Trong thời gian ở thăm, ông đã được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp, làm việc với lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Tài chính, Công an. Ngày 5-2, thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công an, có buổi làm việc với ông Scot Marciel.
Tại buổi gặp, ông Scot Marciel khẳng định chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Obama coi Việt Nam là một đối tác quan trọng và mong muốn quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển. Phía Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa các mối quan hệ đối với Việt Nam và coi Việt Nam là một nhân tố quyết định cho việc ổn định hòa bình, phát triển kinh tế ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Bên cạnh việc đánh giá cao những việc mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã làm được, ông Scot Marciel cũng thẳng thắn nêu ra một số vấn đề. Đó là: "Ở Mỹ ngày càng có nhiều người mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam . Nhưng thời gian gần đây, không ít người đã bày tỏ sự lo ngại về việc Việt Nam đã bắt giữ và đưa ra xét xử một số người “bất đồng chính kiến”. Phía Mỹ bày tỏ sự quan ngại về việc làm này của chính quyền Việt Nam . Ông Scot Marciel nói: "Với tư cách là một người bạn của Việt Nam , tôi muốn nói về việc này để bày tỏ mối quan ngại của tôi và nhiều người khác".
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã cảm ơn những chia sẻ của ông Scot Marciel đối với sự phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực trong thời gian gần đây.
Về những điều thuộc phạm vi "dân chủ và nhân quyền" mà ông Scot Marciel "bày tỏ mối quan ngại", Thượng tướng thẳng thắn: “Chúng tôi coi việc Chính phủ Hoa Kỳ có những quan điểm lệch lạc về nhân quyền của Việt Nam trong thời gian gần đây là can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam; thậm chí đòi yêu cầu thả ngay, thả không điều kiện một số người bị bắt, khiến chúng tôi không hiểu nổi.
Mỗi quốc gia đều có pháp luật nhằm bảo vệ thể chế của mình. Với một số người bị bắt, chúng tôi đã cung cấp thông tin đầy đủ cho Sứ quán Mỹ và khi đưa ra xét xử công khai còn mời cả nhân viên Sứ quán Mỹ tham dự. Những người đó bị đưa ra xét xử về những tội chống lại chính quyền, âm mưu thành lập tổ chức để lật đổ chính quyền nhân dân, chứ hoàn toàn không phải vì "bất đồng chính kiến".
Tại phiên tòa, họ khai rằng họ đã móc nối với một số tổ chức phản động lưu vong, trong đó có tổ chức khủng bố Việt Tân; rồi được sự khuyến khích giật dây của một số quan chức trong chính quyền Hoa Kỳ… Mục tiêu của họ là làm mất ổn định của Việt Nam . Công dân Việt Nam có quyền bày tỏ chính kiến, miễn là những ý kiến của họ đóng góp cho sự phát triển của đất nước, củng cố mối đoàn kết dân tộc. Còn nếu họ định thành lập tổ chức để lật đổ chính quyền thì đó là việc vi phạm pháp luật và phải được xử lý theo đúng các quy định của luật pháp…”.
Thượng tướng hỏi ông Scot Marciel: “Nếu ở Mỹ có một nhóm người đứng ra thành lập tổ chức với mục tiêu lật đổ chính phủ Mỹ thì với ngài cần phải xử lý họ thế nào? Và ngài hãy đặt ngài vào cương vị của tôi thì theo ngài phải xử lý sao? Chúng tôi cung cấp thông tin cho các ngài một cách đầy đủ, minh bạch thì các ngài không nghe mà các ngài chỉ nghe thông tin từ những người không có thiện chí, chống đối Việt Nam . Hoa Kỳ còn đang bắt, giam giữ hàng ngàn tù nhân của nhiều quốc gia trên thế giới vì nghi họ phạm tội, nghi họ khủng bố. Nhưng ở Việt Nam chưa có một ai vì bị nghi ngờ mà phải đưa ra xét xử.
Vì vậy tôi đề nghị ngài, cũng như ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại đây, chúng ta phải tăng cường đối thoại để hiểu rõ về văn hóa, về luật pháp của nhau hơn. Tôi cũng biết trong một số lĩnh vực chúng ta không bao giờ có được tiếng nói chung, chính vì thế càng cần phải đối thoại”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng cũng đề nghị hai bên cần tăng cường đối thoại hơn nữa trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và không can thiệp vào việc nội bộ của nhau, và cũng mong muốn chính quyền Hoa Kỳ nên nghiên cứu kỹ cơ sở văn hóa và pháp luật Việt Nam .
Ông Scot Marciel lắng nghe những ý kiến thẳng thắn của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng và khẳng định sự tiến bộ trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ông bày tỏ mong muốn hai bên sẽ có nhiều cuộc đối thoại về nhân quyền “như những người bạn” mặc dù còn có những quan điểm bất đồng.
(Theo CAND)