Tại sao thi THPT Quốc gia năm nay tổ chức sớm?

(PLO) - Kỳ thi năm 2017 sẽ được tổ chức ngày 21-24/6, trong đó thời gian thực tế thi là 2,5 ngày (năm 2016, kỳ thi diễn ra trong 4 ngày), sớm hơn so với kì thi vào đầu tháng 7 những năm trước...
Ảnh minh họa.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 gồm 3 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên. Các môn Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng môn Ngữ văn thi tự luận. 

Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh học chương trình THPT phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong số Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải làm 3 bài thi, gồm hai bài độc lập Toán, Ngữ văn và một bài do thí sinh tự chọn trong số 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

PGS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Sau khi xem xét, cân nhắc thời gian thi phù hợp và thuận lợi nhất cho thí sinh, Bộ quyết định thời gian tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2017 sẽ được đẩy lên sớm hơn so với những năm trước. Kỳ thi năm 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 21-24/6, trong đó thời gian thực tế thi là 2,5 ngày (năm 2016, kỳ thi diễn ra trong 4 ngày).

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được tiến hành tích cực tại từng địa phương, từng cơ sở giáo dục. Đơn cử mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tiến hành khảo sát chọn tổ hợp và môn thi trên diện rộng và nhận được kết quả khá bất ngờ khi học sinh chọn thi môn Lịch sử và Địa lý cao hơn những năm trước. Đặc biệt, nhiều trường trung học phổ thông sử dụng kỳ kiểm tra khảo sát học kỳ 2 của lớp 12 làm kỳ thi quốc gia thử để học sinh làm quen với phương thức thi của kỳ thi quốc gia ở tất cả các khâu như phân chia phòng thi, in sao đề thi, coi thi và chấm thi. 

Mặc dù năm nay, Bộ GD-ĐT đã giao cụm thi về các địa phương do các Sở GD-ĐT chủ trì nhưng vai trò của các trường đại học vẫn thể hiện rõ nét trong kỳ thi năm nay thông qua việc cử cán bộ giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại các địa phương theo tỷ lệ 1-1 (1 địa phương, 1 trường đại học).  

Theo Bộ GD-ĐT, phương án tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông. Với mong muốn từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt. 

Từ ngày 1/4, cùng với đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các thí sinh cũng đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), các thí sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các trường trước khi đăng ký xét tuyển. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay, thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng, số trường đăng ký xét tuyển. Đây là cơ hội để các em có thể chọn được những ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Tuy nhiên, dù được đăng ký nhiều nguyện vọng thì trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh chỉ trúng tuyển ở một nguyện vọng phù hợp với điểm thi. Vì vậy, trước khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu rõ các thông tin về ngành học, chỉ tiêu xét tuyển, điểm trúng tuyển các năm trước, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm... của từng ngành, từng trường, xem học lực của mình có phù hợp hay không. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên đã cập nhật Đề án tuyển sinh năm 2017 trên website của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ http://www.thituyensinh.vn, tạo điều kiện cho thí sinh tìm hiểu.

Đọc thêm