được xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án này, cũng không xác định được mức bồi thường và cũng không có đơn đòi bồi thường. Petro Vietnam chỉ yêu cầu bồi thường căn cứ vào cơ quan điều tra và phán xét của Hội đồng xét xử” - luật sư Thiệp nhận định - “Tóm lại, không có căn cứ, cơ sở xác định 49 tỷ đồng là của Petro Vietnam vì số tiền đó không phải vốn góp, không phải cổ tức, lợi nhuận đã được chia, theo đó không có cơ sở để quy kết Sơn chiếm đoạt của Petro Vietnam”.
Cũng về hành vi “Tham ô tài sản”, Luật sư Nguyễn Minh Tâm phân tích, chỉ có những người có chức vụ quyền hạn, đồng thời quản lý tài sản mới có thể thực hiện hành vi tham ô. Mà thời điểm đó, Nguyễn Xuân Sơn chỉ đại diện 8% trong phần vốn PVN dự kiến gửi vào Oceanbank (lúc đó PVN chưa gửi). Đến khi PVN gửi 20% vào Oceanbank, ông Nguyễn Ngọc Sự mới là người đại diện phần vốn góp đó.
Do đó, không đủ căn cứ xác định Sơn là đại diện phần vốn 20% của PVN tại Oceanbank, các yếu tố cấu thành tội "Tham ô" của Nguyễn Xuân Sơn không thỏa mãn… nên các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét Nguyễn Xuân Sơn về tội "Tham ô" và đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.
Có những yếu tố liên quan đến vụ án khác
Trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, một số tình tiết mới liên quan đến hành vi của Nguyễn Xuân Sơn vừa xảy ra là việc khởi tố vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP).
Vị Luật sư này băn khoăn rằng: “Việc luận tội Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tài sản đồng nghĩa với việc công nhận lời khai chối tội của các lãnh đạo đơn vị kia. Vậy hà cớ gì còn cần thiết khởi tố vụ án tại các đơn vị thành viên của Petro Vietnam?”.
Theo Luật sư Phương, việc quy kết bị cáo Sơn có hành vi chiếm đoạt tiền sẽ cản trở yếu tố điều tra của các vụ án mới khởi tố này. Rất có thể, do đã có quy kết đối với Sơn nên các bị cáo khác sẽ đổ hết số tiền mình đã nhận cho Sơn. Từ những lập luận đó, luật sư Phương đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung dựa theo những tình tiết mới xảy ra trong quá trình xét xử.
Trong một diễn biến khác tại phiên tòa chiều ngày 21/9, như nhiều tờ báo mô tả lại, là “hết sức bất ngờ”, khi việc xét xử được tạm dừng chỉ sau 5 phút bắt đầu với lời khai ngắn gọn của ông Ninh Văn Quỳnh.
Ông Ninh Văn Quỳnh chỉ nói duy nhất một câu: “Như tôi đã trình bày với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, từ năm 2009 - 2013, tôi có nhận từ anh Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng; trong đó, tôi đã chi một số khoản cho mục đích cá nhân. Tôi mong Cơ quan cảnh sát điều tra và VKS cho phép tôi sớm khắc phục lại số tiền đó để được hưởng khoan hồng của pháp luật”.
Liên quan đến lời khai của ông Quỳnh, Luật sư Đỗ Ngọc Quang nhận định: Hành vi của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng gắn liền với hành vi của thân chủ ông - Ninh Văn Quỳnh và ngược lại. Hành vi nhận tiền của ông Ninh Văn Quỳnh bắt nguồn từ hành vi của Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng. Bởi vậy, trong vụ án không thể hành vi phạm tội gắn liền với nhau lại được đưa ra xét xử tại 2 vụ án, 2 phiên tòa khác nhau. Chính vì thế, luật sư kiến nghị HĐXX trả hồ sơ vụ án để gộp lại thành một vụ.