“Mỗi khi chúng tôi lưu thông sang một tỉnh, thành phố nào, thấy các xe tải, xe container hay xe khách có biển kiểm soát thuộc vùng miền đó, nếu họ muốn vượt qua mặt, tôi luôn nhường đường. Vào nghề tài xế được 20 năm, nên tôi hiểu “luật bất thành văn” này”, ông Lê Văn Năm (49 tuổi, quê Đà Nẵng, lái xe tải loại 18 tấn) cho biết.
|
Anh Hoàng và một số tài xế khác bức xúc kể lại việc bị lấn tuyến, vượt ẩu. Ảnh: Công Hà. |
Nguồn cơn gây tai nạn
Ông Năm nói tiếp: “Do họ ỷ lại là người thuộc địa bàn, đã quen mặt CSGT, biết CSGT thường đứng đâu và di chuyển trên đoạn đường nào, họ thuộc nằm lòng các tuyến đường trong khu vực, rồi cứ thế mà tăng tốc. Nếu không may, có chướng ngại vật hoặc xe ngược chiều bất ngờ xuất hiện, không kịp làm chủ tốc độ, lập tức gây ra tai nạn. Gặp những xe như vậy, tôi nhường đường cho an toàn”.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng (38 tuổi, quê Long An, tài xế xe tải nhẹ loại 3 tấn) vừa có một phen hú vía khi đang lưu thông trên quốc lộ 1A, di chuyển hướng Long An - TP HCM. Là xe thuộc hạng nhẹ nên anh luôn chạy cẩn thận trên làn đường quy định. Thế nhưng, khi vào địa phận TP HCM, bất ngờ xe container có biển kiểm soát TP HCM (57L) kéo theo rơ-moóc lưu thông từ sau lên, chạy sai tuyến, rồi vượt qua mặt với tốc độ cao, khiến anh giật mình và đánh lái làm xe chao đảo.
Ông Phạm Hữu Long (55 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, chạy xe khách 52 chỗ, tuyến Nam – Bắc và ngược lại) theo nghề lái xe chở khách được 25 năm. Trước lúc chưa xây đường hầm đèo Hải Vân, ông chứng kiến nhiều cảnh tai nạn thương tâm xảy ra của các đồng nghiệp chỉ vì việc lấn tuyến, giành đường và vượt ẩu.
Ông Long cho biết, ông luôn sợ những "bác tài" có tính hiếu chiến, chạy ẩu, muốn vượt qua mặt đối phương nhằm giành khách dọc đường. Khi trên xe có số lượng khách đã đủ, lại tiếp tục tăng tốc, lấn tuyến, tranh giành đường chạy về bến sớm để "xếp tài" trước.
“Nhiều tài xế xe khách khi chạy ra quốc lộ, chỉ biết nhấn ga, tăng tốc. Lúc chạy với tốc độ cao, thiếu kiểm soát, không may gặp vật cản sẽ không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn. Đối với những xe tải hay xe container, khi lưu thông nhìn vào cabin chỉ có một người và tự cầm lái, cần lưu ý đề phòng. Ngoài một số tài xế luôn ỷ lại địa bàn quen thuộc, chạy ẩu, còn có cả vấn đề, không có ai thay đổi tài khiến tài xế ngủ gục rồi gây ra tai nạn thảm khốc”, ông Long chia sẻ.
|
Các xe tải chở gỗ lớn, trụ bê tông dài, vượt quá trọng tải ngang nhiên lưu thông trên các tuyến đường TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Công Hà. |
Tự nguyện “làm luật”
Một số tài xế (lái thuê) cho biết, khi lái xe lưu thông qua các tỉnh, thành trên tuyến QL 1A, liên tục gặp nhiều điểm có CSGT đang làm nhiệm vụ, tài xế thường phải cho phụ xe xuống âm thầm làm “thủ tục”, sau đó, tiếp tục hành trình. Số tiền những tài xế này chi ra qua các tuyến đường sẽ được chủ xe hoàn trả lại đầy đủ.
Theo không ít tài xế đồng thời là chủ xe, bước vào nghề tài xế thì phải tự hiểu rõ “luật”, những lúc xe chở hàng vượt trọng tải, bị CSGT kiểm tra thì phải biết chi tiền. Các khoản chi ra trong suốt chặng đường cũng đã trích từ lợi nhuận của hàng hóa trên xe, nếu tài xế "không biết chuyện", thụ động, sẽ bị phạt nặng hơn.
“Chuyện đó là “luật” rồi, tôi là tài xế chạy xe Bắc – Nam, mình sống được thì người ta (các CSGT – PV) cũng sống được. Như xe tải tôi loại 10 tấn nhưng chở hàng lên đến 15 tấn, xem như vi phạm luật giao thông. Đến đoạn đường có CSGT “hỏi thăm sức khỏe” thì phải biết “làm luật” để đi. Những xe quen như vậy không bao giờ bị CSGT hỏi, có khi đến điểm, chưa bị thổi, tôi cũng tự giác xuống đưa, kẹp tiền sao cho kín đáo, cứ mỗi lần vậy là 50.000 đồng”, tài xế Hồ Quốc Nam cho hay.
Theo anh Nam, nếu xe tải hạng nhẹ mà chở quá tải cho phép, khi bị phạt ít nhất cũng 4,5 triệu đồng, bị giam giữ bằng lái 2 tháng, làm ngưng trệ công việc giao hàng. Đến thời gian được nhận lại bằng lái thì số tiền thất thu không nhỏ, nên hầu hết các tài xế luôn âm thầm “tự nguyện” chi tiền ra, theo "luật" bất thành văn" mà giới lái xe cho rằng "phải làm".
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều xe tải chở hàng hóa hay những thân cây gỗ lớn, hoặc các trụ bê tông dài… chất cao ngất ngưởng, cồng kềnh, với trọng lượng vượt mức cho phép so với trọng tải của xe. Điển hình, trên một tuyến đường thuộc phường Tam Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), có nhiều xe tải ngang nhiên lưu thông như các “hung thần” trên đường phố...
"Hung thần" chạy như bay trên đường, CSGT ở đâu?
Tại "điểm nóng" dưới cầu vượt An Sương (khu vực giáp ranh Q.12 và huyện Hóc Môn – TP.HCM), nơi từng xảy ra tai nạn giao thông gây chết người thường xuyên xuất hiện “hung thần” chở những thân cây gỗ rất lớn, có chiều dài gấp hơn hai lần so với chiều dài của xe lao vun vút với tốc độ kinh hoàng, rồi di chuyển theo hướng QL1A rẽ sang QL22.
|
“Hung thần” vô tư xuất hiện, chạy bạt mạng ở ngã tư An Sương (Q.12 - TPHCM). Ảnh: Công Hà. |
Nhiều người dân hai bên đường phản ánh, họ không khỏi bàng hoàng khi nhìn xe chở những thân gỗ khổng lồ đang lưu thông lại buộc bởi những sợi dây sơ sài. Mỗi lúc thấy “hung thần” xuất hiện, những người xung quanh đều tìm cách tránh né ra xa để bảo đảm tính mạng. Chúng tôi phải tăng tốc độ mới có thể ghi lại hình ảnh, clip về “hung thần” này.
Điều đáng nói hơn, vào những lúc các “hung thần” này xuất hiện, không thấy bóng dáng CSGT nào ở dưới cầu vượt An Sương, mà mọi ngày nơi đây lực lượng CSGT thường xuyên có mặt.
“Cứ vài hôm lại thấy “hung thần” xuất hiện và di chuyển ngang đây, tài xế lái xe chạy bạt mạng... Những lúc xe tải họ chạy ngang ngã tư An Sương chẳng thấy bóng dáng CSGT nào”, ông Sáu (50 tuổi, quê Bến Tre, chạy xe ôm quanh khu vực An Sương) bức xúc nói.
* Tên các nhận vật trong bài đã được thay đổi